Câu chuyện CEO Toyota từ chức để người trẻ lên thay và Nhật Bản trỗi dậy sau hàng thập niên mất mát

19/05/2023 11:10 AM | Kinh doanh

Từ một Nhật Bản già nua “đi chậm”, quốc gia giàu thứ 3 thế giới này đang cài số lên “đi nhanh” đột phá, thay đổi cả về tư duy lẫn cách làm trong ngành công nghệ lẫn khởi nghiệp.

Câu chuyện CEO Toyota từ chức để người trẻ lên thay và Nhật Bản trỗi dậy sau hàng thập niên mất mát - Ảnh 1.

Cựu CEO Akio Toyoda của Toyota

“Tôi cần lùi cho người trẻ làm xe điện... Vì niềm đam mê mãnh liệt với ô tô, tôi là một người bảo thủ về kỹ thuật số hóa và xe điện. Tôi đam mê xe truyền thống, đó là hạn chế của tôi”, Cựu CEO Akio Toyoda của Toyota nói khi từ chức lãnh đạo công ty cho người mới.

Giám đốc điều hành Toyota, ông Akio Toyoda, người đã lãnh đạo công ty kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã từ chức trong bối cảnh áp lực gia tăng khi ngành ô tô chuyển sang xe điện.

Tuy nhiên câu chuyện của nhà Toyota còn mang ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều tại Nhật Bản, nơi tầng lớp tinh anh già nua nổi tiếng bảo thủ đã kìm kẹp toàn ngành công nghệ lẫn khởi nghiệp.

Câu chuyện CEO Toyota từ chức để người trẻ lên thay và Nhật Bản trỗi dậy sau hàng thập niên mất mát - Ảnh 2.

Trong khi đó môi trường sống quá thoải mái đang bào mòn ý chí tiến thủ của giới lao động, thà làm một việc suốt đời còn hơn tìm mọi cách để vươn lên. Các doanh nghiệp thì thích sự ổn định tại thị trường nội địa hơn là vươn ra quốc tế.

Theo tờ Rest of World, Nhật Bản là quốc gia giàu thứ 3 thế giới nhưng lại chỉ sản sinh ra 10 kỳ lân, những startup có tổng giá trị hơn 1 tỷ USD, trong khi Mỹ tạo ra hơn 600 còn Trung Quốc là hơn 300.

Ngành khởi nghiệp của Nhật Bản trong nhiều năm đã bị kìm nén bởi tư tưởng lãnh đạo cổ hủ, sợ thay đổi của các doanh nghiệp, vốn bị tác động từ tầng lớp tinh hoa nhưng cao tuổi, sợ thay đổi sẽ làm đảo lộn mọi thứ. Chính tư tưởng này đã biến Nhật Bản từ một cường quốc công nghệ thành “bãi nước tù túng” cho các nhà khởi nghiệp.

Văn hóa coi doanh nghiệp như một gia đình, “sống lâu lên lão làng”, cứ ngồi lâu là dần dần sẽ lên chức lãnh đạo đã biến Nhật Bản từ một nền kinh tế năng động sáng tạo thập niên 1960-1970, được coi là có khả năng vượt Mỹ, lại rơi vào thập kỷ mất mát. Bong bóng bất động sản đổ vỡ, nền kinh tế tăng trưởng chậm cùng những khó khăn của dân số già, lớp trẻ sống khó khăn vì văn hóa làm việc đến chết, phụ nữ không muốn sinh con vì bị trọng nam khinh nữ...

Thế nhưng theo thời gian với sự kế tục của lớp trẻ, tình hình đã có sự biến chuyển dần dần khi vô số startup và tập đoàn bắt đầu đổ tiền cho Nhật Bản. Bên cạnh việc Toyota thay đổi tư duy lãnh đạo cho ngành xe điện, chính quyền Tokyo cũng đã bắt đầu mạnh tay mời chào, tài trợ cho các chương trình phát triển công nghệ, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn.

Tờ Financial Times (FT) cho biết đã có đến 7 tập đoàn bán dẫn lớn nhất thế giới tuyên bố kế hoạch mở nhà máy ở Nhật Bản trong khi ngành công nghệ Phương Tây cũng đang gia tăng hợp tác với nền kinh tế này trong cuộc đua Mỹ-Trung.

Nói một cách đơn giản, Nhật Bản đang dần trỗi dậy để lấy lại vị thế vốn có của mình kể từ khi bị Trung Quốc “vượt mặt”.

Câu chuyện CEO Toyota từ chức để người trẻ lên thay và Nhật Bản trỗi dậy sau hàng thập niên mất mát - Ảnh 3.

Thay đổi tư duy

Anh Sho Hayashi là một nhà khởi nghiệp tại San Francisco đã có 2 dự án startup thành công nhưng giờ đây lại đang tìm kiếm cơ hội ở Nhật Bản. Mọi chuyện bắt đầu từ một hội thảo khởi nghiệp ở Singapore năm 2021 và anh Hayashi nhận ra chẳng có đại diện Nhật Bản nào đến tham dự, vậy là ý tưởng đến quốc gia giàu thứ 3 thế giới lập nghiệp nảy ra trong đầu.

Quyết định của Hayashi hóa ra lại là một nước đi sáng suốt khi Nhật Bản hiện đang dùng lượng lớn ngân sách để đầu tư cho các startup, hàng loạt chính sách ưu đãi được ban hành như miễn giảm thuế nhằm gia tăng sức mạnh công nghệ cho nền kinh tế này.

“Đây thật sự là một cuộc chuyển biến về tư duy. Cách đây 50 năm, Nhật Bản là nước tăng trưởng mạnh nhất thế giới và nền kinh tế này hoàn toàn có thể lấy lại ánh hào quang của mình nếu biết thay đổi tầm nhìn”, anh Hayashi nhận định.

Theo nhà khởi nghiệp này, đại dịch Covid-19 đã không chỉ thay đổi tư duy lãnh đạo mà còn cả người lao động. Trong khi chính quyền Tokyo nhận ra nền kinh tế của họ phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu để rồi gặp khó khăn thế nào khi chuỗi cung ứng đứt gãy thì người lao động cũng có thời gian để suy nghĩ về cuộc sống, về cảnh làm việc đến chết của mình. Thế rồi khi các nhà lãnh đạo thay đổi tư duy, người lao động cũng đổi việc, chạy theo đam mê và các startup.

“Thông thường người lao động Nhật Bản không hay bỏ việc để khởi nghiệp nhưng sau đại dịch, mọi người đã suy nghĩ lại về những gì mình thực sự thích, bắt đầu làm thêm 2-3 nghề hoặc gia nhập các startup. Mọi thứ đang dần trở nên cởi mở hơn”, anh Hayashi phấn khởi.

Với văn hóa ngăn nắp và truyền thống đến mức lạ lẫm, người lao động và các doanh nghiệp Nhật Bản không quá quen với kiểu làm việc tự do, không có phân chia chỗ ngồi cố định hay thậm chí là cấp bậc rõ ràng tại các startup. Việc một nhân viên có thể nhảy việc liên tục và các startup liên tục thay đổi để sinh tồn, đột phá các giới hạn là điều không phổ biến ở xứ sở coi trọng thứ bậc, tuổi nghề.

Thế rồi văn hóa samurai đề cao lòng tự trọng tạo nên rào cản rất lớn với những nhà khởi nghiệp nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn lực địa phương. Bên cạnh đó là sự chuẩn chỉ, đúng mực quá mức không chấp nhận được việc liên tục phạm sai lầm và thử lại để đột phá của các startup.

Tác giả Ezra Vogel của cuốn “Japan As Number One: Lessons for America” cách đây 5 năm từng nhận định giới khởi nghiệp của cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có cái nhìn tích cực về nền kinh tế, nhưng trong khi các startup Trung Quốc đã lên kế hoạch tiến quân ra nước ngoài thì phần lớn những nhà khởi nghiệp Nhật Bản lại thích hoạt động tại thị trường nội địa hơn.

Câu chuyện CEO Toyota từ chức để người trẻ lên thay và Nhật Bản trỗi dậy sau hàng thập niên mất mát - Ảnh 4.

“Môi trường Nhật Bản đang trở nên quá thoải mái để sống và làm việc, thậm chí là thoải mái quá đến mức bào mòn ý chí tiến thủ. Người lao động chỉ thích làm một công việc đến hết đời còn hơn là ra khỏi vùng an toàn”, tác giả Vogel cảnh báo.

Tuy nhiên tình hình đang có sự chuyển biến.

Ra khỏi vùng an toàn

“Đang có sự dịch chuyển rất lớn diễn ra tại Nhật Bản”, nhà sáng lập Yan Fan của Code Chrysalis đã hoạt động tại Nhật Bản được 6 năm nhận định.

Kể từ năm 2018, hàng loạt những dự án hỗ trợ khởi nghiệp như Shibuya Startup Support hay CityTech Tokyo đã xuất hiện để giúp những nhà khởi nghiệp nước ngoài tiếp cận được nguồn lực địa phương. Tiếp đó chính sách visa cũng được cải cách để thu hút thêm những doanh nhân nước ngoài đến Nhật Bản đầu tư.

Trong năm 2022, lượng vốn đầu tư cho startup tại Nhật Bản đã tăng cao lên mức kỷ lục trong khi con số này lại giảm 30% và 16% tương ứng tại thị trường Mỹ và Châu Âu.

“Tôi từng khuyên mọi người hãy khởi nghiệp ở Mỹ vì ít nhất bạn có thể thất bại và làm lại từ đầu, chứ ở Nhật Bản thì khó chấp nhận những lỗi lầm. Thế nhưng giờ đây tôi đã phải thay đổi cách nhìn”, cô Yan thú nhận.

Theo cô Yan, tốc độ và số lượng các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp công nghệ ở Nhật Bản đang tăng chóng mặt, trong khi sinh viên tốt nghiệp thì đua nhau vào làm ở các startup và tạo nên hẳn một xu thế mới thay vì đâm đầu vào các tập đoàn lớn cho công việc ổn định cả đời như trước đây.

Kể từ sau đại dịch, các tập đoàn công nghệ lớn tại Nhật Bản gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân viên có kỹ năng lập trình, gõ code cùng vô số những nhu cầu khác. Mọi doanh nghiệp chủ chốt tại đây đều đang cố gắng mở rộng để bắt kịp tốc độ cải cách và phát triển, ngay cả chính phủ cũng nhận thấy được điều đó.

Câu chuyện CEO Toyota từ chức để người trẻ lên thay và Nhật Bản trỗi dậy sau hàng thập niên mất mát - Ảnh 5.

Startup Code Chrysalis tại Nhật Bản

Giành lại ánh hào quang

Trong khi Nhật Bản thay đổi nhờ những yếu tố nội tại thì những vấn đề địa chính trị trên trường quốc tế cũng góp phần ảnh hưởng đến nền kinh tế này. Cuộc chạy đua công nghệ Mỹ-Trung đã buộc Nhật Bản phải lựa chọn “thay đổi hoặc chết”.

Dân số của Nhật Bản đang ngày một đi xuống đến mức nhiều vùng nông thôn thậm chí không còn đủ người để duy trì những chức năng hành chính công cơ bản. Bởi vậy nếu không có sự đột phá về kinh tế, công nghệ, quốc gia này sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu khá xa trước sự trỗi dậy của những nền kinh tế như Ấn Độ.

Đây là lý do mà Nhật Bản mời chào thành công hàng loạt doanh nghiệp bán dẫn như TSMC, Samsung Electronics, Intel, Micron đặt nhà máy tại thị trường này. Phía Micron tuyên bố dự án trị giá 500 tỷ Yên, tương đương 3,7 tỷ USD còn Samsung là 30 tỷ Yên.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ sử dụng khoản hỗ trợ 1,3 nghìn tỷ Yên từ ngân sách công bố năm 2022 nhằm tài trợ cho chương trình thu hút các nhà máy sản xuất chip.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tới đây tại cuộc họp thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida được kỳ vọng sẽ công bố dự án đào tạo 20.000 kỹ sư công nghệ với tổng trị giá 70 triệu USD.

Chông gai

Tất nhiên, không có sự trỗi dậy nào là không có khó khăn. Nhật Bản đang gặp vấn đề cực lớn về lao động do dân số lão hóa nhanh còn phụ nữ thì không được tạo điều kiện để sinh con mà vẫn giữ được sự nghiệp.

Theo ước tính, dân số Nhật Bản đến năm 2050 sẽ chỉ còn 97 triệu người so với 125 triệu hiện nay.

Câu chuyện CEO Toyota từ chức để người trẻ lên thay và Nhật Bản trỗi dậy sau hàng thập niên mất mát - Ảnh 6.

Thế rồi cơ sở hạ tầng công nghệ của Nhật Bản tại một số lĩnh vực cũng đã xuống cấp. Rất nhiều khu vực hành chính công của nước này vẫn chuộng dùng đĩa mềm, vốn đã bị các nước khai tử từ lâu. Tiếp đó đại dịch Covid-19 càng bộc lộ những điểm yếu của nền kinh tế này với hệ thống đăng ký tiêm chủng chậm chạp và việc nhập cảnh lằng nhằng bằng giấy tờ thay vì dùng kỹ thuật số.

“Đại dịch Covid-19 đã khiến chúng tôi nhận ra mình yếu kém thế nào nếu không có một nền công nghệ phát triển. Rất nhiều dịch vụ và hoạt động xã hội bị đình trệ vì cơ sở hạ tầng kỹ thuật trục trặc. Đây là lời cảnh tỉnh cho chúng tôi, buộc chính phủ và các lãnh đạo doanh nghiệp phải có hành động”, giám đốc Tomonori Iida của chương trình đào tạo kỹ thuật số cho người già Nhật Bản do Benesse Corporation tổ chức, nhận định.

*Nguồn: FT, Rest of World 

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM