60 năm cơ khí truyền đời ở gia đình lão doanh nhân Bùi Văn Ngọ

15/06/2015 14:11 PM | Kinh doanh

Ông Bùi Văn Ngọ xây dựng cơ nghiệp từ những năm 1955 của thế kỉ trước vì “tự ái dân tộc, vì mình nghèo quá không dám ngó ai hết nên phải ráng suy nghĩ, tự tạo ra cái mình cần để xài, làm cho đã cái chí của mình…”.

Nội dung nổi bật:

- Từ một xưởng cơ khí nhỏ quy mô gia đình chỉ có hơn 10 người, đến nay Bùi Văn Ngọ đã vươn lên trở thành công ty cơ khí nông nghiệp bề thế với hơn 1.000 lao động kỹ thuật, doanh thu hàng năm đạt hơn 700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm.

- Những chuyên gia cơ khí của công ty phát hiện ra rằng các loại máy chế biến cà phê nhập khẩu từ nước ngoài vừa mắc tiền vừa có những vấn đề kỹ thuật chưa giải quyết được, đã đến lúc phải làm ra những loại máy “Made in Vietnam” với giá thành rẻ và chất lượng không thua kém hàng nhập.

- Doanh số trung bình của 2 quán cà phê Bùi Văn Ngọ ở quận Bình Tân và quận 6 TP Hồ Chí Minh hiện vào khoảng 70 - 80 ly/ngày.


Tôi gặp ông Bùi Phong Lưu – Giám đốc Công ty Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ vào một ngày cuối tuần tại quán cà phê mang tên Bùi Văn Ngọ ở khu Tên Lửa quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ông Lưu là con trai của ông Bùi Văn Ngọ và đã thay cha quản lý công ty gia đình từ 2 năm nay.

Buổi nói chuyện xoay quanh lịch sử nghề cơ khí gia truyền hơn 60 năm và thương hiệu cà phê Bùi Văn Ngọ mà công ty đã bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2013 đến nay.

Cơ khí truyền đời

Khi nhắc đến thương hiệu cơ khí Bùi Văn Ngọ, những người sống lâu năm ở đất Sài Gòn và nông dân các tỉnh Nam Bộ sẽ nghĩ ngay đến những cỗ máy xay xát lúa và máy đánh bóng, tách màu gạo đã làm nên tên tuổi công ty hàng chục năm qua.

Ông Bùi Văn Ngọ sinh năm 1931 tại Sài Gòn, là thế hệ thứ ba trong một đại gia đình làm thợ nguội, thợ máy, thợ đúc kim loại, thợ vẽ kỹ thuật. Cụ thân sinh ra ông vốn là giáo viên dạy nghề tại Trường kỹ thuật Đỗ Hữu Vị, nay là trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng. Bản thân ông là học viên đồ họa của Xí nghiệp Đóng tàu Ba Son, chuyên ngành thiết kế chế tạo máy công nghiệp.

Ông Bùi Phong Lưu

Ông Bùi Phong Lưu

Những năm 1955 của thế kỉ trước vì “tự ái dân tộc, vì mình nghèo quá không dám ngó ai hết nên phải ráng suy nghĩ, tự tạo ra cái mình cần để xài, làm cho đã cái chí của mình…”, cơ khí gia Bùi Văn Ngọ khởi nghiệp với xưởng đúc gang nhỏ tại khu Nancy (Trần Hưng Đạo, Quận 5) rồi sau dời về khu Hậu Giang (Quận 6).

Mặc cho xưởng nhỏ, không có điện, mọi thứ phải làm thủ công nhưng ông Ngọ đã làm được máy ép dầu dừa 50 mã lực, tương đương công suất máy ép dầu của Anh quốc. Đặc biệt ông làm ra béc phun đốt dầu đen lò nung gạch giúp các kỹ nghệ gia khác kiến tạo đô thị Sài Gòn.

Trước giải phóng, ở khắp Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, “cứ việc gì khó về kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy thì người ta nghĩ ngay tới cái tên Bùi Văn Ngọ”, Thời gian này, nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp như máy xay lúa, máy ép dầu dừa, máy ép mía… có mặt trên thị trường nhưng dây chuyền của nước ngoài thường rất đắt tiền, lại không phù hợp với điều kiện canh tác nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ. Ông Bùi Văn Ngọ dựa vào nguyên lý hoạt động của các máy móc cơ khí nông nghiệp, rồi đơn giản hóa cho phù hợp với điều kiện sản xuất của người nông dân.

Sau năm 1975, theo chủ trương Nhà nước, cơ khí Bùi Văn Ngọ gia nhập Hợp tác xã cơ khí Hậu Giang. Đến những năm 1980 – 1989, chính sách thay đổi, cơ sở được tái lập. Lúc đó, người nông dân làm ra nhiều lúa gạo, nhưng không có máy móc chế biến sau thu hoạch. Nắm bắt cơ hội, ông Bùi Văn Ngọ và các con đã chọn cho mình hướng đi chính là chuyên sản xuất thiết bị xay xát lúa gạo.

Đến nay, về mặt công nghệ, Bùi Văn Ngọ đã sản xuất được 100% các thiết bị sấy tồn trữ và xay xát lúa gạo đồng bộ theo công nghệ tiên tiến, giúp giảm thiệt hại sau thu hoạch. Công ty cũng đã sản xuất được hệ thống thiết bị đồng bộ từ sấy – xay xát – tách màu – đóng gói cho ngành lúa gạo ngang bằng công nghệ xay xát thế giới.

“Thích nghi, hiện đại, hiệu quả cho nhà đầu tư” là phương châm phục vụ của cơ sở cơ khí Bùi Văn Ngọ. Hiện nay, thiết bị chế biến, tồn trữ lúa gạo của công ty Bùi Văn Ngọ có tiếng trong nước và xuất khẩu sang 26 nước.

Từ một xưởng cơ khí nhỏ quy mô gia đình chỉ có hơn 10 người, nay Bùi Văn Ngọ đã vươn lên trở thành công ty cơ khí nông nghiệp bề thế với hơn 1.000 lao động kỹ thuật. Doanh thu hàng năm đạt hơn 700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm.

Cà phê sáng tạo

Theo ông Bùi Phong Lưu, mọi chuyện bắt đầu từ khi những chuyên gia cơ khí của công ty phát hiện ra rằng các loại máy chế biến cà phê nhập khẩu từ nước ngoài vừa mắc tiền vừa có những vấn đề kỹ thuật chưa giải quyết được, đã đến lúc phải làm ra những loại máy “Made in Vietnam” với giá thành rẻ và chất lượng không thua kém hàng nhập.

Trải qua nhiều năm nghiên cứu phát triển, Công ty cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ đã nhận được bằng sáng chế sau khi đưa các giải pháp ứng dụng hiệu quả hơn rất nhiều từ khâu sấy, đánh bóng, rang xay và bắt đầu tiến tới thiết bị pha cà phê.

“Để sáng chế ra máy làm cà phê thì phải am hiểu về cà phê và thử nghiệm nhiều loại hạt với những công thức khác nhau. Cộng với việc công ty có hơn 1.000 nhân viên thì đa phần ai cũng thích uống cà phê buổi sáng để có tinh thần làm việc minh mẫn. Đây chính là những cơ duyên để chúng tôi tìm tòi sản xuất ra cà phê rang xay mang thương hiệu Bùi Văn Ngọ”, ông Bùi Phong lưu kể lại.

Nhấm nháp một tách cappuccino từ hạt cà phê trồng ở Lâm Đồng và pha chế theo công thức của những cơ khí gia công ty Bùi Văn Ngọ, bạn sẽ cảm nhận được hương vị cà phê tự nhiên nồng nàn qua đầu lưỡi và tuyệt nhiên không có lẫn bất kì hương liệu nào. Theo ông Lưu, triết lý cà phê Bùi Văn Ngọ là phải quy củ như một ngành công nghiệp từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến, rang xay nhằm giữ được giá trị tinh túy nhất của hạt cà phê Việt Nam.

"Tại Festival cà phê Buôn Mê Thuột hồi tháng 3 và Vietnam Foodexpo tháng 5-2015 vừa qua, khi chúng tôi tham gia triển lãm sản phẩm cà phê đã nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng và các khách hàng quốc tế cũng muốn đặt vấn đề hợp tác", ông Bùi Phong Lưu hào hứng nói.

Doanh số trung bình của 2 quán cà phê Bùi Văn Ngọ ở quận Bình Tân và quận 6 TP Hồ Chí Minh hiện vào khoảng 70 - 80 ly/ngày. Với mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng/ly thì cà phê Bùi Văn Ngọ sẽ là lựa chọn phù hợp cho những khách hàng thích thưởng thức cà phê phong cách Ý với mức giá phổ thông.

Cùng với đó, không gian để thưởng thức cà phê cũng được hình thành qua các sản phẩm nội thất của chính công ty Bùi Văn Ngọ đang xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và máy pha cà phê thương hiệu Bùi Văn Ngọ cũng đang được hoàn thiện để thay thế máy nhập khẩu giá rất cao trên thị trường hiện nay.

“7 loại như các giai điệu âm nhạc là: Tango, Blue, Rock … đã mang đến cho chúng tôi một lượng khách hàng trung thành và là tiền đề để trong năm nay sẽ mở thêm khoảng 3 quán nữa ở TP.HCM, Long Xuyên và Cần Thơ. Nhưng với cà phê Bùi Văn Ngọ, chúng tôi quan niệm là phải thực hiện một chiến lược phát triển từng bước, chú trọng cảm nhận của khách hàng để có sự điều chỉnh phù hợp. Thức uống là một ngành mới của công ty Bùi Văn Ngọ đã có 60 năm tuổi đời và chúng tôi không có gì phải vội vàng”, ông Bùi Phong Lưu chia sẻ.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM