Cấm xe máy ở Hà Nội: “Không phải chúng tôi học một cách máy móc từ nước khác!”

30/06/2016 09:14 AM | Xã hội

“Chúng tôi không học và áp dụng một cách máy móc của các nước, mà việc xây dựng đề án vì Hà Nội hiện nay đang đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông rất lớn, do phương tiện giao thông cá nhân tăng rất nhanh”.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân của thành phố.

Theo Viện, Sở Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2016. Một trong những mục tiêu đưa ra là hạn chế phương tiện cá nhân tiến tới cấm xe máy tại một số tuyến phố nội đô.

“Chúng tôi không học và áp dụng một cách máy móc của các nước mà việc xây dựng này làvì Hà Nội hiện nay đang đứng trước nguy cơ ùn tắc giao thông rất lớn, phương tiện giao thông cá nhân tăng rất nhanh”, ông Viện cho biết.

Lý giải vì sao chọn mốc thời gian 2025 cấm xe máy cũng như việc thực hiện lộ trình, ông Viện cho biết: Đó là do xu thế của các đô thị hiện đại thế giới và trong khu vực, khi phát triển đến mức độ nào đó phải có lộ trình giảm dần phương tiện cá nhân và tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội đô.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5,5 triệu phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có 500.000 ô tô, hơn 5 triệu xe máy. Với tốc độ tăng phương tiện giao thông cá nhân bình quân 10%/năm, thì đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 11 triệu xe máy.

“Lượng xe máy lớn không chỉ làm ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường, khí thải. Vì vậy, việc tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội thành là xu thế tất yếu. Thủ tướng đã có chủ trương giao cho các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM phải xây dựng lộ trình”, ông Viện nói.

Cũng theo ông Viện, các giải pháp đưa ra không nhằm hạn chế việc sở hữu phương tiện giao thông cá nhân mà chỉ nhằm kiểm soát việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm ùn tắc giao thông.

“Nói đến cấm phương tiện giao thông cá nhân người ta thường hiểu cấm mua, cấm sở hữu, như vậy không đúng. Thành phố sẽ hạn chế và tiến tới cấm xe máy ở một số tuyến nội đô, không có chuyện hạn chế quyền sở hữu, mua sắm”, ông Viện nói.

Ông Viện cho biết: Hà Nội sẽ đảm bảo các điều kiện đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, trong đó phương tiện vận tải hành khách công cộng phải bổ sung tương ứng lượng phương tiện giao thông cá nhân bị hạn chế.

Trái chiều dư luận

Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đưa ra chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân. Năm 2003, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đưa ra phương án hạn chế phương tiện cá nhân bằng quy định xe máy đi vào ngày chẵn lẻ theo biển số chẵn lẻ, riêng thứ 7, chủ nhật được tham gia giao thông bình thường.

Tuy nhiên, phương án trên nhanh chóng bị khai tử do vấp phải phản ứng của người dân và thiếu tính khả thi. Sau đó, Hà Nội đã ban hành và thực hiện quy định tạm ngừng đăng ký xe máy tại một số quận nội thành, nhưng cũng nhanh chóng phải bãi bỏ vì bất cập.

Liên quan đến chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân tiến tới cấm xe máy tại một số tuyến phố nội đô mới đây của thành phố, cũng đã nhận được không ít những ý kiến trái chiều. Nhiều người tỏ ra đồng tình, ủng hộ. Nhiều người lại có phản ứng ngược lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết rất ủng hộ chủ trương này.

Theo ông Liên, vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông ở thành phố lớn nhiều lần được ra nhưng sau đó đã không được thực hiện được. Tuy nhiên, giải pháp mới đây của Hà Nội rất khả thi.

Ông Liên cho biết, đây là đề xuất đúng với định hướng các đô thị phát triển trên thế giới. Cách đây 30 năm xe máy, phương tiện cá nhân nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng nhiều như Việt Nam. Nhưng họ đã đặt ra lộ trình một cách đúng hướng, đến nay đã giải quyết được tình trạng này...

Tuy nhiên, ông Liên lưu ý đến sự chênh lệch về trình độ phát triển. Điều kiện hạ tầng của các nước tiên tiến họ có tàu điện rất tiện lợi, phù hợp túi tiền, thu nhập người dân lại không chịu cảnh nắng nóng tắc đường... Song ở Việt Nam thì khác, do vậy việc hạn chế xe cá nhân phải có lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội, có giải pháp thích hợp đi kèm.

Còn theo ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Thủy: Tới năm 2030 và thậm chí còn xa hơn nữa xe máy mới dần bớt đi. Trong 10 năm tới cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, xe máy vẫn là phương tiện quan trọng của đại đa số người dân. Tới năm 2025 xe máy có lẽ vẫn là phương tiện quan trọng của 30 - 40% người dân để kiếm sống.

Do vậy, theo ông Thủy, chủ trương hạn chế xe máy về lâu dài là hợp lý, nhưng không thể làm nóng vội, lộ trình phải căn cứ thực tế trên các chỉ tiêu phát triển phương tiện công cộng...

Theo Mạnh Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM