Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có "một nửa" khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn

11/09/2020 09:39 AM | Sống

Chuyện về cô gái có một nửa khuôn mặt thay vì oán hận số phận, cô học cách chấp nhận và yêu thương, mong muốn gieo mầm sự sống tươi đẹp cho những hoàn cảnh không may mắn

Đến buổi hẹn đúng giờ, cô gái trẻ gây thiện cảm với người đối diện bằng phong thái tự tin và đầy năng lượng. Cô nói rằng chưa bao giờ mặc váy trắng và chụp ảnh theo phong cách nhẹ nhàng, mọi người đã quá quen hình ảnh mạnh mẽ và cá tính của cô.

"Mình tên là Hà Bích Hảo, 26 tuổi, quê Nam Định, mọi người thương gọi là Mầm. Hiện tại mình là giáo viên dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ", cô dõng dạc giới thiệu bản thân. Câu chuyện của Hảo bắt đầu từ năm 6 tháng tuổi, khi khuôn mặt đứa trẻ vốn xinh xắn và đáng yêu, bỗng xuất hiện một vết bớt màu đỏ của căn bệnh u máu ngoài da.

Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có "một nửa" khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn. Thực hiện: Minh Nhân.

Cô gái chỉ có "nửa" khuôn mặt

Bố mẹ Hảo đưa con gái đến bệnh viện để điều trị, nhưng trong quá trình phẫu thuật, đứa trẻ bị bỏng laser, kéo lệch một bên mặt, cổ, tai, mắt và mũi.

Từ đó đến 3 tuổi, Hảo không thể bú sữa mẹ. Cô được nuôi sống bằng nước cơm của bà nội. Những viên thuốc kháng sinh chất đầy trong cơ thể cô đến tận năm lớp 4, hiện tại 2 bên đùi vẫn còn những vết lõm của kim tiêm.

Lần đầu tiên soi gương, Hảo hồn nhiên nghĩ đến một lúc nào đó, da của cô sẽ trở lại bình thường, giống như con người lớn lên vậy. Cho đến khi cô bắt đầu đi học và đón nhận ánh nhìn kì thị của những người xung quanh.

"Mình ý thức được rằng bản thân không giống mọi người, nhưng vẫn hy vọng, khoảng 5-10 năm nữa da thịt sẽ thay đổi", Hảo nói.

Trường học là một nỗi sợ hãi "khủng khiếp" với cô bé tiểu học. Mọi người đều bất ngờ và hoảng sợ khi gặp Hảo. Lũ trẻ thời đó cầm giẻ lau bảng, bút, sách, phấn, hoặc bất kể thứ gì bẩn thỉu nhất ném vào mặt cô. "Đấy là những khủng hoảng đầu đời mà mình không đủ mạnh mẽ để tự đứng lên chống chọi".

Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 2.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 3.

Hà Bích Hảo của ngày hôm nay, tự tin và tràn đầy năng lượng sau những biến cố của cuộc sống.

May mắn thay, bên cạnh Hảo luôn có bố mẹ, người thân, đặc biệt là cô Hiệu phó. Trong suốt những tháng ngày, cô là người đồng hành, kề cận và sẵn sàng giúp đỡ Hảo mỗi khi bị các bạn khác trêu chọc. Cô nói với Hảo rằng, "Nếu ai đó bắt nạt, con hãy lên gặp cô, cô sẽ giúp con tất cả mọi điều".

Lên cấp 2, Hảo ý thức được sự khác biệt của mình sẽ không bao giờ thay đổi được, cô phải gắn bó với khuôn mặt này suốt cuộc đời. Cô trở thành một con người hoàn toàn khác, giống như cái tên mọi người hay gọi, là "sói hoang". Không còn cảnh cam chịu, cô mang trong mình tính chất và bản năng của một con sói, sẵn sàng cầm gậy đánh trả mỗi khi bị bắt nạt.

Trong 4 năm ròng, Hảo rất hay được "mời" lên Ban giám hiệu viết bản kiểm điểm. Lực học của cô không bao giờ vượt quá trung bình. Nhà trường không ủng hộ cô thi cấp 3, bố mẹ lo lắng liệu cô con gái hay đánh nhau, lại nghịch ngợm, liệu có thể đỗ cấp 3 không?

Hảo đã nhờ chị gái giúp đỡ ôn thi, kết quả cô đỗ một trường dân lập của huyện, nơi rất nhiều bạn từ các vùng khác nhau cùng tề tựu.

Những ngày đầu tiên, bạn học ghét bỏ và đối xử với Hảo rất tệ. Họ cầm giày thể dục ném vào mặt cô, rồi vứt cặp sách của cô xuống hồ nước trước cổng trường. Họ nói rằng "không đồng ý việc Hảo học trong lớp, vì cô là kẻ không xứng đáng".

Chấp nhận chịu đựng cũng không được, gồng mình như con mãnh thú cũng không xong, Hảo đã từng nghĩ sẽ bỏ cuộc. Cô nghỉ học một tuần, không nói với gia đình. Nhưng cô giáo đã gọi bố mẹ Hảo lên nói chuyện. Nhìn những giọt nước mắt của mẹ và nỗi buồn trong ánh mắt của cha, Hảo biết rằng mình phải cố gắng để sống tốt hơn và trở thành người con có hiếu.

"Bố là người đàn ông ít khóc, nhưng trong cuộc đời, ông khóc 3 lần thì 2 lần dành cho mình. Còn mẹ là người tình cảm, bà ôm mình và nói: "Nếu như mẹ có thể thay con chịu đựng tất cả điều này, thì mẹ sẵn sàng, kể cả chấp nhận cái chết".

Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 4.

Khuôn mặt dù không hoàn thiện, nhưng Hảo không oán hận, cô thương "nó" nhiều hơn.

Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 5.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 6.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 7.

Hảo nói, chưa bao giờ cô chụp bộ ảnh nhẹ nhàng như thế này, khác với hình ảnh mạnh mẽ vốn có.

Câu nói của mẹ thay đổi suy nghĩ của Hảo, giúp cô sống khác đi và nỗ lực học tập, vì chỉ có tri thức là điều duy nhất mọi người công nhận và nể phục con người mình. 3 năm cấp 3, Hảo luôn là học sinh tiên tiến, thuộc top tốt nhất trong lớp. Các bạn học dần đón nhận và cởi mở hơn với Hảo. Cô bắt đầu có những người bạn thân đầu tiên. Khi đi đường, có người sẵn sàng giúp đỡ khi cô bị hỏng xe, điều mà trước đây cô chưa từng được nhận.

"Mình cảm thấy mọi thứ bắt đầu hé mở và cuộc đời đã có thể bước sang một trang mới. Và chắc mình sẽ không phải nghĩ nhiều, đau buồn về những gì mình không có như mọi người".

Hảo ước mơ trở thành nhà văn, luật sư hay một nhà công tác xã hội, để đến những nơi chưa từng đến, trải nghiệm những khó khăn và chia sẻ với mọi người. Nhưng bố mẹ mong muốn con gái trở thành giáo viên, vì nghề sư phạm sẽ phù hợp nhất. Bố mẹ thuyết phục nhiều, và sau đó Hảo đã đồng ý đăng ký vào ĐH Sư phạm Hà Nội.

Khi các trường ĐH khác lần lượt công bố điểm, thì trường của Hảo vẫn chưa. Người dân trong làng nghĩ cô không thể đỗ, gợi ý bố mẹ cô "hay mua cho nó đôi bò", có khi lại hay, cuối năm sẽ có khoản tiền tiết kiệm bán bò. Nhưng Hảo nói với bố mẹ, nếu năm nay không đỗ, sang năm cô sẽ ôn thi lại. "Con đã cố gắng, nỗ lực thì sẽ không bao giờ để mình dừng lại tại đây".

2 ngày trước khi đi nhập học, Hảo nhận được giấy thông báo trúng tuyển. Lúc đấy, cô "cao ngạo" lắm. Đi đâu cũng "vênh" mặt lên, khoe với mọi người bằng giọng hào hứng. "Tôi đã đỗ ĐH, nghĩa là tôi có thể làm được những điều mong muốn, không ai được phép coi thường, khinh thường tôi nữa".

Đấy là suy nghĩ của một đứa trẻ năm 18 tuổi.

Rời quê lên Hà Nội, Hảo theo học 1 năm tại khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó, cô nhận thấy không hợp, dù trước đó là dân chuyên văn. Thời gian này, Hảo bắt đầu nghiên cứu về khoa Giáo dục đặc biệt, và bắt đầu suy nghĩ lại.

Cô không nói với bố mẹ mà quyết định ôn thi ĐH một lần nữa, rồi tiếp tục đỗ. Lúc này, cô nghĩ, "chắc rằng sư phạm chọn mình chứ không phải mình chọn sư phạm nữa". Kết thúc năm nhất, Hảo đi phỏng vấn và đỗ vào một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ, cô trở thành tình nguyện viên. Được 2 tháng, người quản lý gọi cô ra trước tất cả giáo viên khác và nói: "Từ mai, em không cần phải đến đây nữa. Vì nếu em đến sẽ 'lây' cho các con". Hảo rất sốc, cô không hiểu một tai nạn y học có thể lây bệnh cho những đứa trẻ.

Điều thứ 2, người quản lý kia nói: "Tất cả phụ huynh đều không thích có mặt em ở trong trường". Hảo rơi vào tuyệt vọng khi mọi nỗ lực, cố gắng và cống hiến đều không thể thay đổi được cái nhìn của xã hội. Họ không chấp nhận cô. Nếu vậy, cô chỉ còn cách giải thoát cho chính mình và kết thúc tất cả, từ nỗi đau thể xác đến tổn thương tinh thần.

Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 8.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 9.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 10.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 11.

Những hoạt động tình nguyện mà Hảo đã và đang tham gia.  Ảnh: NVCC.

Hảo đạp xe một mình lên cầu Vĩnh Tuy. Cô đứng trên cầu, đầu óc trống rỗng. Cô nhắn tin cho chị gái, "nếu chị không kịp nghe điện thoại của em, thì ngày mai chị và mọi người sẽ phải lên Hà Nội nhặt xác của em về". Rồi cô trèo lên thành cầu, toan chấm dứt cuộc sống.

Lúc ấy, Hảo nghĩ nhiều đến bố mẹ. Chắc hẳn họ sẽ rất đau lòng và sẽ sống như thế nào trong những năm tháng tiếp theo, khi chính họ đã đồng ý và chấp nhận để con gái rời xa vòng tay yêu thương đến với những ước mơ mà nó từng mơ ước.

"Mình sẽ trở thành một kẻ thất bại, tồi tệ và bất hiếu nếu như nhảy xuống dưới kia. Mình dừng lại và quay về", Hảo kể.

Suốt quãng thời gian sau, Hảo không tham gia bất cứ chương trình tình nguyện, xã hội nào nữa. Cô biết dù có tham gia, thì mọi người và xã hội cũng không chấp nhận và đánh giá đúng nỗ lực của mình.

Trong suốt 1 năm đấy, Hảo chỉ đi học, lên thư viện, về phòng kí túc, nghe nhạc và thêu tranh. Cho đến khi cô xem một chương trình truyền cảm hứng, kể về câu chuyện của một cô gái khuyết tật người nước ngoài. Nhân vật ấy nói, "Nếu bạn có thể đi trên đôi chân của mình, làm được mọi thứ bằng đôi tay của mình, đó là bạn đã tốt hơn và hạnh phúc hơn những người như chúng tôi".

Cùng năm đó, Hảo may mắn được gặp gỡ Nick Vujicic khi anh sang Việt Nam. Từ giây phút ấy, Hảo biết rằng nhất định cô sẽ trở thành một diễn giả, một người đứng ở cao nhất, toả sáng nhất, để mọi người phía dưới đều ngước nhìn và công nhận cô.

Đúng vào ngày sinh nhật thứ 20, Hảo quay lại tham gia các hoạt động xã hội. Công việc đầu tiên, cô đã tình nguyện giúp đỡ một nhóm người khuyết tật từ Đà Nẵng ra Hà Nội tham quan và trải nghiệm. Cô giúp họ đẩy xe lăn, tìm nhà ở, hỗ trợ họ những việc nhỏ nhặt nhất. Khi về, họ có nói với Hảo, "Em cười rất đẹp. Anh chị rất bất ngờ vì ở 1 nơi rất xa lạ, với những người như anh chị, lại gặp được người rất thân thiện, nhiệt tình như em. Hãy luôn cố gắng bởi vì có nhiều người khác như anh chị đang cần những người như em giúp đỡ".

Nhờ lời động viên đó, Hảo cảm thấy cô vẫn có giá trị, ít nhất là với cộng đồng yếu thế của mình.

Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 12.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 13.

Nụ cười dù là một nửa hay trọn vẹn, đều đáng được trân trọng.

Sau tốt nghiệp, Hảo công tác tại Bắc Ninh một năm trước khi quay lại Hà Nội. Cô tham gia một chương trình thiện nguyện dành cho trẻ tự kỷ. Tại đây, cô gặp gỡ nhiều phụ huynh, có người nhận ra và đồng cảm với cô. Một trong số họ đã giới thiệu cô đến dạy cho con của một người bạn mà nhờ đó, sau này nhiều người khác biết đến Hảo nhiều hơn. Họ nhận xét cô là một người rất tốt, dù ngoại hình không được hoàn thiện. May mắn mỉm cười, Hảo được nhận vào làm ở trung tâm dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

"Đôi khi mình tự nghĩ bản thân là 1 người rất tham, tham học nhiều, được biết nhiều, tham được đi đến nhiều nơi, trải nghiệm nhiều hơn, tham được ôm tất cả mọi người, được giúp rất cả những người kém may mắn", Hảo hy vọng chuỗi bi kịch cuộc đời sẽ chấm dứt tại đây, mở ra một tương lai mới và đầy tươi sáng hơn.

Mầm và những người bạn

Nhiều năm về trước, nếu cô Hiệu phó tiểu học không trao cho Hảo cơ hội được đi học và không gieo xuống đất cái mầm sống đó, thì nay không có một cái cây đẹp đẽ mọc lên. Rừng cây bao la muốn phát triển thì phải bắt đầu từ 1 mầm giống rất nhỏ. Nhà cao như nào cũng phải xây lên từ những viên gạch. Một con người dù trưởng thành, tài giỏi, thành đạt bao nhiêu đi chăng nữa, cũng bắt đầu từ mầm sống của cha và mẹ. Nên Hảo tự gọi bản thân là Mầm, dù là một mầm cây không hoàn thiện, nhưng luôn biết cố gắng để sống đẹp.

Hảo nhớ tới một câu nói, "Hãy sống cách bạn yêu và yêu cách bạn sống vì không ai trong mỗi chúng ta là hoàn hảo. Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn". Nhìn ra ngoài kia, mọi thứ trong cuộc sống thật vô thường, phía trước là mưa và đằng sau là sấm chớp. Cách đây 3 năm, Hảo đã làm hồ sơ đăng ký hiến tạng nếu như chẳng may một ngày nào đó cô chết não hoặc gặp tai nạn không thể cứu chữa.

"Mình dành tất cả những gì còn lại cho những người khác. Trái tim sẽ lại được đập 1 lần nữa, người nhận sẽ giúp mình hoàn thiện ước mơ còn dang dở. Con mắt này sẽ lại được nhìn ngắm cuộc đời, những điều tuyệt vời và thay mình lan toả điều tích cực tới cộng đồng".

Cách đây 1 năm, Hảo thành lập quỹ "Mầm và những người bạn", với mong muốn hỗ trợ những "hạt giống" không tốt như cô. Đến nay, cô đã giúp đỡ 5-6 đứa trẻ, với sự bảo trợ dài lâu để các con được đến trường, tìm kiếm con chữ.

Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 14.

Hảo hy vọng sau khi tốt nghiệp cao học, sẽ trở thành diễn giả như cô hằng mong ước.

Hảo từng nhận được cơ hội phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cô đã nhường lại cho một đứa bé khác ít tuổi hơn. Cô hiểu những điều trải qua đã giúp tôi luyện một cá thể mạnh mẽ đến nhường nào.

Một lần khác, người đàn ông Hàn Quốc quen trong trung tâm thương mại, người mà Hảo gọi là ba nuôi, đã đưa cô qua Hàn để phẫu thuật. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ, được biết vết bỏng đã quá lâu nên rất khó có thể hoàn thiện, hành trình này có thể kéo dài 5 năm, thậm chí 10 năm. Hảo nghĩ, "cuộc đời này có bao nhiêu cái 10 năm đâu". Cô quyết định dừng lại hoàn toàn và cho đến bây giờ, không còn nghĩ đến việc phẫu thuật thẩm mỹ, thay vào đó là hoàn thiện tri thức và nhân cách.

"Số phận mình, nếu nhìn tích cực, là 1 điều may mắn, bởi vì nếu mình xinh đẹp, toàn diện rồi, thì không bao giờ nghĩ đến điều tuyệt vời hơn là sống cho người khác, vì người khác và yêu thương người khác. Nếu phẫu thuật, trở thành một người xinh đẹp hơn, thì lúc đấy, mình không muốn níu kéo những điều từng theo đuổi và biết đâu lại chà đạp lên những điều tốt đẹp đấy".

Tất cả người con gái đều mong muốn mình ngày một xinh đẹp hơn, nhưng Hảo nghĩ rằng khuôn mặt đã tồn tại cùng với cô 26 năm cuộc đời, nó như một người bạn. Khi những người xung quanh bỏ rơi cô, thì người bạn duy nhất đó vẫn sẽ đồng hành, bên cạnh cô. Thay vì trách hờn, oán hận và căm phẫn nó, Hảo học cách yêu thương như tất cả những gì vốn có.

"Những gì chưa phải cuối cùng thì chưa phải là những điều tuyệt vời nhất"

Hiện tại Hảo đang theo học cao học để hoàn thành ước mơ trở thành diễn giả trong tương lai và thành lập một doanh nghiệp xã hội cho trẻ tự kỷ về giáo dục hướng nghiệp. Cô muốn truyền tải tới mọi người thông điệp hãy mạnh mẽ đấu tranh, nói lên tiếng nói của mình, mạnh mẽ bước qua nỗi đau cuộc đời. Không ai trong chúng ta có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng có quyền chọn cách sống. Do đó, đừng bi quan, đừng dừng lại những ước mơ. Những gì chưa phải cuối cùng thì chưa phải là những điều tuyệt vời nhất.

Với Hảo, nụ cười một nửa hay trọn vẹn, không có ý nghĩa gì nếu đó chỉ là một nụ cười cơ học. Nếu trong trái tim mình luôn nở những nụ cười và cuộc sống thật tươi đẹp, thì một nửa hay trọn vẹn đều đáng quý và đáng trân trọng.

Đến bây giờ, Hảo nghĩ rằng bố mẹ cô vẫn chưa nguôi ngoai mặc cảm tội lỗi khi để con gái lớn lên trong hình hài không được hoàn thiện. Khi cô quyết định cắt tóc ngắn để thay đổi bản thân, người đầu tiên biết chuyện là mẹ. Bà đã rất sốc. Nếu người khác trong hoàn cảnh của Hảo luôn muốn có mái tóc dài để che đi những khuyết điểm trên khuôn mặt, thì cô chọn cách "đương đầu" với nó.

Cô biết, họ không phải là người gây ra đau đớn này cho mình. Nếu cô đau 1, thì họ còn đau hơn gấp ngàn lần, đau tận trong thâm tâm.

"Đến bây giờ, bố mẹ vẫn mang mặc cảm tội lỗi. Mình cũng từng oán hận mẹ, tại sao sinh ra đứa con như mình, tại sao bà không bóp chết mình đi. Nhưng mình hiểu, mình mãi là con của bố mẹ, theo họ đến hết cuộc đời. Mỗi ngày, mình vẫn luôn nỗ lực sống đẹp, sống tốt để bố mẹ không còn cảm thấy có lỗi trong chuyện đứa con của họ là một cô gái xấu xí".

Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 15.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có một nửa khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn - Ảnh 16.

"Những gì chưa phải cuối cùng thì chưa phải là những điều tuyệt vời nhất", Hảo nói và không ngừng tiến về phía trước.

Mẹ cũng thường canh cánh trong lòng, khi những người bằng tuổi Hảo ở quê, đều đã yên bề gia thất. Bà vẫn hay nói, "nếu con là một người bình thường, thì mẹ sẽ không cần phải lo. Nhưng nếu một ngày nào đó, đôi chân của con không còn mạnh mẽ nữa, con sẽ già đi mà không có người đồng hành, bố mẹ sẽ rất lo".

Hảo đắn đo, một mình mãi cũng chênh vênh, nhưng cô biết, mọi chuyện đều có duyên. Điều quan trọng hãy sống tốt và hoàn thiện bản thân, cô sẽ luôn chờ một người bạn đời hiểu cô và thấu cảm với những điều cô đang làm.

"Khi họ thấu cảm được rồi thì tình yêu mới bền vững, còn nếu đến với nhau vì sự tò mò bởi cá tính thì tình yêu đó rất mong manh", Hảo nói.

Minh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM