Cần sớm có bảo hiểm Covid-19

12/04/2021 13:46 PM | Xã hội

"Hộ chiếu vắc-xin", giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 tại thời điểm khởi hành và bảo hiểm Covid-19 là những yêu cầu bắt buộc nếu muốn mở cửa thị trường khách quốc tế.

Một trong những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) du lịch về lộ trình mở cửa trở lại du lịch quốc tế hiệu quả và bền vững là đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu có chính sách bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Hướng tới BHYT du lịch bắt buộc

Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở cửa lại du lịch quốc tế một cách an toàn và bền vững, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhận định bất kỳ sự mở cửa cho du lịch nào cũng cần an toàn và có lộ trình. Theo đó, cần các chính sách yêu cầu "hộ chiếu vắc-xin", kiểm tra Covid-19 đối với du khách trước chuyến bay và kiểm tra khi đến. Chính phủ cũng nên có chính sách BHYT du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả du khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound).

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Võ Anh Tài - Phó Chủ tịch TAB, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) - cho biết bảo hiểm Covid-19 nhằm bảo đảm quyền lợi, an toàn cho cả du khách, DN du lịch, chính quyền địa phương trong tình huống phải hủy, hoãn chuyến du lịch đồng thời kiểm tra - điều trị liên quan yếu tố phát sinh dịch bệnh Covid-19 đối với du khách, tại điểm du lịch đi hoặc đến trước, trong và sau chuyến đi. Để làm được điều này, đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép các DN bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định, pháp luật. "Các chương trình BHYT du lịch liên quan Covid-19 đã có tại một số quốc gia, có thể giúp chi trả chi phí liên quan đến những tình huống nhập viện do Covid-19, điều trị và chăm sóc y tế, kiểm tra và cung cấp dịch vụ y tế, sơ tán y tế và hồi hương... Bảo hiểm chuyến đi có thể giúp du khách bù đắp chi phí nếu chuyến đi bị ảnh hưởng bởi đại dịch này" - ông Võ Anh Tài nói.

Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng Thư ký TAB, cho hay Luật Du lịch quy định các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành phải mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch (trừ trường hợp khách đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch); bảo hiểm này được chi trả cho du khách khi phát sinh các rủi ro như ốm đau, bệnh tật, tai nạn… Tuy vậy, ngành du lịch vẫn chưa có bảo hiểm Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét mở cửa đón khách quốc tế. "Bảo hiểm Covid-19 sẽ giúp du khách khi đến một địa điểm du lịch nào đó cần xét nghiệm thì họ có thể chi trả trước, sau đó yêu cầu bảo hiểm thanh toán lại chi phí. Hoặc nếu du khách đến vùng nào đó mà bất ngờ vùng đó bùng phát dịch phải cách ly, chi phí trong thời gian cách ly được bảo hiểm chi trả" - ông Hoàng Nhân Chính nêu.

Kết quả một cuộc khảo sát khách du lịch Việt Nam do TAB thực hiện gần đây về việc du khách có sẵn sàng mua thêm gói bảo hiểm du lịch thời kỳ có nguy cơ dịch bệnh cho thấy 52% số người được hỏi trả lời là "Có", điều này phản ánh du khách có nhu cầu mua gói bảo hiểm Covid-19. Nhiều DN cũng cho rằng bảo hiểm Covid-19 là cần thiết trong bối cảnh ngành du lịch đang triển khai lộ trình mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Thực tế, một vài công ty lữ hành đã triển khai với công ty bảo hiểm về mở rộng điều khoản hỗ trợ cho du khách trong trường hợp không may nhiễm virus SARS-CoV-2 lúc đang đi tour và trong vòng 14 ngày sau khi kết thúc tour.

Chẳng hạn, tại Công ty Vietravel, trong hợp đồng bảo hiểm du lịch cho khách cũng có thêm điều khoản về Covid-19 nhằm gia tăng quyền lợi cho khách hàng. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho rằng điều cần nhất lúc này là chính sách cho phép các công ty du lịch phối hợp với công ty bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm Covid-19 như các nước đang làm.

""Hộ chiếu vắc-xin", giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 ở thời điểm khởi hành và bảo hiểm Covid-19 là những điều kiện cần có để mở cửa đón khách quốc tế trở lại và nhanh chóng phục hồi ngành du lịch" - bà Huỳnh Phan Phương Hoàng kiến nghị.

 Cần sớm có bảo hiểm Covid-19  - Ảnh 1.

Du khách thăm TP HCM trước dịch Covid-19. Ảnh: TẤN THẠNH

Sớm nghiên cứu, ban hành "hộ chiếu vắc-xin"

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3-2021 vừa qua, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vắc-xin, cũng như có kế hoạch nhập khẩu vắc-xin để phục vụ tiêm phòng trên diện rộng. Đồng thời, sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "hộ chiếu vắc-xin" để thúc đẩy thương mại, đầu tư... Tại cuộc họp mới nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có đề xuất ban đầu về phương án triển khai "hộ chiếu vắc-xin" bao gồm nhóm đối tượng áp dụng, phương án giám sát, cách ly, theo dõi y tế…

Theo các chuyên gia, với nhiều chương trình tiêm vắc-xin đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số quốc gia đã lập kế hoạch tái mở cửa biên giới theo cách an toàn nhằm hỗ trợ việc đi lại của doanh nhân, chuyên gia và du khách quốc tế. Tại Việt Nam, DN du lịch cũng đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét giải pháp để Việt Nam tái mở cửa biên giới một cách an toàn và bền vững.

Cùng với việc triển khai "hộ chiếu vắc-xin", để có được ưu thế cạnh tranh khu vực, nhiều DN du lịch tiếp tục đề xuất chính sách visa cởi mở và hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, đề xuất chính sách miễn visa 30 ngày tiếp tục được áp dụng đối với những nước hiện tại đã được miễn và bổ sung thêm Úc, New Zealand, các nước châu Âu còn lại và Ấn Độ...

Công nghệ 4.0 với "hộ chiếu vắc-xin"

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" tại Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định việc sớm mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là rất cấp bách và kiến nghị cơ chế áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" với khách nhập cảnh. Theo Cục Hàng không Việt Nam, để có thể khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế thường lệ một cách nhanh chóng thì cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong việc chứng nhận đã tiêm vắc-xin hoặc đã có xét nghiệm âm tính.

Cơ quan này cũng đề xuất cần nghiên cứu kỹ hơn về hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm cũng như thời gian có hiệu quả của từng loại vắc-xin khác nhau. Quan trọng hơn, để "hộ chiếu vắc-xin" có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ.

D.Ngọc

Theo Thái Phương

Cùng chuyên mục
XEM