Câu chuyện đau thương đằng sau những quán gà Hàn Quốc: Đời sống vật chất và trọng hình thức đang tàn phá cả nền kinh tế lẫn xã hội
Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) tính đến tháng 6/2020, tổng dư nợ hộ gia đình tại nước này đã vượt 1,4 nghìn tỷ USD và mỗi phút trôi qua, con số này lại tăng thêm 100.000 USD. Cứ mỗi 12 phút là một người Hàn Quốc lại phải tuyên bố phá sản.
Hiện Hàn Quốc là nước có tỷ lệ nợ tính theo GDP cao nhất tại Châu Á và đang trở thành một quả bom nổ chậm trong nền kinh tế. Vì thiếu vốn, người dân Hàn Quốc phải tìm đến tín dụng đen và tạo nên vòng xoáy nợ nần, trong khi giới trẻ mải mê chạy theo lối sống vật chất để rồi ngập trong cờ bạc, rượu chè.
Một xã hội trọng hình thức
Trong khoảng 2014-2018, hơn 800 người đã tự tử tại cầu Sapo thuộc Seoul-Hàn Quốc, biến nơi đây thành "cây cầu tử thần". Nguyên nhân chính của những vụ tự sát này phần lớn là do nợ nần, một điều vô cùng phổ biến trong giới trẻ Hàn ngày nay.
Trên thực tế, việc dùng thẻ tín dụng là một thói quen phổ biến tại Hàn Quốc. Chúng đóng góp lớn cho lợi nhuận ngân hàng cũng như nền kinh tế nhưng lại gián tiếp đẩy hàng triệu thanh thiếu niên vào vòng xoáy nợ nần.
Tỷ lệ nợ hộ gia đình theo số thu nhập khả dụng tại các nước (%) năm 2019
Thậm chí, tỷ lệ sử dụng thẻ thanh toán tại Hàn Quốc cao hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chi tiêu bằng thẻ tín dụng chiếm tới 40% GDP của Hàn Quốc, cao hơn nhiều so với mức 18% của Mỹ. Nguyên nhân chính là xã hội Hàn coi trọng sự thành đạt, vẻ ngoài hào nhoáng và lối sống vật chất. Hệ quả là người dân quay cuồng trong những xu hướng thời trang, sản phẩm tiêu dùng hay những thứ giúp gia tăng hình ảnh của họ với mọi người.
Quay ngược về thập niên 1990, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc vẫn chưa cao như vậy. Thế nhưng cuộc khủng hoảng 1997 khiến nền kinh tế nước này lao đao. Tỷ lệ thất nghiệp tăng trong khi hệ thống tài chính có nguy cơ đổ vỡ, buộc chính phủ phải có những biện pháp khuyến khích người dân tiêu dùng để kích thích tăng trưởng trở lại.
Việc chính phủ có những động thái như giảm thuế cho chi tiêu bằng thẻ tín dụng đã khiến hàng loạt người tiêu dùng Hàn mở thẻ. Trong khoảng 1999-2002, bình quân mỗi người trưởng thành Hàn Quốc sở hữu 4 chiếc thẻ tín dụng, mức tăng 100%. Thị trường thẻ tín dụng nóng lên khiến các ngân hàng đua nhau nâng mức giới hạn vay tiền để cạnh tranh, đẩy ngày càng nhiều người vào vòng xoáy nợ nần.
Tuy nhiên bong bóng thẻ tín dụng nhanh chóng đổ vỡ vào năm 2003 khi chính phủ phải tung hàng tỷ USD cứu trợ các ngân hàng. Thế nhưng hệ lụy của nó đến xã hội thì vẫn còn cho đến tận ngày nay. Văn hóa tiêu dùng, lối sống vật chất vẫn bám chặt lấy người Hàn Quốc từ khi chính phủ cổ vũ người dân gia tăng vay nợ vào cuối thập niên 1990.
Mức thanh toán tiền thẻ tín dụng hàng năm tại Hàn Quốc hiện đã cao hơn so với thời kỳ bong bóng thẻ tín dụng 2003 tới 17%, đạt 700 tỷ USD. Chính sách giảm thuế khi chi tiêu bằng thẻ tín dụng vẫn còn và người dân Hàn tiếp tục "nghiện" quẹt thẻ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của mình.
Điều trớ trêu hiện nay là giới trẻ Hàn có thu nhập rất kém, khiến họ không có đủ khả năng chi trả cho những chiếc thẻ tín dụng của mình dù lối sống vật chất khiến nhiều người không dừng mua sắm lại được.
Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ Hàn Quốc dưới 24 tuổi là 10,5% vào năm 2018, cao hơn Mexico (6,9%) hay Cộng hòa Czech (6,7%) dù GDP bình quân đầu người xếp trên.
Năm 2018, khoảng 134.000 người Hàn đã phải tuyên bố phá sản, tương đương cứ 300 người lớn thì có 1 người Hàn Quốc bị vỡ nợ. Phần lớn những người này là các bạn trẻ ngoài 20, vốn là tầng lớp chưa có sự nghiệp nhưng dễ bị cuốn theo lối sống vật chất.
Với những bạn trẻ có điều kiện hay gia đình giàu có, việc chạy đua theo lối sống này không thành vấn đề. Thế nhưng với những người kém may mắn hơn, áp lực phải ganh đua khiến họ mất hết cả sự nghiệp lẫn tương lai.
"Xã hội Hàn Quốc rất hay phụ thuộc vào các xu thế, lối sống mới. Điều này khác với tư tưởng tự lập của Phương Tây. Ví dụ như tại Pháp, mỗi người sẽ có quan điểm và phong cách ăn mặc riêng theo sở thích của họ. Thế nhưng tại Hàn Quốc, nếu một kiểu quần áo nào được cho là đẹp mà người tiêu dùng không thể mua được, họ sẽ cảm thấy buồn và bị bỏ rơi, dẫn đến cơn cuồng mua sắm lẫn nợ nần", Chuyên viên đòi nợ Hwang Il Dong nhận định.
Cờ bạc, rượu chè
Giới trẻ Hàn cần tiền cho lối sống vật chất nhưng lại không có nhiều cơ hội nghề nghiệp vì kinh tế giảm tốc. Những tập đoàn gia đình trị Chaebol kiểm soát toàn nền kinh tế lại ít tuyển mới trong khi các doanh nghiệp nhỏ liên tục phá sản vì không cạnh tranh nổi. Hệ quả là thanh thiếu niên Hàn hướng đến những công cụ làm giàu nhanh như chứng khoán hay cờ bạc, những người tuyệt vọng hơn thì hướng đến rượu chè hay tự sát để giải thoát.
Số liệu của Trung tâm chống nghiện cờ bạc Hàn Quốc (KCGP) cho biết số thanh thiếu niên phải vào đây điều trị đã tăng 6 lần, từ 168 em năm 2015 lên 1.027 bệnh nhân năm 2018. Phần lớn các thanh thiếu niên này bị cuốn vào những trò cờ bạc bất hợp pháp trên mạng.
Theo Chuyên gia tư vấn tín dụng Kim Min Chul, việc nghiện cơ bạc trên mạng đã đẩy nhiều thanh thiếu niên Hàn trở thành đối tượng cho các nhóm vay nặng lãi nhắm vào. Những lời rao như cho vay 240 USD trong 2 tuần trả lại 400 USD, tương đương mức lãi 500%, tràn ngập trên các mạng xã hội Hàn Quốc.
Các thanh thiếu niên, học sinh có thể dễ dàng nhận được khoản vay này mà chẳng cần bất kỳ khoản thế chấp nào. Hệ quả là chính những người thân của các học sinh này sẽ là người phải gánh chịu.
Năm 2018, hơn 400.000 người Hàn thừa nhận đang vay nặng lãi, đó là chưa tính đến những người giấu chuyện vay nợ. Như vậy cứ 100 người lớn Hàn Quốc thì có 1 người vay nặng lãi và tổng số tiền của thị trường này ước tính đạt tới 5,5 tỷ USD.
Các cuộc khảo sát cho thấy 60% số sinh viên tốt nghiệp tại Hàn Quốc với khoản nợ ít nhất 10.000 USD, phần lớn là tiền học phí.
Tồi tệ hơn, các nghiên cứu cũng chỉ ra cứ 10 thanh niên Hàn dưới 24 tuổi thì có 2 người không được giáo dục, thất nghiệp và sống vật vờ ăn bám xã hội. Mức học phí cao cùng chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến nhiều bạn trẻ không có cơ hội học hành, tạo nên vòng xoáy thất nghiệp, nợ nần, cờ bạc, rượu chè.
Nỗi buồn sau những quán gà
Thế nhưng không riêng gì thanh thiếu niên, khoảng ¼ số lao động Hàn là những người kinh doanh nhỏ lẻ và họ còn nợ nần nhiều gấp 5 lần các bạn trẻ. Hàn Quốc hiện có khoảng 6 triệu người đăng ký kinh doanh nhỏ lẻ, con số cao nhất thế giới. Vấn đề là không phải người kinh doanh nhỏ lẻ nào cũng muốn "khởi nghiệp" mà đơn giản là cơ hội việc làm quá ít.
Chuyên gia Kim Sang Bong của trường đại học Hansung cho biết phần lớn người Hàn kinh doanh nhỏ lẻ chỉ quẩn quanh các loại quán gà nướng, quán cà phê, quán bánh ngọt hay tiệm tạp hóa. Thậm chí sự bùng nổ nhan nhản của các quán nướng, quán nhậu, quán gà đã khiến cung vượt cầu. Hiện Hàn Quốc có khoảng 87.000 quán bia và gà trên cả nước, nhiều gấp đôi số quán McDonald’s trên toàn thế giới.
Điều đáng buồn là những quán kinh doanh này không đủ điều kiện để vay tiền ngân hàng và họ buộc phải hướng đến những nhóm cho vay nặng lãi. Thế nhưng, kinh tế giảm tốc khiến họ chẳng đủ tiền trả lãi và càng ngập trong nợ khi phải vay nợ mới trả nợ cũ.
Năm 2019, gần 50% những doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hàn không đủ tiền thanh toán lãi vay. Khoảng ¼ số hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa tại Hàn Quốc khi chưa hoạt động được 1 năm. Giá thuê nhà cao do bong bóng thị trường bất động sản khiến nhiều người phải nhượng lại cửa hàng.
Sau mỗi lần giảm tốc hay khủng hoảng, Hàn Quốc lại cố gắng kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất và khuyến khích tiêu dùng. Thế nhưng ngân hàng sẽ chẳng cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ vay khi lãi suất hạ vì lợi nhuận quá thấp, trong khi khuyến khích tiêu dùng chỉ làm tăng thêm nợ cá nhân. Rõ ràng, Hàn Quốc đang lâm vào một thách thức chưa từng có và vẫn đang loay hoay tìm đường ra.