Cách bán hàng "ngược" của một công ty bánh tráng ở Tây Ninh: Dùng chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế để "lấy lòng" khách hàng trong nước

16/03/2023 15:18 PM | Kinh doanh

Thông thường, các doanh nghiệp sẽ có tư duy làm từ nhỏ đến lớn, phát triển từ thị trường trong nước đến nước ngoài, đặc biệt với những sản phẩm truyền thống như bánh tráng. Nhưng có một doanh nghiệp đã đi ngược lại, họ thậm chí đã đạt được chứng chỉ quốc tế trước khi nhận được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.

Cách bán hàng "ngược" của một công ty bánh tráng ở Tây Ninh: Dùng chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế để "lấy lòng" khách hàng trong nước - Ảnh 1.

Tháng 4/2022, công ty TNHH Tân Nhiên - một doanh nghiệp sản xuất bánh tráng ở tỉnh Tây Ninh được cấp chứng nhận FSSC 22000. FSSC là từ viết tắt của Food Safety System Certification, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm.

FSSC 22000 là một chứng nhận quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm được công nhận bởi GFSI (Sáng kiến An toàn thực phẩm toàn cầu) có tác dụng giảm thiểu tối đa các nguy cơ làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp doanh nghiệp thực phẩm nói riêng và ngành thực phẩm nói chung phát triển một cách hiệu quả, bền vững.

Với doanh nghiệp, nhận được FSSC có thể xem là tiêu chí hàng đầu nếu doanh nghiệp muốn sản phẩm của mình được bày bán tại những hệ thống bán lẻ lớn trên thế giới.

Câu chuyện ra đời của bánh tráng Tân Nhiên được CEO Đặng Khánh Duy chia sẻ bắt đầu từ năm 2012 khi ông có cơ duyên làm ở công ty sản xuất bột mỳ. Thời điểm đó, ông Duy để ý thấy mình có lợi thế về vùng nguyên liệu tại địa phương, ông bắt đầu ấp ủ ý tưởng làm ra sản phẩm đầu cuối là bánh tráng, vốn là một đặc sản của vùng đất Tây Ninh. Năm 2018, Duy quyết tâm ra làm riêng, bắt đầu sản xuất bánh tráng.

Hai năm sau, Công ty TNHH Tân Nhiên được thành lập, địa chỉ tại thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, vốn phát triển từ mô hình hộ sản xuất kinh doanh. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ông Đặng Khánh Duy, sinh năm 1988. Ông Duy đồng thời là một trong hai thành viên góp vốn của công ty, với tỷ lệ sở hữu 60%.

Để có được chứng nhận FSSC 22000, Tân Nhiên đã phải đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị cùng quy trình sản xuất khép kín (từ vùng nguyên liệu sắn cho đến thành phẩm cuối cùng), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với công suất 7 tấn/ngày.

Cách bán hàng "ngược" của một công ty bánh tráng ở Tây Ninh: Dùng chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế để "lấy lòng" khách hàng trong nước - Ảnh 2.

Hình ảnh nhà xưởng của Tân Nhiên - Nguồn: Bánh tráng Tân Nhiên

Một năm sau khi nhận FSSC 22000, vào tháng 3/2023, Tân Nhiên được nhận Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn (HVNCLC).

Phát biểu tại buổi Lễ công bố chứng nhận HVNCLC diễn ra vào tối ngày 14/03, CEO kiêm Nhà sáng lập bánh tráng Tân Nhiên cho biết, con đường Tân Nhiên đi ngược lại so với các doanh nghiệp khác.

Từ những ngày đầu thành lập, Tân Nhiên đã chú trọng làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thế giới. Sau đó, họ dùng chính các chứng nhận cho thị trường nước ngoài để tạo niềm tin với khách hàng trong nước.

Hiện nay, Tân Nhiên đã xuất khẩu sản phẩm bánh tráng đạt tiêu chuẩn về ISO 22.000, chứng nhận FDA với thực phẩm an toàn của Mỹ (FSSC 22000), xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ,... Trong nước, sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên cũng phủ khắp các tỉnh thành Việt Nam và được bán ở hệ thống các siêu thị, cửa hàng lớn.

Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn là niềm tự hào cho mỗi doanh nghiệp, cũng là động lực cho các doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp cố gắng hoàn thiện sản phẩm của mình hơn để đáp ứng ngày càng cao của người tiêu dùng ”, CEO Đặng Khánh Duy nói.

Cách bán hàng "ngược" của một công ty bánh tráng ở Tây Ninh: Dùng chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế để "lấy lòng" khách hàng trong nước - Ảnh 3.

CEO bánh tráng Tân Nhiên - Đặng Khánh Duy phát biểu tại lễ công bố Hàng VNCLC do người tiêu dùng bình chọn 2023

Nhìn từ câu chuyện đi ngược của bánh tráng Tân Nhiên để thấy rằng chinh phục thị trường Việt Nam không hề dễ như suy nghĩ của nhiều người. Nghệ nhân Lý Ngọc Minh – ông chủ thương hiệu Gốm sứ Minh Long từng chia sẻ trong chương trình 5W1H : “Không ai biết rằng thị trường Việt Nam khó tính hơn thị trường xuất khẩu”.

Sự "khó tính" mà ông chủ Minh Long nhắc đến nằm ở chỗ: chất lượng tốt đi kèm với giá thành thấp. Bên cạnh đó, còn là vấn đề lòng tin của người tiêu dùng dành cho các sản phẩm Made in Việt Nam.

Có một bộ phận người tiêu dùng cho rằng, hàng Việt không phải sự lựa chọn ưu tiên bởi giá không rẻ hơn hàng ngoại trong khi chất lượng lại chưa được khẳng định rõ ràng. Và vì vậy, thay vì mua hàng Việt Nam, nhiều người tiêu dùng trong nước sẵn sàng chi gấp đôi, thậm chí gấp 3, để sở hữu hàng hóa nhập ngoại có cùng chủng loại.

Những năm vừa qua, sự thay đổi trong tư duy của các doanh nghiệp cũng như sự vào cuộc của cơ quan quản lý, truyền thông đã giúp thay đổi cái nhìn của người tiêu dùng với hàng Việt Nam.

Chẳng hạn, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý và quyết định lựa chọn của doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt dần chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm hoặc ở một bước nâng cao hơn, đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế như bánh tráng Tân Nhiên.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM