Các ứng dụng giao đồ ăn sẽ ra sao sau đại dịch?

08/12/2020 11:12 AM | Kinh doanh

Liệu các ứng dụng giao đồ ăn có rơi vào tình huống "sớm nở tối tàn" sau khi đại dịch kết thúc?

Đầu năm 2020, lĩnh vực giao đồ ăn dường như đang phải đối mặt với một thách thức to lớn sau nhiều năm miệt mài huy động vốn và "đốt" hàng tỷ USD.

Thời điểm đó, một trong những doanh nghiệp giao đồ ăn đời đầu là Grubhub đã cân nhắc phải bán mình sau khi để mất vị thế của họ trên thị trường. Các đối thủ cạnh tranh gồm DoorDash, Postmates và Uber Eats cũng được đồn thổi là đang đàm phán sáp nhập. Trong khi đó, CEO Uber cũng đã ra tín hiệu về một sự dịch chuyển quan trọng với mảng dịch vụ giao đồ ăn của họ: Chỉ tập trung vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Thế rồi dịch Covid-19 ập đến làm thay đổi mọi thứ!

Khủng hoảng y tế đi kèm với khủng hoảng kinh tế đã tạo ra một môi trường hoàn hảo cho các công ty giao đồ ăn – một lượng lớn những người mới thất nghiệp cần tìm việc làm, hàng triệu người phải làm việc ở nhà và cần được giao đồ ăn tới tận nơi, các nhà hàng cũng tăng cường phụ thuộc vào mua mang đi và giao tận nơi.

Dịch vụ giao đồ ăn chứng kiến nhu cầu tăng vượt trội. Uber đã xem Uber Eats như mảng kinh doanh cốt lõi, trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng của cả công ty. Giá trị của Instacart và DoorDash đã tăng chóng mặt khi công ty nhận thêm được hàng trăm triệu USD tiền vốn và mở rộng hoạt động đối tác sang cả siêu thị điện máy và cửa hàng tiện lợi. Một nhà đầu tư hàng đầu vào DoorDash gần đây đã bình luận rằng dịch vụ này đã "trở nên ăn sâu vào cuộc sống của cộng đồng địa phương như một dịch vụ thực sự thiết yếu".

Hiện tại, khi năm 2020 gần kết thúc, DoorDash đã tận dụng thời cơ để IPO, dự kiến diễn ra vào tuần này.

"Các ngôi sao đang xếp thẳng hàng. Đây là thời gian hoàn hảo cho các công ty giao đồ ăn IPO", theo Asad Hussain – chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu dữ liệu PitchBook.

"Họ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển đổi này. Tôi nghĩ tất cả các công ty sẽ IPO vào một lúc nào đó, ngay bây giờ hoặc sau đó một chút".

Airbnb – một công ty dịch vụ theo nhu cầu đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh giữa đại dịch cũng dự định IPO trong tuần này. Cả 2 công ty đều đang hướng tới phố Wall ngay khi loại vắc xin đầu tiên được công bố.

Việc sắp ra mắt vắc xin có thể là sự bắt đầu của giai đoạn chấm dứt đại dịch và một sự dịch chuyển nhu cầu khác lại bắt đầu. Với Airbnb, câu hỏi là việc chấm dứt đại dịch có thể thúc đẩy bao nhiêu cho hoạt động kinh doanh của họ. Còn đối với các công ty giao đồ ăn như DoorDash, câu hỏi là đại dịch chấm dứt có thể khiến họ tổn hại bao nhiêu?

"Sẽ có người vẫn tiếp tục sử dụng các dịch vu giao đồ ăn và thậm chí sử dụng nhiều hơn nữa. Trong khi đó, một số sẽ từ chối khi họ cảm thấy tình hình an toàn hơn. Tuy nhiên, sự hình thành thói quen mới là rất quan trọng", theo Duke Kominers – một giáo sư tại Đại học Harvard.

DoorDash đã huy động được 2,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư gồm cả Softbank và Sequoia Capital. Bản thân công ty này cũng đưa ra cảnh báo rằng sự bùng nổ trong đại dịch sẽ không kéo dài mãi. "Tình huống công ty tăng trưởng nhờ dịch Covid-19 sẽ không kéo dài trong tương lai".

Công ty này đã trở thành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất nước Mỹ trên phương diện doanh số bán hàng vào tháng 5/2019. Tuy nhiên, phải nhờ có đai dịch thì DoorDash mới lần đầu tiên có lãi trong quý 2 của năm nay trước khi lại báo lỗ trở lại trong quý gần đây nhất.

Các dịch vụ giao đồ ăn như DoorDash được cho là tận dụng được lợi thế tốt hơn trong đại dịch khi nhiều nhà hàng phải phụ thuộc vào họ để tiếp cận khách hàng tại nhà nhưng sau đại dịch, chiều hướng sẽ khác.

Kominers – đồng tác giả bài báo về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa những ứng dụng giao đồ ăn với nhà hàng và nhà cung ứng nói rằng các công ty giao đồ ăn cần tập trung tốt hơn vào việc chia sẻ doanh thu và các công cụ với người bán để xây dựng một doanh nghiệp bền vững.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM