Cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch

25/07/2020 21:00 PM | Xã hội

Khi xảy ra dịch cúm gia cầm năm 2009, rất ít quốc gia để tâm đến thị trường vắc xin, khiến phần lớn dân số toàn cầu không được tiêm vắc xin cho đến khi dịch bệnh bùng phát.

Seth Berkley là CEO của liên minh toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (Gavi, the Vaccine Alliance). Richard Hatchett là CEO Liên minh về Các sáng kiến Sẵn sàng cho Dịch bệnh còn Soumya Swaminathan là nhà khoa học trưởng tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dưới đây là nội dung bài viết “Cách nhanh nhất để thoát đại dịch” của 3 ông đăng trên Project Syndicate.

Mỗi ngày, Covid-19 lại cướp đi hàng nghìn sinh mạng trên thế giới, gây tổn thất hàng triệu USD. Cơn ác mộng này có thể sẽ được chấm dứt vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi vắc xin phòng bệnh được sản xuất hàng loạt và phân phối trên toàn cầu. Ngay từ lúc này, các chính phủ đã sớm phải hành động không chút chần chừ, trong khi các nhà khoa học trên toàn cầu đang dốc sức để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sớm triển khai một loại vắc xin hiệu quả với giá thành hợp lý.

Đó là nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên minh Vắc xin Covid-19 toàn cầu (COVAX) được thành lập bởi Gavi, the Vaccine Alliance phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Các sáng kiến Sẵn sàng cho Dịch bệnh. COVAX dự kiến phân phối khoảng 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 ra toàn cầu vào cuối năm 2021.

2 tỷ liều vắc xin này sẽ được chia đều cho các quốc gia tham gia liên minh, bất luận họ đóng góp bao nhiêu. Và số lượng vắc xin ấy đủ để phân phát tới 20% dân số các quốc gia tham gia COVAX. Điều này cũng có nghĩa vắc xin đủ để bảo vệ nhóm người ở tuyến đầu, có nguy cơ phơi nhiễm cao, các nhân viên y tế (các liều bổ sung sẽ được dự trữ để phòng trường hợp dịch bệnh bùng nổ trong tương lai, tránh để thế giới lâm vào tình trạng không thể kiểm soát dịch bệnh).

Hiện tại, hơn 160 vắc xin tiềm năng đang trong giai đoạn phát triển lâm sàng hoặc tiền lâm sàng. Không có cách nào để khẳng định loại vắc xin nào sẽ qua vượt qua được các thử nghiệm lâm sàng, được cấp phép (tỷ lệ thất bại của vắc xin ở những giai đoạn phát triển đầu là cao) tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định đến thời điểm cuối năm nay hoặc đầu năm sau, một bộ khung quy định về sản xuất và triển khai vắc xin sẽ được xây dựng. Bởi lẽ đó, các chính phủ phải đầu tư vào COVAX càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, nhiều chính phủ có thể sẽ tránh việc phải hợp tác với một bên thứ ba như COVAX. Thay vào đó, họ có thể sẽ đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin. Các chính phủ luôn đặt ưu tiên cao nhất cho sức khoẻ người dân của họ nhưng cách tiếp cận này rất dễ dẫn đến việc một chính phủ sẽ bị cung cấp vắc xin không phù hợp.

Khi xảy ra dịch cúm gia cầm năm 2009, rất ít quốc gia để tâm đến thị trường vắc xin, khiến phần lớn dân số toàn cầu không được tiêm vắc xin cho đến khi dịch bệnh bùng phát. Cơn ác mộng này bằng mọi giá không được phép lặp lại trong khủng hoảng hiện tại, bởi lẽ Covid-19 có tỷ lệ nhiễm bệnh và gây tử vong cao hơn nhiều so với dịch cúm năm 2009.

Bằng cách phối hợp với các tổ chức y tế toàn cầu thông qua COVAX, chính phủ các nước có thể đảm bảo mọi người đều có quyền bình đẳng tiếp cận vắc xin Covid-19. Đối với những quốc gia có thoả thuận 2 bên với các nhà sản xuất, COVAX sẽ đưa ra chính sách bảo hiểm đề phòng trường hợp các chính phủ đặt cược nhầm đối tượng. Còn đối với những quốc gia chưa có thoả thuận nào – phần lớn trên toàn cầu – COVAX là cách duy nhất giúp họ tránh bị đẩy vào trường hợp “xếp cuối hàng”.

COVAX đảm bảo cả lợi ích lẫn rủi ro của vắc xin sẽ được phân chia đồng đều. Với đặc điểm là một tổ chức quy tụ phần lớn các ứng viên vắc xin trên toàn thế giới, COVAX đảm bảo khả năng lớn nhất đối với các quốc gia tham gia về việc nhận được vắc xin an toàn và hiệu quả ngay khi được sản xuất – và đảm bảo thời khắc này sẽ tới nhanh chóng hết sức có thể.

Khi các công ty dược trên toàn cầu phải gánh vác mọi rủi ro tài chính, họ sẽ chỉ đầu tư vào sản phẩm khi vắc xin qua mọi thí nghiệm lâm sàng và được thông qua. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ có ý nghĩa về mặt kinh doanh, mà hoàn toàn không có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan với tốc độ nhanh chóng như hiện nay.

COVAX cung cấp một cách tiếp cận khác. Ngoài thúc đẩy bằng cách đầu tư trực tiếp vào công việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin, COVAX còn “kéo” bằng cách cam kết mua trước số lượng vắc xin lớn. Đây là động lực giúp các công ty tư nhân đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu và sản xuất trong bối cảnh khẩn cấp hiện tại.

Hơn thế nữa, COVAX còn tập hợp các nguồn lực từ chính phủ để tài trợ cho các ứng cử viên ngay cả khi họ chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng. Bằng cách đó, với các thoả thuận định trước, số lượng lớn vắc xin sẽ sẵn sàng được cung cấp ra toàn cầu ngay khi khả thi. WHO đã làm việc với số lượng lớn các nhà đầu tư, bao gồm cả công ty nhà nước và tổ chức tư nhân, để thực hiện cơ chế phân bổ công bằng, hợp lý vắc xin.

COVAX sẽ chỉ hỗ trợ cho các ứng cử viên phát triển theo tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Bằng cách phối hợp với các chuyên gia trên thế giới để phát triển hồ sơ sản phẩm mục tiêu, chia sẻ kết quả thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia, thúc đẩy hài hoà, COVAX sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới để phát triển và cung cấp vắc xin nhanh chóng, hiệu quả và an toàn nhất có thể.

Chúng ta không thể tiếp tục đứng nhìn nền kinh tế toàn cầu trượt dài thêm nữa. Theo dự báo của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), GDP toàn cầu sẽ giảm 5% trong năm 2020, tỷ lệ nghèo đói đang tăng nhanh chóng. Nền kinh tế toàn cầu đang mất 10 tỷ USD mỗi ngày. Bởi vậy, chi phí đầu tư vào COVAX thấp hơn nhiều so với việc để mặc nền kinh tế toàn cầu trượt dài do dịch bệnh. Hợp tác toàn cầu – nơi cả lợi ích và rủi ro được chia sẻ công bằng – chưa bao giờ giá trị hơn thế.

Ngọc Trang

Cùng chuyên mục
XEM