Cách hỗ trợ doanh nghiệp ‘xa xứ’ của Chính phủ Hàn Quốc: Cử hẳn một đơn vị phát triển hệ thống chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thông quan điện tử trực tuyến tại Việt Nam

29/03/2019 08:08 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo số liệu thống kê hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Mới đây một đơn vị 100% vốn từ Chính phủ nước này đã có mặt để hỗ trợ thủ tục xuất khẩu cho mạng lưới doanh nghiệp FDI Hàn Quốc rộng lớn trên.

Phía sau làn sóng Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/12/2018, cả nước có 27.353 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 191,4 tỷ USD.

Trong số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đăng ký 62,5 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ hai với 57 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hồng Kông.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu tính cả một số dự án quy mô lớn đầu tư qua nước thứ 3, tổng vốn FDI Hàn Quốc tại Việt Nam đạt khoảng 70 tỷ USD.

"Người Việt Nam vốn có thế mạnh về công nghệ thông tin và toán học. Bên cạnh đó chi phí nguồn nhân lực, vật tư ở Việt Nam đang ở mức hợp lý", ông Kim Yonghwa- giám đốc KTNET chia sẻ lý do có mặt tại Việt Nam. Ngày 26/3 vừa qua, doanh nghiệp Hàn Quốc ký hợp tác với CTCP NTQ Solution đồng thời thành lập văn phòng tại Hà Nội.

Cách hỗ trợ doanh nghiệp ‘xa xứ’ của Chính phủ Hàn Quốc: Cử hẳn một đơn vị phát triển hệ thống chứng minh nguồn gốc xuất xứ, thông quan điện tử trực tuyến tại Việt Nam - Ảnh 1.

KTNET ký hợp tác cùng NTQ Solution.

KTNET (Korea Trade Network) là cơ quan thông tin thương mại Hàn Quốc, là doanh nghiệp hạ tầng thương mại điện tử được thành lập với 100% vốn từ Hiệp hội thương mại Hàn Quốc vào năm 1991 theo Kế hoạch xúc tiến tự động hóa thương mại tổng hợp của Chính phủ. Thông qua các cấu trúc hạ tầng thương mại điện tử phi giấy tờ, KTNET hiện đang dẫn đầu cuộc cách mạng trong quy trình thương mại bằng cách trực tuyến hóa toàn bộ quy trình xuất nhập khẩu phức tạp.

Theo số liệu thống kê hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Hưởng ứng chính sách hướng Nam mới của chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt tập trung phát triển hệ thống cổng thông tin thương mại phục vụ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, KTNET hợp tác với một doanh nghiệp IT chuyên outsourcing nhằm phát triển hệ thống hỗ trợ cho phía Hàn Quốc.

Theo chia sẻ của ông Kim Yonghwa, trước mắt KTNET sẽ triển khai hỗ trợ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh tại Việt Nam và thông quan hải quan trực tuyến. Ngoài ra đơn vị này còn dự định triển khai công thông tin điện tử về các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cho các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư. Trên thực tế nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc khá khó khăn khi muốn tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp IT Việt Nam.

Mô hình giúp tiết kiệm triệu USD mỗi năm cho Hàn Quốc

Hiện KTNET đang xử lý điện tử các loại giấy tờ được trao đổi giữa các cơ quan hữu quan và khoảng 103.000 doanh nghiệp thương mại liên quan trên các lĩnh vực như thương mại, ngân hàng, vận tải biển, hàng không, bảo hiểm, giao vận, kho lưu v.v… (mỗi năm khoảng 1,063 loại giấy tờ, 390 triệu giao dịch). Công tác này đang giúp các doanh nghiệp thương mại và cơ quan hữu quan giảm tới 6 nghìn tỉ Won (khoảng 5,57 triệu USD) chi phí mỗi năm.

Cùng với đó, với việc cung cấp dịch vụ hạ tầng giấy tờ điện tử, KTNET góp phần giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh quốc gia cũng như hiện tượng tham nhũng.

Đơn vị này đã được chính phủ Hàn Quốc chỉ định làm cơ quan thực hiện 8 dự án lớn như dự án Giấy phép cơ bản trong thương mại điện tử quốc gia (theo các điều luật Xúc tiến Thương mại Điện tử), Trung tâm văn bản điện tử quốc gia (theo Luật Cơ bản trong Giao dịch điện tử và Văn bản điện tử).

Giám đốc Kim Yonghwan của KTNET tốt nghiệp Khoa Thương mại Đại học Quốc gia Seoul và bắt đầu hoạt động tại cơ quan nhà nước thông qua các cuộc thi công chức. Ông Kim đã đảm nhiệm các chức vụ Trưởng phòng Bộ Kế hoạch và Ngân sách, Quản lý Kế hoạch và Ngân sách của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hoa Kỳ, Thư ký nhiệm vụ quốc gia của Nhà Xanh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao & Du lịch, sau đó được bổ nhiệm vị trí giám đốc vào tháng 3/2018.

Đối tác Việt Nam của KTNET là công ty NTQ Solution là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản, cung cấp hai mảng dịch vụ chính: Phát triển ứng dụng và các sản phẩm công nghệ cao như AI, IoT, Cloud system. Công ty cũng từng đạt danh hiệu Sao Khuê ba năm liên tiếp là 2016, 2017, 2018.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM