Cần chặn đứng sự lộng hành của tiền ảo “rác"

17/11/2020 08:31 AM | Kinh doanh

Huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là theo phương thức đa cấp, ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, cũng như trật tự, an toàn xã hội.

Nở rộ tiền ảo "rác"

Hơn một tuần qua, cộng đồng nhà đầu tư tài chính đã chứng kiến sự phi mã của Bitcoin (BTC), theo đó giá BTC đạt 16.150 USD/BTCa và hiện đang loanh quanh giao dịch ở mức 15.983 USD/BTC tính đến chiều ngày 16/11.

Không giống như những đồng tiền được Chính phủ hỗ trợ, giá trị của BTC được điều chỉnh theo cung và cầu. Điều đó có thể tạo ra sự biến động mạnh mẽ không giới hạn, mang lại lợi nhuận cũng như thua lỗ lớn cho các nhà đầu tư. Chính sự biến động mạnh của thị trường tiền ảo mà nhiều đồng tiền ảo "rác" chào đời. Vậy công thức và vòng đời của một đồng tiền ảo rác như thế nào?

 Cần chặn đứng sự lộng hành của tiền ảo “rác  - Ảnh 1.

Chính sự lập lờ về mặt pháp lý này cũng như sự biến động của thị trường tiền ảo mà nhiều đồng coin "rác" chào đời

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, vào thời điểm "vàng" của đầu tư tài chính từ trung tuần tháng 5/2020 đến nay, có vô số các dự án tiền ảo ra đời và bùng nổ, điển hình như các đồng ATB, TCL, OCB, LiBFX, GEM, P2PGO, FNET,... hay các app mua hàng tích điểm hoàn tiền lên đến 80% như MyAladdinz, IBG,... Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (BO) như Wefinex, Yokef, ICM-Defi,... cũng sử dụng các đồng coin nội bộ để giao dịch.

Với các loại tiền ảo này, nếu muốn đầu tư, người tham gia phải mua BTC, USDT, ETH,… rồi nạp vào ví điện tử của công ty để đổi lấy tiền ảo nội bộ, sau đó đầu tư vào các gói với lãi suất khủng gấp vài chục lần lãi suất ngân hàng, giao dịch trong hệ sinh thái của các sàn này.

Không khó để các công ty này dụ dỗ nhà đầu tư đổi tiền thật sang tiền ảo, sau đó tiếp tục đổi sang tiền ảo "rác". Kết quả là sàn có thể bị đánh sập hoặc đưa giá trị tiền ảo rác trượt giá không phanh, thậm chí trở thành vô giá trị.

Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ - CFTC đã từng cảnh báo về những kiểu lừa đảo tiền ảo như: Sử dụng tin đồn để dụ dỗ các nhà đầu tư mua và đẩy giá lên cao, sau đó bán cổ phần của họ và làm đồng coin giảm giá trị.

Một số dự án tiền ảo mới nổi sử dụng hệ thống kim tự tháp tài chính, núp bóng mô hình đa cấp tạo ra ảo tưởng về lợi nhuận lớn bằng cách trả hết tiền cho các nhà đầu tư cũ bằng tiền của nhà đầu tư mới, chia hoa hồng theo nhiều nhánh, nhiều tầng...

Cơ quan quản lý nói gì?

Trao đổi với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS)- Bộ Công thương cho biết, theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 và Khoản 6 Điều 6  Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó, nêu rõ hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và rủi ro rất lớn cho người tham gia.

 Cần chặn đứng sự lộng hành của tiền ảo “rác  - Ảnh 2.

Hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo; huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp... ngày càng diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng chia sẻ thêm, thời gian vừa qua, Cục TMĐT và KTS đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh nhằm từng bước đẩy lùi các hoạt động vi phạm liên quan đến tiền ảo hoặc kinh doanh tiền ảo theo phương thức đa cấp trái pháp luật trên các website. Thứ nhất, Cục TMĐT và KTS đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) chuyển thông tin, tài liệu của nhiều website có dấu hiệu vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; hoặc kinh doanh trong lĩnh vực tiền ảo tới Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Thứ hai, Cục đã đăng tải thông tin trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT (Online.gov.vn) để khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo trên các website để tránh các nguy cơ rủi ro; không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống của những website có những biểu hiện không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.

Ngoài ra, Cục TMĐT&KTS cũng khuyến cáo người dân không giao dịch qua các website không được Bộ Công thương và các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc xác nhận; đồng thời không tham gia đầu tư và phát triển hệ thống những website có những biểu hiện không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng để tránh những rủi ro tài chính và pháp lý.

Khi phát hiện những sàn giao dịch có dấu hiệu nghi vấn, người dân liên hệ Phòng cảnh sát hình sự, Công an Thành phố, nơi mình sinh sống để cung cấp thông tin, giúp cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, theo dõi nhằm phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép...

Nhiều chuyên gia cho rằng trước sự biến tướng khó lường của các đồng tiền ảo, đặc biệt là các đồng tiền ảo "rác", các cơ quan chức năng cần vào cuộc chặn đứng sự lộng hành của các đồng tiền ảo này.

Diễm ngọc

Từ khóa:  tiền ảo
Cùng chuyên mục
XEM