Cần giảm giá xăng, điện để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19

19/02/2020 19:00 PM | Xã hội

Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm giá xăng, điện để giúp doanh nghiệp lấy lại “phong độ” là rất khó nhưng cần phải làm, thậm chí việc này cũng nên và cần làm từ lâu.

Theo TS, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh - Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam- Chính phủ đang nghiên cứu để ra chỉ thị về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 một cách có lộ trình. Những hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp có thể tái sản xuất sau dịch Covid-19 nhanh nhất được đề xuất là giãn thời gian nộp thuế, giảm áp lực tài chính như gia hạn tín dụng, giảm giá xăng, điện...

“Tuy nhiên, cái khó hiện nay là cần có những cân nhắc, sự chọn lọc để phân loại đối tượng doanh nghiệp và có những đánh giá cụ thể về các tác động, ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra đối với họ”, ông Trinh nhấn mạnh.

 Cần giảm giá xăng, điện để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19  - Ảnh 1.

Chính phủ cần có chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: VGP)

 Dù vậy, dưới góc nhìn chuyên gia, ông Trinh cho rằng về lâu dài Chính phủ phải có giải pháp dài hơi để các doanh nghiệp ngày càng bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, do đó phải cơ cấu lại thị trường. Căn cơ hơn, Nhà nước phải có hệ thống chính sách để giúp doanh nghiệp trong nước chủ động về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, mà EVFTA- Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam đã thông qua vừa qua sau 10 năm đàm phán là bước đi quan trọng.

Cũng theo ông Trinh, nên giảm toàn bộ giá xăng, điện trong đợt này, vì đây là phương án tốt để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, ông Trinh thừa nhận, việc thực hiện không phải dễ dàng. “Bởi hiện nay nền kinh tế thị trường khó có thể áp đặt bằng một mệnh lệnh hành chính. Ngoài ra cũng phải nói rằng rất khó để xác định đúng đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nếu chúng ta làm không tốt, hỗ trợ tràn lan, thì sẽ đẩy nền kinh tế vào tình trạng khó khăn”, ông Trinh nói.

Đồng quan điểm về việc phải có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hai chính sách hỗ trợ nhiều là tiền tệ và tài khóa. Chính phủ cần chi tiền, có ngân sách để thực hiện những chương trình trọng điểm.

Theo ông Hiếu, việc giảm giá xăng, giá điện có thể thực hiện trong một quy mô hạn chế. Có các quỹ hỗ trợ cho những doanh nghiệp đang bị tác động mạnh bởi dịch cúm, chẳng hạn như xuất khẩu, nông lâm thuỷ sản, hàng không, du lịch, giao thông vận tải… đặc biệt ngành giao thông vận tải đang bị tác động rất mạnh.

“Chúng ta nên có một quỹ để hỗ trợ các ngành nghề chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Tất nhiên mình không giảm giá điện, xăng một cách đại trà mà hỗ trợ những doanh nghiệp phải sử dụng điện, xăng dầu nhiều cho hoạt động sản xuất của họ.

Riêng về chính sách tài khóa, khi hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thì cùng ràng buộc những điều kiện nhất định. Khi họ đã trở lại hoạt động bình thường thì họ phải có trách nhiệm bù trừ lại cho Chính phủ ngân sách đã bỏ ra. Tức là Chính phủ không cho không, mà là kế hoạch “giải cứu” tức thời”, ông Hiếu đề xuất.

Theo bạn, có nên giảm giá xăng, điện cho DN chịu thiệt hại do Covid-19?

Trường hợp dịch kéo dài, doanh nghiệp khó khăn, đó có thể là khoản cứu trợ vĩnh viễn. Nhưng nếu trong thời gian nhất định, doanh nghiệp làm ăn có lãi, thì phải cam kết trích một phần lợi nhuận trả lại cho Chính phủ. Làm như thế doanh nghiệp cũng có trách nhiệm với các gói hỗ trợ hơn.

"Về chính sách tiền tệ, tôi cho đây là lúc phải nới lỏng chính sách tiền tệ qua việc tái cơ cấu nợ doanh nghiệp… Mình chần chừ, hậu quả có thể nặng nề hơn, thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế”, ông Hiếu phân tích thêm.

Theo TS Bùi Kiến Thành, đại dịch covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có và cũng chưa biết kết cục thế nào. Nó tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng bởi kinh tế Việt Nam có liên hệ mật thiết với kinh tế Trung Quốc từ nông sản, nguyên liệu đầu vào, linh kiện, xuất nhập khẩu…

“Theo tôi Chính phủ nên thành lập Ban Đặc biệt để nghiên cứu những tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp như thế nào, doanh nghiệp nào bị tác động bởi giá cả thị trường: giá điện, xăng, dầu, nợ ngân hàng… để có chính sách hỗ trợ kịp thời, khả dụng và hiệu quả. Việc áp dụng biện pháp hỗ trợ với các doanh nghiệp cũng phải hết sức cẩn trọng, và phải nghiên cứu làm sao để không phí phạm ngân sách…”, ông Thành nói.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các ngành nghề kinh doanh ở Việt Nam, trong đó thiệt hại nặng nề và trực tiếp nhất là nông sản, hàng không và du lịch. Nguyên nhân chính là ba lĩnh vực này có sự gắn bó mật thiết, thậm chí là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ở khía cạnh vĩ mô, dịch bệnh tác động tới cả 3 khu vực thu ngân sách, gồm thu nội địa, xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Điều này khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự đoán thu ngân sách giảm khoảng 18.100 tỷ đồng nếu dịch bệnh được khống chế trong quý I, và hụt thu tới 42.300 tỷ đồng nếu Covid-19 kéo dài hết quý II.

Cụ thể, thu nội địa bị ảnh hưởng do nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... chịu tác động trực tiếp và rất ít ngành duy trì hoạt động bình thường. Khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng có thể giảm 15-20% so với dự toán của Quốc hội. Trong khi đó, thu từ dầu thô chắc chắn cũng thấp hơn nhiều so với dự toán. Hiện giá dầu thế giới trồi sụt và dao động 50-52 USD một thùng do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc giảm và triển vọng kinh tế toàn cầu không như dự kiến.

Chưa kể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngân sách sẽ phải dành một khoản lớn để chi cho các hoạt động y tế, vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát dịch.

 Cần giảm giá xăng, điện để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19  - Ảnh 3.

Theo Duy Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM