5 năm nữa, người Nhật tương lai sẽ không còn cơ hội biết đến lịch sử Tokyo?

11/11/2015 10:30 AM | Kinh doanh

Sau này rồi người Tokyo sẽ lấy gì để giới thiệu về lịch sử thành phố cho du khách khi mà xung quanh họ chỉ toàn những công trình có tuổi đời chỉ vài chục năm.

Những góc xưa của Tokyo

Đối với những du khách đến Tokyo, họ thường nghĩ đến những trung tâm mua sắm sang trọng, lấp lánh ánh đèn với những người nữ bảo vệ xinh xắn nhẹ nhàng đeo găng tay trắng. Hoặc người ta nghĩ đến khu Akihabara với hàng dãy phố hàng điện tử, hay những cửa hàng thời trang phong cách sành điệu ở Shibuya hay Omotesando.

Thế nhưng đó là những thứ dành cho du khách. Còn đối với những người thực sự sống ở Tokyo, việc mua sắm là một hoạt động bình thường trong cuộc sống, chính vì vậy họ quan tâm nhiều hơn đến những khu chợ truyền thống hay còn gọi là “shoutengai”. Những khu chợ này thường nằm rất gần các nhà ga và nó mang nhiều nét đặc trưng nhất của Tokyo từ hàng chục năm trước.

Các khu shoutengai bao gồm rất nhiều cửa hàng gia đình với những người phục vụ cùng sống dưới một mái nhà và phục vụ nhiều món truyền thống Nhật theo đúng kiểu Nhật. Nhưng cũng không xa đó là những quầy chơi cờ bạc pachinko hay tiệm bán đồ ăn nhanh.

Cách nhà ga Meguro trung tâm thủ đô Tokyo không xa là khu phố mua sắm Musashi Koyama. Con phố kinh doanh kéo dài 1km này bắt đầu được khai trương vào năm 1956, khi đó đã trở thành trung tâm mua sắm sầm uất nhất khu vực phía Đông Tokyo. Giờ đây tại khu phố vẫn còn rất nhiều cửa hàng từ thời kỳ đó vẫn đang hoạt động.

Khu phố ngày nay cũng xuất hiện nhiều cửa hàng bán đồ đồng giá 100 yên, cửa hàng bán đồ ăn Trung Quốc, tiệm café hay tiệm bánh, cửa hàng bán rau, kimono hay trà xanh. Người ta có thể cảm nhận tất cả những nét hiện đại và cổ kính của Tokyo chỉ trong vài bước chân.

Thế nhưng có thể chỉ sau 5 năm nữa thôi, du khách cũng như chính những người sống tại Tokyo sẽ không còn cơ hội nhìn thấy những khu chợ cổ kính như thế nữa. Nguyên nhân chính là bởi vì số lượng các dự án hạ tầng mới được triển khai để phục vụ cho Olympic Tokyo 2020 ngày một nhiều và những khu chợ truyền thống sẽ bị đập bỏ đi gần hết để lấy đất sạch cho dự án trên.

Câu chuyện buồn của những người giữ hồn Tokyo

Ông Toshiko Watabe, chủ một quầy bar nhỏ có tên là Shiro đã hoạt động 52 năm tại Musashi-Koyama, cảm thấy rất buồn khi phải chứng kiến gia tài của gia đình đóng cửa mà không có cách gì cứu vãn.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ cuối cùng cửa hàng của nhiều thế hệ gia đình tôi lại kết thúc trong đời tôi. Tôi đã từng nghĩ rằng cuối cùng một trong những đứa con của tôi sẽ tiếp quản công việc kinh doanh. Tôi đã lớn lên với cửa hàng của gia đình và sẽ ra đi cùng với nó. Nhưng bây giờ mọi mơ ước đã không thể nào thành hiện thực nữa”, ông Toshiko Watabe buồn rầu nói.

Watabe đã bắt đầu quản lý quầy bar từ khi 20 tuổi, nay đã ngoài 70 tuổi. Nhiều thập niên sống ở Tokyo, ông đã chứng kiến rất nhiều thay đổi. Tokyo trước đây, theo lời kể của ông, khác rất nhiều so với hiện tại.

Những thập niên trước, nhiều cuộc đấu tay đôi thường xuyên diễn ra trên phố, trên phố lúc nào cũng đầy tay anh chị (yakuza) xăm trổ đầy mình đi qua đi lại. Đường phố cũng còn khá thưa người và vắng vẻ. Dù là khu phố mua sắm nhưng đến đêm muộn, ít người dám đến khu vực nơi Watabe ở bởi nó được coi như nơi tập hợp của nhiều băng đảng.

Thời gian qua đi, khu vực Musashi cũng dần thay đổi theo, những tay anh chị chuyển sang nơi khác đóng địa bàn, chỉ còn lại người kinh doanh thuần túy. Tình trạng phân biệt giữa người thành phố và người nông thôn cũng giảm đi rõ rệt.

Quầy bar của Watabe đón nhận thêm nhiều khách hàng trẻ ngày đêm đến đây uống vài ly rượu, tìm kiếm lời khuyên về công việc, cuộc sống từ người chủ quầy. Quan hệ giữa chủ quầy và khách nhiều khi trở nên thân thiết như người bạn và lâu ngày không gặp cũng thấy nhớ.

Ông vẫn còn nhớ như in buổi gặp gỡ giữa những chủ kinh doanh khu phố và chủ thầu xây dựng, trong buổi đó, phần lớn những người như ông đã khóc.

Watabe kể lại: “Chúng tôi đã cùng với nhau sống qua bao nhiêu khoảng thời gian khó khăn ở trên khu phố kinh doanh này. Dù chúng tôi cạnh tranh với nhau để tồn tại nhưng bên cạnh đó tình bạn, sự gắn bó giữa chúng tôi vẫn rất khăng khít. Chúng tôi đã cùng nhau cầu xin các chủ thầu, nhưng cũng chẳng được gì. Họ có quyền lực và có tiền. Hết buổi họp, chúng tôi cùng nhau uống rượu thật nhiều để quên đi nỗi buồn và sự thất vọng.”

Thế hệ tương lai sẽ chỉ biết đến cao ốc?

Theo ông Manjo Shimahara, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Home’s Research Institute cũng thể hiện tâm trạng thất vọng khi những khu vực cũ của Tokyo như Musashi-Koyama chuẩn bị bị phá hủy và biến thành những cao ốc vô hồn.

Ông Shimahara chắc chắn là một người rất hoài cổ: “Vì Olympic 2020, rất nhiều khu vực ở Tokyo đang bị đập bỏ đi để xây dựng mới. Có thể đó sẽ là những tòa nhà đẹp, sạch sẽ hơn, nhưng liệu nó có thú vị không? Rồi sau này, con cháu chúng ta và những khách du lịch khắp nơi sẽ không bao giờ được tận mắt chứng kiến một Tokyo ngày xưa như thế nào mà chỉ biết đến toàn những tòa nhà chọc trời.”

Ông Shimahara cho rằng xét đến trình độ quy hoạch đô thị, Nhật thực sự đi sau nhiều nước như Mỹ hay châu Âu bởi họ luôn giữ được rất nhiều khu vực, công trình cổ kính còn Nhật thì dường như rất hăm hở để phá đi hết những cái cũ.

Ông dẫn chứng việc đã từng có rất nhiều nước tại Mỹ hay châu Âu, đã có những dự án hạ tầng quy mô lớn phải bỏ sau khi nhiều nhà văn, nhà lịch sử phản đối việc phá hoại những di sản dành cho tương lai.

Gần nhà ga Shinjuku ở Tokyo có một khu vực hình trăng lưỡi liềm thường gọi là con đường Ánh Trăng. Hiện có khoảng 30 quầy bar, nhà hàng và cửa hàng nhỏ dọc theo khu vực này, khi đi qua khu vực này người ta có thể cảm nhận thấy như mình đang sống trong thời kỳ Showa (1926-89) của Nhật.

Những quầy bar ở đây đã phục vụ khách cả nhiều thập kỷ, có những vị khách đến đây từ khi mới ở độ tuổi ngoài 20 và cho đến tận ngoài 70 tuổi khi sắp từ giã cuộc đời họ cũng vẫn cố gắng đến dù một năm chỉ vài lần.

Đáng tiếc, khu vực này cũng đã thuộc quy hoạch để xây dựng cao ốc mới phục vụ cho Olympic 2020. Trong một cuộc biểu tình đấu tranh đòi duy trì khu vực mới đây, có sự tham gia của hàng trăm người dân khu vực và ngoài ra là rất nhiều kiến trúc sư, nhà sử học, văn hóa.

Khi những khu vực cũ ngày một thu hẹp để dành cho dự án hạ tầng mới, nhiều chuyên gia văn hóa và lịch sử không khỏi đặt câu hỏi, sau này rồi người Tokyo sẽ lấy gì để giới thiệu về lịch sử thành phố cho du khách khi mà xung quanh họ chỉ toàn những công trình có tuổi đời quá ngắn và không mang đặc trưng của Tokyo trước đây?

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM