Campuchia vượt Mỹ, "thành công nhất thế giới" nhờ quyết sách táo bạo của ông Hun Sen với Trung Quốc

29/09/2021 14:03 PM | Xã hội

"Có thể nói đó là một quyết định táo bạo", ông Virak Ou cho hay, "Nhưng đặt cược vào Trung Quốc... có lẽ đã mang đến thành quả".

Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: Reuters

Campuchia hiện đang phủ vaccine nhanh hơn nhiều bang ở Mỹ. Với 15 triệu dân, Campuchia vượt xa những bang như Alabama, Texas và Ohio.

Theo tạp chí phát thanh The World của PRI (Mỹ), chính phủ cứng rắn của Campuchia không mấy khi được phương Tây dành lời khen ngợi nhưng dù đo đếm bằng cách nào thì chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của Campuchia vẫn là một thành công lớn.

"Thành công nhất thế giới"

Hơn 98% người dân trong độ tuổi trưởng thành ở Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Số dân đã tiêm đủ liều chiếm tới 65% và tốc độ vẫn đang tăng nhanh chóng. Thủ đô Phnom Penh của Campuchia có lẽ là thủ đô có tỷ lệ chủng ngừa Covid-19 cao nhất thế giới.

"Với một nước nhỏ và kinh tế không mạnh thì Campuchia đang ở phía trên cùng một trong số những nước thành công nhất thế giới", Chủ tịch trung tâm nghiên cứu chính sách độc lập Future Forum Virak Ou tự hào nhận định, "Ở đây có rất nhiều tín hiệu đáng mừng".

The World cho rằng thành công ấy là nhờ những bước đi của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Tháng 2 năm 2020, khi phần đông thế giới đang kinh hãi trước loại virus bí ẩn xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, ông Hun Sen vẫn bay thẳng tới Bắc Kinh, thực hiện chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ trong thời kỳ đại dịch.

Ở tuổi 69, ông thậm chí còn tình nguyện tới tâm dịch Vũ Hán. Việc này không xảy ra nhưng thông điệp của ông Hun Sen đã rõ. Khi Trung Quốc phát triển vaccine, Campuchia là một trong những quốc gia đầu tiên nhận vaccine - với số lượng lớn.

The World nhấn mạnh: Ông Hun Sen không đợi cho tới khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kiểm nghiệm những vaccine Trung Quốc như Sinovac mà chọn tin tưởng lời bảo đảm an toàn của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Và Campuchia tiến hành chủng ngừa toàn dân.

"Có thể nói đó là một quyết định táo bạo", ông Virak Ou cho hay, "Nhưng đặt cược vào Trung Quốc... có lẽ đã mang đến thành quả".

Đây cũng là một trong những chỉ dấu cho thấy mối quan hệ ngày càng nồng ấm giữa Phnom Penh và Bắc Kinh trong thập kỷ qua.

Không phụ thuộc vào Trung Quốc thì ai?

Theo thống kê của The World, kể từ khi đại dịch bùng phát, Mỹ chuyển cho Campuchia 1 triệu liều vaccine (toàn bộ là vaccine Johnson&Johnson). COVAX, đối tác của WHO đóng góp được khoảng 350.000 liều. Và Campuchia không thể chủng ngừa dù chỉ cho thủ đô của mình với số vaccine ấy.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc rộng tay chuyển tới 27 triệu liều vaccine.

"Câu hỏi đặt ra là liệu Campuchia có quá phụ thuộc vào Trung Quốc hay không", ông Hun Sen nói trong một bài phát biểu, "Nếu tôi không phụ thuộc vào Trung Quốc thì còn phụ thuộc vào ai được? Không có viện trợ và hợp đồng mua bán vaccine từ Trung Quốc, chúng tôi sẽ không thể tiêm chủng cho người dân Campuchia".

Những diễn biến tích cực ở Campuchia đã phản ánh chiến lược ngoại giao vaccine của Bắc Kinh ở khu vực, Reuters nhận định.

Mặc dù đây cũng là nơi Mỹ đặt trọng tâm ảnh hưởng nhưng không thể phủ nhận thực tế: Ở nhiều nơi khác tại Đông Nam Á, dù viện trợ vaccine của Trung Quốc không được hào phóng như ở Campuchia nhưng việc mua vaccine Trung Quốc lại là quyết định then chốt trong chống dịch ở Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Thi Anh

Cùng chuyên mục
XEM