Các tỷ phú trên thế giới đầu tư cho khoa học như thế nào?
Ngày nay, những người siêu giàu đã trở thành những người ủng hộ lớn nhất cho khoa học, các nhà khoa học trở thành những nhà kinh doanh mới.
Theo New York Times, trước đây hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học đến chủ yếu từ các quỹ công như một nguồn sức mạnh và niềm tự hào quốc gia. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học ngày càng được nhiều nhà tỷ phú trên thế giới quan tâm, hỗ trợ và đầu tư.
Trên thực tế, đầu tư vào các nghiên cứu khoa học lớn đang trở nên phổ biến đến mức các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều có các quỹ hỗ trợ riêng cho nghiên cứu khoa học. Và những khoản tiền đầu tư cho nghiên cứu khoa học đang rất được hoan nghênh trên toàn thế giới.
Theo Hiệp hội khoa học tổng hợp lớn nhất thế giới (AAA), quỹ Bill và Melinda Gates là một tổ chức đầu tư rất nhiều cho khoa học, quỹ tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt cho lĩnh vực nghiên cứu về vắc xin. Bill Gates đã đóng góp rất nhiều tài sản của mình cho quỹ nghiên cứu này. Ngoài ra, Bill Gates còn tích cực khuyến khích các tỷ phú khác tham gia đóng góp cho nền khoa học thế giới.
Hay các tỷ phú công nghệ như Yuri Milner – tỷ phú đầu tư công nghệ, Sergey Brin – đồng sáng lập Google và Mark Zuckerberg – người sáng lập Facebook đã thành lập giải thưởng đột phá "Breakthrough Prize" trị giá lên tới 25 triệu USD cho các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, Lawrence Ellison – đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tập đoàn Oracle, đã đầu tư gần 500 triệu USD thông qua quỹ Ellison Medical Foundation để hỗ trợ liệu pháp tế bào gốc và nghiên cứu chống lão hóa. Gordon Moore – sáng lập Tập đoàn Intel đã chi 850 triệu USD cho các lĩnh vực khoa học khác nhau, trong đó có 200 triệu USD cho các nhà khoa học để xây dựng kính thiên văn quang học lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, theo thống kê của Liên đoàn các nhà báo khoa học thế giới (WFSJ), các nhà tỷ phú trên khắp thế giới đang chi những khoảng tiền khổng lồ cho nghiên cứu khoa học. Điển hình như, tỷ phú Mark Zuckerberg và Priscilla Chan cam kết chi 3 tỷ USD cho các sáng kiến nghiên cứu y sinh. Hay tỷ phú Paul Allen – đồng sáng lập Microsoft ủng hộ khoa học sinh học với 100 triệu USD. Tỷ phú Sean Parker đầu tư 250 triệu USD cho các công trình nghiên cứu khoa học điều trị ung thư.
Bên cạnh đó, số tiền mà nhà đầu từ nổi tiếng tại Texas Mỹ Richard Rainwater, đã và đang tài trợ hàng triệu USD để phát triển các nghiên cứu dành riêng cho các bệnh suy giảm não bộ như Alzheimei. Cho đến nay, Forbes cho biết quỹ Rainwater đã cung cấp khoảng 100 triệu USD tài trợ cho các nghiên cứu về phương pháp điều trị liên quan đến các loại bệnh khác nhau.
Ngoài ra, một tỷ phú khác, Len Blavatnik – nhà đầu tư lớn của Phố Wall, đã tài trợ 200 triệu USD cho Trường Y Harvard để nghiên cứu, đầu tư vào khoa học dữ liệu cho công nghệ sinh học.
Tại Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập giải khoa học – công nghệ toàn cầu VinFuture lên đến trị giá 4,5 triệu USD với sứ mệnh tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ.
Tất cả các hỗ trợ, đầu tư cho khoa học của các tỷ phú đều có đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo F&D của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, công nghệ và khoa học sẽ hỗ trợ lẫn nhau để đưa nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển.