4 "tảng đá" mà Starup Việt Nam muốn thành công buộc phải vượt qua

28/12/2015 09:14 AM | Kinh doanh

3/10 startup sẽ chết yểu trong 2 năm đầu tiên gia nhập thị trường, một nửa số còn lại biến mất chỉ trong 3 năm tiếp theo. Luôn có những cái bẫy luôn chực chờ các dự án khởi nghiệp.

Mới đây sự kiện CEO Google Sundar Pichai đến Việt Nam và dành thời gian trò chuyện cùng cộng đồng startup càng chứng minh sức nóng của làn sóng khởi nghiệp trong những năm gần đây. Thế nhưng thực tế luôn có những cái bẫy luôn chực chờ các dự án khởi nghiệp.

Theo số liệu từ trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy 3/10 startup sẽ chết yểu trong 2 năm đầu tiên gia nhập thị trường, một nửa số còn lại biến mất chỉ trong 3 năm tiếp theo. Sau đây là những thách thức mà bất kỳ startup nào cũng phải đối mặt tại Việt Nam.

Sinh tồn thế nào?

Trong một sự kiện khởi nghiệp gần đây, nhiều bạn trẻ đem đến những ý tưởng độc đáo, thể hiện đam mê sáng tạo, chịu khó tìm tòi tuy nhiên nhiều ý tưởng khó đi vào đời sống. Đây chính là lý do ông George Nguyễn, nhà sáng lập Google Developer Group chỉ có thể chọn ra 2/54 ý tưởng có thể đưa ra thị trường thương mại hóa.

Theo nhận xét của chuyên gia này, những người trẻ Việt Nam rất có tiềm năng về mặt sáng tạo nhưng thiếu hướng dẫn ban đầu để ý tưởng đi đúng hướng. “Đa phần các startup không kiên nhẫn và thiếu nội lực về tài chính sẽ khó trụ vững lâu dài. Khi đưa ý tưởng thành một mô hình kinh doanh, bạn phải có kế hoạch rõ ràng chứ không phải bằng niềm tin."

Không tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, không lên và không biết cách lên kế hoạch kinh doanh cụ thể là những lý do khiến startup tại Việt Nam khó khăn trong chiến đấu sinh tồn.

Chọn ai đi cùng?

Đây là câu hỏi trăn trở của nhiều người khi bắt tay vào khởi nghiệp không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Ông Nam Nguyễn, chủ tịch công ty Alpha Vision nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tìm cộng sự khi khởi nghiệp: “Ý tưởng tốt có thể thất bại, nhưng đội ngũ cộng sự tốt là yếu tố quan tọng nhất, nhằm đảm bỏa các startup có thể tồn tại”.

Các chuyên gia khởi nghiệp cho rằng khi tìm cộng sự, các bạn trẻ nên tìm người: có thể bổ sung được cho mình để khai thác được điểm mạnh của mình, người này không chỉ đủ năng lực làm việc mà còn phù hợp với tính cách và văn hóa công ty, tuổi tác không quan trọng bằng sự nhiệt huyết.

Bên cạnh đó tùy theo ý tưởng, hoàn cảnh nhất định để thu hút nhân tài, tìm cộng sự nhưng không nên quá nhiều, nên khởi nghiệp trước 30 tuổi vì sau tuổi này sẽ có nhiều ràng buộc như gia đình, không thể dốc hết sức cho công việc. Ngoài ra để giữ chân người tài, bên cạnh niềm tin, tầm nhìn thì cần chú ý tới công cụ cổ phần. Theo ông Lương Duy Hoài, nhà sáng lập công ty Giao hàng nhanh thì đây là vũ khí lợi hại, sẽ tạo cho cộng sự cảm giác được sở hữu, khiến họ chuyên tâm cống hiến hết mình.

Gọi vốn bằng cách nào?

Sau khi vượt qua được chặng khởi đầu, việc thu hút được nguồn tài chính để bước tiếp lên nấc thang quan trọng hơn là điều vô cùng quan trọng với các dự án khởi nghiệp. Khác với việc khởi nghiệp tại Mỹ hay các thị trường phát triển khác, nơi có nhiều quỹ đầu tư nên việc gọi vốn dễ dàng hơn nếu doanh nghiệp có ý tưởng tốt nhưng ở Việt Nam, tất cả không chỉ nằm ở ý tưởng mà còn phải chứng minh cho nhà đầu tư thấy kết quả thực sự của dự án, ông Trần Nguyên Lê Văn, nhà sáng lập dự án Vexere.vn chia sẻ.

Khó khăn nhưng không có nghĩa không làm được. Năm 2015, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam chứng kiến những thương vụ huy động vốn tới hàng triệu đô của Huy Việt Nam, Cốc Cốc, KAfe Group, Foody, Vexere, Websosanh, và mới đây nhất là Lozi.

Theo chia sẻ của ông Văn, để gọi vốn thành công cần chứng mình cho nhà đầu tư thấy kết quả chứ không phải “chém gió”, chọn đúng điểm rơi để gọi vốn. Ngoài ra, một chuyên gia khác cho biết có 2 điểm cốt yếu mà ông quan tâm chính là: Mô hình kinh doanh có bền vững hay không, có thể phát triển mạnh, có tiện lợi hay không và đội ngũ khởi nghiệp có đủ độ tin cậy, khả năng đạt được mục tiêu là bao nhiêu.

Chọn thị trường nào để khởi nghiệp?

Trong cuộc trao đổi cùng CEO Google vừa qua, nhiều đại diện startup Việt Năm đặt ra thắc mắc về lựa chọn nơi để khởi nghiệp theo đó nhiều người lựa chọn thung lũng Silicon bởi ở đó dễ dàng hơn, còn tại Việt Nam đôi khi rất khó khăn để thực hiện.

Tuy nhiên CEO Sundar Pichai cho rằng nên tập trung tại ngay thị trường nội địa: “Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là một thị trường rất lớn, các công ty khởi nghiệp (start-up) nên nắm lấy cơ hội và phát triển tốt thị trường trong nước, rồi hãy tính đến tiếp cận thị trường thế giới”. Ông cho biết tại Ấn Độ, các startup về thương mại điện tử, thanh toán điện tử… hầu hết đều phát triển ở trong nước, khi mạnh mới tiến ra nước ngoài.

CEO này còn chia sẻ công ty khởi nghiệp nhỏ không nên quá lo lắng với việc phải cạnh tranh với các công ty lớn như Google hay Facebook. Vì dù quy mô nhỏ hay lớn thì mỗi công ty đều có những lợi thế riêng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM