Cao thủ võ lâm khiến Kiều Phong hết mực nể sợ: 3 ngày 3 đêm lĩnh hội toàn bộ Dịch cân kinh

17/04/2022 14:59 PM | Sống

Kiều Phong chỉ thua duy nhất Vô danh thần tăng nhưng vẫn khẳng định rằng có người còn mạnh hơn lão tăng này. Vậy người đó là ai?

Vô Danh thần tăng không phải cao thủ võ lâm mạnh nhất

Trong tiểu thuyết " Thiên long bát bộ ", Vô Danh thần tăng được coi là một trong những cao thủ mạnh nhất. Dù chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn nhưng những gì Vô Danh thần tăng đã làm khiến cho cả thiên hạ đều phải ngưỡng mộ. Vô Danh thần tăng được mô tả bằng hình tượng vô cùng tầm thường dưới dáng vẻ của 1 nhà sư quét rác, không hề có dáng dấp của 1 người biết võ công.

Thế nhưng, khi Kiều Phong và Mộ Dung Phục đấu võ, Vô Danh thần tăng chỉ cần sáp lại gần đã tạo ra 1 luồng lực đạo tựa như 1 bức tường ngăn cản 2 người, chưởng lực tung ra cũng biến mất. Ngay cả anh hùng cái thế như Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn cũng chẳng thể đỡ nổi 1 chưởng của lão tăng. Sau đó, Vô Danh thần tăng còn làm điều không thể tưởng là mang Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác trở về từ cõi chết và chữa lành nội thương nhiều năm của họ.

 Cao thủ võ lâm khiến Kiều Phong hết mực nể sợ: 3 ngày 3 đêm lĩnh hội toàn bộ Dịch cân kinh - Ảnh 1.

Vô Danh thần tăng được nhiều độc giả cho rằng là cao thủ đệ nhất trong Thiên long bát bộ. (Ảnh: Baidu)


Thậm chí, Vô Danh thần tăng chỉ cần nhìn qua là biết được loại võ công mà Cưu Ma Trí dụng chính là Tiểu Vô Tướng Công của Tiêu Dao Phái. Cưu Ma Trí giở trò hèn hạ, ngầm sử dụng Vô Tướng Kiếp Chỉ, đánh lén lão tăng nhưng ngờ đâu chỉ lực chỉ đến cách ông chừng ba thước liền đụng phải một bức tường mềm nhũn, nhưng cũng hết sức cứng rắn chặn lại, chỉ lực liền tan biến không còn dấu vết gì.

Qua đây có thể thấy, Vô Danh thần tăng là người có võ công cao hơn các cao thủ khác trong giới võ lâm rất nhiều. Tuy nhiên, trong mắt của Kiều Phong vẫn có một người có tu vi mạnh hơn Vô Danh thần tăng. Đó là ai?

Cao thủ thực sự là ai?

Nhân vật này đã từng được Kiều Phong đề cập tới trong 1 lần trò chuyện cùng với Huyền Độ đại sư, một cao tăng ở Thiếu Lâm Tự. Kiều Phong đã chất vấn ông rằng: "Thời nhà Đại Đường, võ công người Hán các ông cực thịnh, giết không biết bao nhiêu dũng sĩ Khất Đan, bắt bao nhiêu đàn bà con gái Khất Đan. Đến bây giờ người Hán võ công không được như cũ thì người Khất Đan lại quay trở lại tấn công người Hán. Cứ như thế giết qua giết lại không biết đến bao giờ mới thôi?".

Căn cứ vào lời nói của Kiều Phong, ta có thể thấy, trong mắt anh ta, triều đại nhà Tống không phải thời đại thịnh trị của võ học. Ngược lại, võ học của triều đại nhà Đường có thể gọi là đỉnh cao. Kiều Phong thậm chí còn ca ngợi rằng đây là thời điểm cực thịnh.

Chúng ta đều biết rằng, Kiều Phong là một thần đồng võ học, đã học là tinh thông, chỉ cần 1 chiêu thức tầm thường qua tay anh ta là có thể đạt uy lực cực cao. Chính vì thế, Kiều Phong không sợ trời không sợ đất lại càng không ngại bất cứ đối thủ nào. Thế nhưng, Kiều Phong lại khẳng định rằng cao thủ của nhà Đường có võ công vô cùng mạnh, vậy người mà anh ta đang ám chỉ là ai?

 Cao thủ võ lâm khiến Kiều Phong hết mực nể sợ: 3 ngày 3 đêm lĩnh hội toàn bộ Dịch cân kinh - Ảnh 2.

Trong mắt của Kiều Phong, cao thủ đệ nhất đến từ thời nhà Đường. (Ảnh: Baidu)


Trên thực tế, nhà văn Kim Dung đã lồng ghép câu trả lời ngay trong cuốn tiểu thuyết "Tiếu Ngạo Giang Hồ". Qua lời kể của Phương Chứng đại sư, Nhị tổ Huệ Khả trên đường tới Trường An tình cờ gặp được 1 chàng thanh niên trẻ tuổi. Sau 3 ngày 3 đêm cùng chàng trai này đàm đạo về võ thuật, ông mới hiểu hết ý nghĩa sâu xa của " Dịch Cân Kinh ".

Người thanh niên chính là Lý Tĩnh, một tướng lĩnh và khai quốc công thần nhà Đường. Ông là người đã có công diệt Đông Đột Quyết, Thổ Cốc Hồn, sau này ông cũng là một trong 24 vị công thần được vẽ hình để thờ phụng trong Lăng Yên Các.

"Dịch Cân Kinh" là một bảo điển chí cao vô thượng của Thiếu Lâm Tự. Dịch cân kinh là một môn nội công rất khó luyện thành, ngay cả thiên tài võ học như Cưu Ma Trí cũng không thể hiểu hết được ý nghĩa thâm sâu của nó mà ngược lại còn bị tẩu hỏa nhập ma.

Ngược lại, Lý Tĩnh lại chỉ mất có 3 ngày 3 đêm để lĩnh hội toàn bộ Dịch cân kinh khi còn rất trẻ. Điều này cũng chứng tỏ sự lĩnh hội và võ công của Lý Tĩnh đã thực sự đạt đến cảnh giới khiến giang hồ phải kính nể.

Sở dĩ, Kim Dung ca ngợi Lý Tĩnh là bởi ông là một nhân vật lịch sử có thật. Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Lý Tĩnh được xem như một trong các đại danh tướng gần như chưa thất bại bao giờ. Các chiến công của Lý Tĩnh đã giúp cho nhà Đường mở rộng lãnh thổ mấy ngàn dặm về phía tây và tây bắc, trở thành đất nước bá chủ hùng mạnh nhất Đông Á và Trung Á thời bấy giờ.

Theo lý giải của Kim Dung, Lý Tĩnh có thể đạt được nhiều chiến công phi thường như vậy là do ông đã lĩnh hội được từ Dịch cân kinh. Đồng thời, cố nhà văn cũng thông qua nhân vật Kiều Phong mà ngầm khẳng định rằng Lý Tĩnh là một cao thủ võ lâm mạnh hơn cả Vô Danh thần tăng.

Theo Nguyệt Phạm

Cùng chuyên mục
XEM