Cần bao nhiêu vốn để kinh doanh homestay ở trung tâm Sài Gòn?

04/01/2019 08:11 AM | Kinh doanh

Những căn nhà cũ diện tích nhỏ, nhà nguyên căn diện tích lớn, căn hộ trung hoặc cao cấp…đều là hình thức lựa chọn thuê của các NĐT khởi nghiệp trẻ với mô hình homestay tại trung tâm Tp.HCM. Tuy vậy, chi phí phân bổ cho các hạng mục để kinh doanh bền vững với mô hình này lại là thách thức đối với các NĐT.

Cần số vốn bao nhiêu để bắt đầu kinh doanh homestay?

Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà khởi nghiệp trẻ có ý định dấn thân với mô hình homestay thắc mắc. Thực tế, vốn ban đầu bỏ ra để kinh doanh homestay còn phụ thuộc vào BĐS lựa chọn và sự đầu tư của mỗi NĐT cho mô hình của mình. Có một thực tế, những mô hình homestay thành công hiện nay đều chung tiêu chí là NĐT "chịu chi" hay còn gọi là chịu đầu tư bài bản ngay từ đầu, điều này đồng nghĩa với việc số vốn bỏ ra ban đầu sẽ khá cao.

Thảo Trinh, Fouder Minimal Homestay (sống tại Tp.HCM), chủ nhân của 5 căn hộ cao cấp tại trung tâm Tp.HCM thuê để kinh doanh homestay chia sẻ, số vốn kinh doanh ban đầu bỏ ra khoảng 300 triệu đồng cho 1 căn hộ. Trong đó, 1/3 dành cho location (vị trí); 1/3 cho decor và nội thất và 1/3 cho vận hành.

Cần bao nhiêu vốn để kinh doanh homestay ở trung tâm Sài Gòn? - Ảnh 1.

Theo các NĐT, số vốn ban đầu bỏ ra còn phụ thuộc vào vị trí chọn thuê và sự đầu tư của NĐT

Còn theo chị Đỗ Thị Hạnh (ngụ Q.3, Tp.HCM), hiện đang sở hữu 1 căn hộ thuê tại Q.1 để kinh doanh homestay từ tháng 2/2018 thì số vốn ban đầu bỏ ra từ khoảng 80 triệu đến 200 triệu đồng là có thể bắt đầu với homestay. Theo NĐT này, số vốn ban đầu nhiều hay ít phụ thuộc vào sự đầu tư của chủ nhân. Có những thiết kế đơn giản, ngược lại có NĐT thiết kế cầu kỳ, đặt nội thất chất lượng thì số vốn đầu tư sẽ độn lên.

Anh Vũ Quốc Bình, ngụ Q.2, Tp.HCM hiện đang thuê nhà nguyên căn tại Q.3 để kinh doanh homestay. Bắt đầu với mô hình kinh doanh này từ giữa năm 2017, đến khoảng cuối năm 2018 NĐT này mới có lời. Anh Bình tiết lộ, để dấn thân với homestay anh đã bỏ ra 400 triệu đồng tiền vốn ban đầu. Trong đó, chi phí để sửa chữa và thiết kế lại căn nhà (chia thành 5 phòng) đã "ngốn" hơn 200 triệu đồng, số còn lại anh trả tiền thuê căn nhà trong một năm và sắm sửa nội thất, trang trí. Hiện tại, trừ các chi phí, 1 tháng anh lời khoảng 13-15 triệu đồng.

Theo ghi nhận từ các NĐT trẻ, tùy vào vị trí thuê ở trung tâm thì số tiền thuê nhà nhiều hay ít. Tuy vậy, đây chính là chi phí "ngốn" nhiều nhất trong số vốn bỏ ra. Thường thì NĐT hợp đồng với chủ nhà và phải trả ít nhất chi phí thuê trong vòng 1 năm. Nếu NĐT nào dày vốn có thể trả hết thời gian thuê cam kết theo hợp đồng.

Điều này sẽ giảm được chi phí tăng tiền thuê nhà/căn hộ trong quá trình vận hành hoặc phòng trừ việc chủ nhà đòi lại nhà bất chợt, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Hoặc ít ra, khi chủ nhà lấy lại nhà trước thời hạn thuê, theo hợp đồng, NĐT có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Yếu tố nào ảnh hưởng sự thành bại của kinh doanh homestay

Theo NĐT Thảo Trinh, yếu tố quan trọng nhất là vị trí. Thứ nhất, đây là yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn ban đầu bỏ ra, nếu chọn ở trung tâm TP thì tùy vào từng tuyến đường chi phí thuê khác nhau. Thứ hai, vị trí ở trung tâm thường đảm bảo được dòng khách hàng lâu dài bền vững hơn vì nhu cầu cao, tiện ích ngay cạnh bên nên khách du lịch ưa chuộng. "Khi kinh doanh homestay, dòng vốn ban đầu ít cũng được nhưng các bạn nên cố gắng tìm vị trí trung tâm TP vì gần các tiện ích. Tìm được địa điểm tốt thì mới khai thác, vận hành tốt", Thảo Trinh chia sẻ.

NĐT này cũng chỉ ra những lỗi khiến việc kinh doanh homestay dễ thất bại xoay quanh câu chuyện vị trí. Theo Thảo Trinh, sai lầm của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp homestay hiện nay là tìm vị trí kinh doanh mà khách rất khó tìm hoặc xung quanh không đủ tiện nghi để khách vui chơi, giải trí. Có nhiều homestay quảng cáo hình ảnh rất đẹp nhưng ở vị trí xa, khó tìm, heo hút thì việc mà duy trì kinh doanh bền vững là điều khó nói trước.

Cần bao nhiêu vốn để kinh doanh homestay ở trung tâm Sài Gòn? - Ảnh 2.

Vị trí đầu tư theo các NĐT homestay là quan trọng nhất khi bắt đầu với mô hình này tại trung tâm TP

"Khi các bạn chọn vị trí kinh doanh ở trung tâm, tuyến đường đẹp thì trong kế hoạch PR, truyền thông có thể tự tin nói với khách thuê là homestay của mình chỉ vài phút là đến chợ Bến Thành hay Nhà Thờ Đức Bà…đó cũng là cách lôi kéo khách về với mình, đảm bảo việc kinh doanh lâu dài", Thảo Trinh chia sẻ.

Bên cạnh đó, làm nội thất khác biệt. Theo các NĐT homestay, yếu tố này ảnh hưởng cực lớn đến tâm lý của khách du lịch. Việc khách cũ quay lại với mình lần sau hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố này. Thường thì các founder homestay sẽ kết hợp với đồng nghiệp hay những người hỗ trợ về thiết kế để cùng nhau xây dựng ý tưởng, cùng làm. Ngay cả đồ dùng nội thất trong homestay phải được lựa chọn tỉ mỉ, lấy ở nơi chi phí hợp lý mà chất lượng phải đảm bảo để vừa thu hút khách, vừa đảm bảo dòng vốn kinh doanh lâu dài.

Cần bao nhiêu vốn để kinh doanh homestay ở trung tâm Sài Gòn? - Ảnh 3.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành công hay thất bại khi kinh doanh homestay đó là vấn đề chăm sóc khách du lịch. Theo các NĐT trẻ, làm homestay đồng nghĩa với việc phải chăm sóc khách hàng kiên trì, nhẫn nại, bởi vì đây là công việc làm dịch vụ, rất nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến con người nếu không kiên trì thì sẽ sớm out.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM