Cận cảnh tòa nhà 150 tỷ đồng, hình thù kỳ dị chưa từng có ở thủ phủ gốm Bát Tràng
Nhiều người nghĩ rằng đây là biệt phủ của một đại gia gốm sứ bởi hình thù kỳ lạ và sự hoành tráng của tòa nhà.
Hình ảnh một công trình có thiết kế độc đáo tại Bát Tràng đang được lan truyền mạnh trên mạng xã hội với rất nhiều mối quan tâm về quy mô, không gian bên trong. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, đây là một căn dinh cơ "hoành tráng" của một đại gia Việt.
Tuy nhiên, đây thực chất Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt– một công trình do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế từ năm 2018. Đây là một quần thể kiến trúc nằm trong khu đất rộng 3.700m2, với một mặt hướng vào làng Bát Tràng , một mặt ngoảnh ra dòng kênh Bắc Hưng Hải. Công trình có tổng số vốn đầu tư ước tính 150 tỷ đồng.
Theo đơn vị thiết kế chia sẻ, công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau. Ở một góc khác, người nhìn có thể liên tưởng đến hình ảnh Lò bầu cổ của người Bát Tràng xưa.
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. Nguồn ảnh: 1+1>2
Công trình đặt tại thủ phủ gốm Bát Tràng . Nguồn ảnh: 1+1>2
Sau 3 năm xây dựng, hiện tại Bảo tàng gốm đang hoàn thiện, dự kiến, tháng 6 năm nay có thể đưa vào vận hành, trưng bày các sản phẩm làng nghề, kết nối các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tại đây không chỉ là nơi lưu giữ, giữ gìn văn hóa của làng gốm Bát Tràng mà còn là nơi để du khách có thể thăm quan, chiêm ngưỡng tất cả những giá trị của làng nghề.
Với chức năng bảo tàng và trung tâm thương mại trưng bày các sản phẩm tinh hoa, công trình gồm 2 khối chính.
Khối bảo tàng phía ngoài tạo ấn tượng ở quảng trường Gốm, nơi trưng bày các sản phẩm thủ công. Các tầng trên là nơi trưng bày các dòng gốm nổi tiếng của làng. Ngoài ra, khu vườn trên mái vừa tạo cảnh quan đẹp, cũng là không gian xanh để thư giãn, giao lưu.
Khối 4 tầng bên trong dành cho các hoạt động khác như nhà hàng, khu biểu diễn…
Cùng chiêm ngưỡng 1 số hình ảnh về công trình đầy ấn tượng này:
Vẻ ấn tượng của công trình 150 tỷ nhìn từ trên cao.
Hoàn thiện tận dụng tối đa các vật liệu truyền thống Bát Tràng như gạch gốm, ngói nung, gạch men mosaic…
7 khối trụ kiểu bàn xoay đấu vào nhau.(Nguồn ảnh: Tiến Dũng)
Những nét ngang trượt theo mặt cong công trình ấn tượng.
Đường nét mềm mại, tự do.... Nguồn ảnh: June
Nguồn ảnh: June
Khoảng lấy sáng trong công trình.