Ai là người mở hiệu ảnh đầu tiên của người Việt?

29/10/2015 11:44 AM | Kinh doanh

Đặng Huy Trứ được xem là ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam với việc mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội năm 1869.

Tiệm ảnh đầu tiên của người Việt

Năm 1869, một hiệu ảnh nhỏ có tên Cảm Hiếu Đường được lập ra tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Cái tên Cảm Hiếu Đường xuất phát từ nhu cầu ghi lại hình ảnh của những bậc cha mẹ để giữ lại làm kỷ niệm cũng như bày tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Hiệu ảnh đầu tiên này do một vị quan thanh liêm, đa tài triều Nguyễn có tên Đặng Huy Trứ lập nên.

Với người Việt thời bấy giờ, việc chụp ảnh còn là điều khá xa lạ, để giới thiệu và thu hút một kỹ thuật mới lạ, trước cửa hiệu ông treo câu đối:

Nhân yên trù mật Thanh Hà phố

Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường.

(Nghĩa là:

Thanh Hà phố ấy dân trù mật

Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng)

Và câu đối

Hiếu dĩ sư thân, nhân sở cộng

Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền.

(Nghĩa là:

Hiếu thờ cha mẹ, người mong muốn

Ảnh giống chung nhau mãi mãi truyền.)

Sở dĩ Đặng Huy Trứ được xem là ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam xuất phát từ cơ duyên 2 lần đi được vua điều đi Hương Cảng (ngày nay là Hong Kong) vào năm 1865 và 1867.

Cùng với việc gặp gỡ những người có tư tưởng đổi mới, Đặng Huy Trứ đảm nhận nhiệm vụ mua thuốc súng về nước. Trong dịp đầu tiên đến Hương Cảng, lần đầu nhìn thấy một chiếc máy có thể chụp và lưu giữ lại hình ảnh khiến ông mất ăn mất ngủ, hào hứng tìm hiểu và ấp ủ mở một cửa hiệu tại Việt Nam. Năm 1867, ông nhờ một người quen ở Quảng Đông mua một chiếc máy ảnh, học hỏi kỹ thuật và mang về nước.


Chân dung Đặng Huy Trứ - Ông tổ của nhiếp ảnh Việt (1825 – 1874).

Chân dung Đặng Huy Trứ - Ông tổ của nhiếp ảnh Việt (1825 – 1874).

Khách hàng của hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ban đầu là các gia đình giàu có và cả các quan trong triều từ Huế ra công cán tại Hà Nội. Giá chụp ảnh ở đây, mỗi bức là ba đại nguyên, thành tiền là 16 quan 5 tiền với tấm ảnh mặc áo dài, mặc thường phục quần áo trong nhà; nếu là các vị quan mặc triều phục thì giá cao hơn.


Chân dung chánh sứ Phan Thanh Giản (1796-1867).

Chân dung chánh sứ Phan Thanh Giản (1796-1867).

Khi chụp ảnh cho khách, trực tiếp Đặng Huy Trú tự thao tác hết mọi công đoạn. Sau khi Đặng Huy Trứ mất năm Giáp Tuất (1874), hiệu Cảm Hiếu Đường cũng chấm dứt sự tồn tại, hiện nay một số tấm ảnh ông tự chụp cho mình vẫn còn được lưu giữ tại bảo tàng ở Pháp.

Vị quan đa tài vì dân vì nước

Đặng Huy Trứ sinh năm 1825, tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, Tỉnh Trai, tục gọi là Bố Trứ, Bố Đặng (do ông từng làm Bố chánh), pháp danh Đức Hải (thủa thiếu thời ông từng quy y tại chùa Từ Hiếu). Ông vốn sinh ra trong gia đình nhà giáo nổi tiếng tại làng Thanh Lương, nay là xã Hương Xuân, huyện Hương Tà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lớn lên trong truyền thống gia đình gia giáo, làm quan từ thời Tây Sơn đến triều Nguyễn nên Đặng Huy Trứ từ bé đã được nuôi dưỡng trách nhiệm với dân, với nước.

Sử sách ghi lại rằng Đặng Huy Trứ vốn thông minh, sáng dạ cùng với việc được thân phụ mời những bậc sỹ phu giỏi về dạy học, năm 15 tuổi ông đã đọc thông sách vở đương thời.

Năm 18 tuổi, Đặng Huy Trứ lều chõng đi thi và đỗ cử nhân. Năm 22 tuổi ông đi thị hội nhưng bị đánh trượt vì bài thi phạm húy. Ông bèn về quê mở trường dạy học, một thời gian sau ông lại đi thi và đỗ giải nguyên. Từ đây Đặng Huy Trứ bước chân vào chốn quan trường.

Mặc dù sinh ra, lớn lên trong gia đình lễ giáo nhưng Đặng Huy Trứ luôn có ý thức phản kháng lại lễ giáo, có những tư tưởng sáng tạo, mới mẻ. Theo sử sách chép lại, năm 20 tuổi ông vượt qua mọi lễ giáo phong kiến, sự phản đối của gia đình để cưới người con gái lái đò từng cứu sống ông. Ông cũng được nhà cách mạng Phan Bội Châu xem là một trong những người ươm mầm khai hóa giữa thời kỳ lịch sử chính trị đầy rối ren, biến động thế kỷ XIX.

Những mầm ươm đổi mới mà Đặng Huy Trứ gieo cho hậu thế gồm tư tưởng: Làm giàu, kỹ thuật và quân sự. Trong khi xã hội phong kiến khinh rẻ nghề đi buôn, xem đây là nghề mạt hạng thì một vị quan như ông lại xem trọng làm giàu, buôn bán, thương nghiệp.

Cuốn sách Danh nhân Hà Nội từng viết về ông như sau “…phải phát triển thương mại và nông nghiệp, đẩy mạng khai mỏ, cải tiến hệ thống giao thông vận tải. Nhận lấy nghề mạt là đi buôn để làm giàu cho đất nước. Làm giàu là một đạo lớn không thể xem khinh…”. Năm 1868, Đặng Huy Trứ làm Biện lý Bộ Hộ, trực tiếp phụ trách Ty Bình Chuẩn, tại Hà Nội đảm nhiệm việc xuất nhập khẩu, giao thương với nước ngoài, chuyên lo việc kinh tế, tài chính cho triều đình.

Hạt mầm thứ 2 mà Đặng Huy Trứ gieo chính là tư tưởng tiếp thu công nghệ, kỹ thuật mới. Trong 2 lần đi sứ tại Hương Cảng, ngoài việc đưa kỹ thuật chụp ảnh về Việt Nam, Đặng Huy Trứ còn học hỏi các kỹ thuật chế tạo máy móc, đóng thuyền, đúc súng. Với sự giúp đỡ của người Anh, ông cùng những người thợ Việt đã đóng được con thuyền đầu tiên dưới thời vua Tự Đức có tên Mẫn Thoại.

Mặc dù là một quan văn nhưng Đặng Huy Trứ còn có những tư tưởng khai hóa trong quân sự học. Năm 1869 khi lập nhà in Chí Trung Đường tại phố Thanh Hà, ông đã cho in ngay 2 cuốn binh thư nổi tiếng đương thời là Ký sự tâm biên và Kim thang tá chỉ thập nhị trù.

“Bốn phương giặc dã đó là cái nhục của binh sỹ đại phu. Muốn rửa nhục này không thể không đọc binh thư”, ông từng nói. Khi được điều ra biên thùy miền Sơn- Hưng- Tuyên, ông đã vận dụng kiến thức quân sự của mình để giúp tướng lĩnh trong triều như Ông Ích Khiêm thành lập những đội quân kiểu mới và xây dựng nên những thiết chế mới về kỷ luật trong quân đội.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM