Câu chuyện hoang tưởng về sự kết thúc chiến tranh thương mại

03/01/2020 15:12 PM | Xã hội

Tờ Economist nhận định sang thập niên 2020, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chiến thương mại mới, dai dẳng và thầm lặng hơn, qua đó thử thách sự chịu đựng của 2 nền kinh tế hàng đầu.

Vào ngày 15/1/2020 tới đây, Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ký vào một bản thỏa thuận giai đoạn 1 của quá trình kết thúc chiến tranh thương mại với những điều khoản như Trung Quốc sẽ mua nhiều hàng nông sản của Mỹ hơn. Nhiều nhà đầu tư đã hân hoan về một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế thế giới.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng mọi người vui mừng quá sớm. Câu chuyện hoang tưởng về việc kết thúc chiến tranh thương mại hiện nay sẽ chẳng mấy chốc sụp đổ bởi mối đe dọa về công nghệ của Trung Quốc với Phương Tây đã quá rõ ràng. Từ trí thông minh nhân tạo, kỹ thuật gen, công nghệ 5G cho đến hàng loạt kỹ thuật khác khiến Phương Tây chắc chắn khó quan hệ lại bình thường được với Trung Quốc.

Trong suốt chiều dài lịch sử, sự trỗi dậy của một thế lực mới luôn tạo nên những xung đột. Tiến trình này có lúc thăng trầm, nhưng sự đối chọi để xác định vị thế thống trị thì chưa bao giờ chấm dứt. Việc Mỹ ép Trung Quốc mua một số mặt hàng nông sản chẳng thể khiến chính quyền Bắc Kinh thay đổi mô hình kinh tế họ đã vạch ra. Người Mỹ giờ đây cũng chẳng thể tiếp tục chịu thâm hụt thương mại và để Trung Quốc đe dọa vị thế về công nghệ, kinh tế được nữa.

Các nhà lãnh đạo của cả 2 bờ Thái Bình Dương đều cho rằng mình có thể đưa đất nước tiến lên một tương lai tươi sáng hơn. Điều thú vị là trong kịch bản tương lai tươi sáng của cả 2, nước còn lại chắc chắn sẽ chịu thiệt và bị bỏ lại phía sau.

Câu chuyện hoang tưởng về sự kết thúc chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tờ Economist nhận định sang thập niên 2020, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chiến thương mại mới, dai dẳng và thầm lặng hơn, qua đó thử thách sự chịu đựng của 2 nền kinh tế hàng đầu.

Vậy điều gì đã dẫn thế giới đến một cuộc chiến thương mại mà chỉ vài năm trước vẫn chưa có mấy ai để ý và tại sao nó chưa thể kết thúc trong năm 2020?

Sự đối đầu giữa cường quốc cũ và thế lực mới

Quay trở lại 20 năm trước khi Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, người dân nước này và các nhà đầu tư nước ngoài đều kỳ vọng con rồng Châu Á sẽ thức tỉnh, qua đó tạo nên một thị trường màu mỡ cho Phương Tây.

Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã chết sớm thông qua các cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi Phương Tây lao đao với tăng trưởng thì Trung Quốc lại chống chọi cực tốt với khủng hoảng và nhanh chóng bứt tốc để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Từ bỏ phương châm "giấu mình chờ thời", Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bành trướng sức ảnh hưởng của mình ra toàn cầu.

Tận dụng dòng chảy thông tin, thương mại, tài chính và công nghệ, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cũng như tao ảnh hưởng bằng các dự án khổng lồ như "Một vành đai một con đường", Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB). Ngoài mục đích mở rộng vị thế, qua đó hưởng lợi từ các hợp đồng thương mại và tìm thị trường mới, Trung Quốc còn muốn thăm dò và khai thác những nguồn tài nguyên mà họ còn thiếu trong nước. Đó có thể là đất nông nghiệp, công nghệ mới, tài nguyên mới hay đơn giản là sự ủng hộ về địa chính trị.

Câu chuyện hoang tưởng về sự kết thúc chiến tranh thương mại - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, mặc dù Mỹ thành công biến Trung Quốc trở thành thị trường số 1 thế giới nhưng họ cũng gặp phải rất nhiều vấn đề. Việc bảo hộ thái quá của chính phủ Trung Quốc, ăn cắp công nghệ, thâm hụt thương mại… khiến cho rất nhiều cử tri Mỹ bất bình.

Hệ quả tất yếu là 2 cường quốc kinh tế buộc phải đối đầu nhau vì lý do gì đi chăng nữa nếu muốn hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Mỹ không thể cho phép một cường quốc mới thách thức địa vị trong thương mại lẫn địa chính trị trong khi Trung Quốc lại cần có thêm không gian để phát triển.

Năm 2019, chiến tranh thương mại ngày càng nóng bỏng với vụ bắt bớ của Mỹ liên quan đến tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Châu Âu thì siết chặt hàng loạt các dự án đầu tư từ Trung Quốc do lo ngại bị mất cắp công nghệ. Chiến lược "Mỹ tiến" của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đổ bể khi chiến tranh thương mại diễn ra.

Tất nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của một giai đoạn xung đột khi cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa chuẩn bị kỹ càng cho một cuộc chiến thương mại thực sự. Tổng thống Mỹ Donald Trump cần một thỏa thuận tạm thời cho đợt bầu cử tổng thống sắp tới trong khi Trung Quốc cũng cần thời gian nghỉ ngơi sau những áp lực nghẹt tở từ bên kia Thái Bình Dương. Hệ quả là cả 2 nước đi đến một thỏa thuận tạm thời, để lại hàng loạt vấn đề nổi cộm cho những lần đàm phán sau này.

Một trận chiến không thể tránh khỏi

Với những người mong muốn kết thúc chiến tranh thương mại, có lẽ họ vẫn chưa nhìn ra được những dấu hiệu về một cuộc đại chiến không thể tránh khỏi. Kể từ năm 2017 đến nay, thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm tương ứng 9% và 60%. Mặc dù vậy nền kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng 3% trong năm 2019 nên nhiều người chưa cảm nhận được không khí chiến tranh. Thậm chí với một số ngành kinh doanh như Starbucks, vốn có 4.124 quán cà phê ở Trung Quốc, họ chẳng bị ảnh hưởng mấy bởi chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn, Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng đối đầu găy gắt trên rất nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, địa chính trị cho đến các vấn đề sâu rộng hơn trong xã hội. Ngay cả việc một ứng dụng video như TikTok của Trung Quốc bùng nổ người dùng cũng khiến nhiều chuyên gia Phương Tây phải lo ngại.

Câu chuyện hoang tưởng về sự kết thúc chiến tranh thương mại - Ảnh 3.

Với sự đối đầu đang ngày càng nhiều qua mỗi ngày, một bản thỏa thuận tạm thời chỉ là sự tĩnh lặng trước cơn bão. Điều trớ trêu là cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phụ thuộc khá nhiều vào nhau. Trong khi rất nhiều thiết bị điện tử và mặt hàng của Mỹ được sản xuất ở bên kia Thái Bình Dương thì Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nền kinh tế ố 1 thế giới trong mảng công nghệ cao. Khoảng 55% đầu vào của ngành robot công nghệ cao, 65% thành phần công nghệ điện toán đám mây và 90% mảng bán dẫn của Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ.

Theo ước tính, Trung Quốc và Mỹ phải mất 10-15 năm mới có thể thay đổi mô hình kinh doanh để không còn phụ thuộc lẫn nhau. Trung Quốc cần công nghệ còn Mỹ cần chi phí rẻ cũng như thị trường tiêu thụ. Ước tính của các chuyên gia cho thấy để xây dựng được một hệ thống cung ứng đầy đủ cho ngành công nghệ cao, từ sản xuất cho đến phân phối thì Mỹ hoặc Trung Quốc cần tiêu tốn khoảng 2 nghìn tỷ USD để không phụ thuộc lẫn nhau nữa, tương đương 6% tổng GDP của cả 2 nước cộng lại.

Tương tự trong mảng tài chính, dù đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 2% thị trường thanh toán toàn cầu nhưng các ngân hàng Trung Quốc lại có hơn 1 nghìn tỷ USD tài sản. Bởi vậy việc từ bỏ hoàn toàn đồng USD hoặc Nhân dân tệ với cả 2 bên sẽ phải tốn ít nhất 10 năm nếu không muốn nói là hầu như bất khả thi.

Rõ ràng, sự gắn kết quá chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc khiến chiến tranh thương mại trở nên phức tạp và sẽ còn kéo dài.

AB

Cùng chuyên mục
XEM