Cạn tiền, 4 năm nay dự án 8.000 tỷ của Gang thép Thái Nguyên vẫn "dài cổ" chờ nhà thầu Trung Quốc

04/04/2016 17:09 PM | Kinh doanh

Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên gần 4.000 tỷ đồng, sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ đồng nhưng 10 năm qua không thể hoàn thành vì hết tiền và bị nhà thầu Trung Quốc "bỏ rơi".

10 năm trước, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đặt bút ký vào hợp đồng chọn nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu dự án mở rộng EPC Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II. Tổng vốn đầu tư khi đó là hơn 3.800 tỷ đồng.

Năm 2009, dự án bị đội vốn gấp hơn 2 lần, từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.000 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2012, khi đang thi công dở dang, nhà thầu Trung Quốc MCC đã lục tục kéo nhau về nước vì số vốn đội lên quá nhiều, việc thu xếp vốn cho TISCO gặp khó khăn. Dự án mở rộng của TISCO rơi vào tình trạng chết lâm sàng.

Tính đến nay, dự án đã bỏ hoang được gần 4 năm. Số phận dự án này đã khiến Chính phủ, các bộ ngành phải nhiều lần họp bàn tìm cách giải cứu.

Trong tài liệu trình đại hội cổ đông thường niên mới đây, báo cáo về tiến độ Dự án này, TISCO cho hay, hiện đã thu xếp được nguồn vốn cho dự án.

Theo đó: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã cho vay bổ sung 1.359 tỷ đồng từ ngày 27/1/2015; Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) góp 1.000 tỷ đồng từ tháng 3/2015; VietinBank cho vay thêm 1.100 tỷ đồng từ 4/6/2015. Tổng số vốn đã thu xếp được đạt 3.459 tỷ đồng.

Năm 2016, TISCO dự định cũng sẽ giải ngân khoảng 1.850 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Theo hợp đồng với MCC, tính đến 31/12/2015, tổng giá trị đầu tư của dự án là 4.438 tỷ đồng.

Về quá trình đàm phán với MCC, TISCO cho hay, quá trình đàm phán với MCC diễn ra từ năm 2012 đến cuối tháng 1/2016 với tổng số lần đàm phán là 10 lần.

Đến nay các nội dung chính của Phụ lục sửa đổi hợp đồng lần thứ 9 và Hợp đồng thi công lắp đặt thiết bị của dự án đã được các bên thống nhất, Chủ đầu tư đã chuyển các tài liệu này cho Hãng luật Vinalegal xem xét, đánh giá về tính pháp lý theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.

"Tuy nhiên, dù đã thu xếp được vốn nhưng việc đàm phán với nhà thầu MCC vẫn chưa có kết quả cụ thể, dự án đến nay vẫn chưa thể tiếp tục triển khai", báo cáo viết rõ.

Thực tế, để dự án được tái khởi động, công ty này đã phải bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc số tiền hơn 100 tỷ đồng do những trang thiết bị hư hỏng. Chi phí bảo dưỡng các thiết bị khác cũng lên đến gần 90 tỷ đồng. Chi phí phát sinh trong thời gian "chết lâm sàng" cộng với phí bồi thường, bảo dưỡng máy móc khiến dự án có nguy cơ đội vốn lên 9.000 tỷ đồng.

Vì vốn đầu tư đội lên quá cao ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án nên chủ đầu tư đã thuê Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam và Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây Dựng thẩm tra, điều chỉnh mức đầu tư để dự án tái khởi động hiệu quả là 7.800 tỷ đồng.

Để giảm vốn, đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã gửi văn bản lên Thủ tướng về các kiến nghị của chủ đầu tư.

Theo đó, TISCO đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư thiết bị, thuế nhà thầu… cho tổng thầu Trung Quốc với giá trị 530 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng mong muốn VDB khoanh nợ gốc, miễn phần lãi vay trong giai đoạn dự án ngừng hoạt động là 386 tỷ đồng. Với các khoản vay của VietinBank, TISCO đề nghị được miễn 50% lãi vay.

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương gửi kiến nghị của TISCO lên Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có phản đối việc thêm ưu đãi cho dự án này với lý do đảm bảo an toàn nợ công.

Về phía TISCO, trong thời gian qua công ty đã phối hợp với Tư vấn Thiết kế luyện kim của Tổng công ty Thép- VNS khảo sát, đánh giá lập phương án và dự toán chi phí bảo dưỡng sửa chữa vật tư thiết bị bị han gỉ, lão hóa hư hỏng do để lưu kho bãi lâu ngày.

Đồng thời, mời đơn vị tư tấn chuyên nghiệp đến hiện trường dự án khảo sát để kiểm định chất lượng công trình đang thi công dở dang, lập biện pháp khắc phục khuyết tật công trình nếu có...

TISCO là công ty thuộc sở hữu của Nhà nước, trong đó Tổng công ty thép nắm giữ 42,11%, SCIC là 35,21%. Trong bối cảnh hội nhập, ngành thép đang gặp bất lợi lớn, hiện thép giá rẻ từ Trung Quốc và một số nước tràn sang khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản.

Năm 2013 và 2014, TISCO gặp rất nhiều khó khăn với mức thua lỗ lần lượt là 291 và 79 tỷ đồng. Năm 2015, TISCO đã thoát lỗ và có một vài điểm sáng khi đạt doanh thu 7.955 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 87 tỷ đồng, tăng 87%.

Dạ Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM