Các sinh viên ơi, xin đừng lãng phí thời gian: Có 6 "đầu việc" cần hoàn thành khi còn được ngồi trên giảng đường

11/05/2020 07:00 AM | Sống

Không ít người đã đi làm luôn cảm thấy nuối tiếc quãng thời gian còn đi học đại học, trong khi nhiều sinh viên lại đang phung phí những chuỗi ngày trên giảng đường. Theo Liz Wessel, nhà sáng lập của Way Up - một website tìm việc nổi tiếng tại Mỹ, các sinh viên cần tận dụng mọi cơ hội họ đang có trước khi tốt nghiệp bởi giảng đường là nơi mà bạn có thể tìm thấy rất nhiều ý tưởng mới, phát kiến mới, và các mối quan hệ mới - điều mà khi bạn đã tốt nghiệp, bạn sẽ khó tìm thấy trong môi trường công sở.

Trong bài diễn thuyết của mình tại TED, Wessel thúc giục các sinh viên hãy hoàn thành 7 đầu việc sau để có một khởi đầu sự nghiệp tươi sáng hơn khi bước chân khỏi cổng trường đại học. 

1. Mở rộng các mối quan hệ với những người lạ (kể cả khi bạn thấy ngại ngùng)

Ngay khi còn đang học năm cuối tại Đại học Pennsylvania, Wessel đã được trúng tuyển 2 công việc chất lượng: một là chức vụ quản lý marketing cho Google, và hai là làm việc tại một quỹ đầu tư. Tuy nhiên, Wessel lại cảm thấy rất bối rối giữa 2 lựa chọn tuyệt vời này, bởi quyết định của cô sẽ định hình tương lai sự nghiệp của cô trong rất nhiều năm tới. Cuối cùng, Wessel đã đưa ra lựa chọn đúng đắn khi làm việc cho Google - nơi đã cho Wessel nền tảng để tự mở doanh nghiệp của mình hiện nay. 

Quyết định của Wessel đến từ lời khuyên của một chuyên gia tài chính - người mà cô làm quen khi chủ động tìm kiếm và kết nối. Nếu không có mối quan hệ này, Wessel chưa chắc đã tìm được lời tư vấn chính xác và đưa ra được quyết định đúng đắn cho tương lai của mình.

Nhiều người thường cảm thấy ngại ngùng khi phải chủ động kết giao với những người khác. Đối với các sinh viên, sự e dè này còn lớn hơn khi họ cảm thấy mình thiếu thành tựu để kết nối với những người từng trải, giàu kinh nghiệm hơn họ. Tuy nghiên, Wessel cho rằng khi bạn còn ngồi trên giảng đường, mọi người có xu hướng giúp đỡ, chỉ bảo bạn tận tình hơn so với khi bạn đã tốt nghiệp và làm việc. Vì vậy, tại sao không tận dụng “lợi thế” này để tạo ra thật nhiều mối quan hệ có ích cho mình trong tương lai? 

Các sinh viên ơi, xin đừng lãng phí thời gian: Có 6 đầu việc cần hoàn thành khi còn được ngồi trên giảng đường - Ảnh 1.

2. Kết giao đúng bạn

Wessel tin rằng chúng ta là trung bình cộng của 5 người mà ta gần gũi nhất. Bằng trải nghiệm của mình, cô khẳng định rằng phần lớn thành công đã đạt được đều đến từ những người bạn mà cô đã quen biết được khi học đại học. 

Trường đại học là nơi cho bạn cơ hội được tiếp xúc với những người có hoàn cảnh khác nhau, tư tưởng, chí hướng đa dạng. Không có môi trường nào tốt hơn để kết bạn với những người tuyệt vời một cách dễ dàng như khi còn ngồi chung giảng đường với nhau. Bạn không nhất thiết phải kết nối với những người giỏi giang nhất. Hãy kết nối với những người khiến bạn cảm thấy tích cực hơn, cho bạn được sự cổ vũ để theo đuổi các đam mê mà bạn có. 

3. Hãy tận dụng các môn tự chọn

Khi nhớ lại quãng đời sinh viên của mình, Wessel nhận ra rằng có rất nhiều môn tự chọn đã giúp cô có thêm nhiều kĩ năng hữu ích sau này, ví dụ như môn thiết kế đồ họa hay kĩ năng đàm phán. 

Trong thế giới năng động hiện nay, bạn không thể chỉ dựa vào các kĩ năng chuyên ngành để thăng tiến trong sự nghiệp. Nếu bạn có những kĩ năng khác, bạn sẽ gia tăng giá trị của mình rất nhiều trong mắt nhà tuyển dụng.

Ngày nay, rất nhiều trường đại học cho phép sinh viên được đăng kí thêm môn học từ các chuyên ngành khác. Ngoài ra, bạn có thể tự tham gia những khóa học bên ngoài hoặc các câu lạc bộ kĩ năng. 

Các sinh viên ơi, xin đừng lãng phí thời gian: Có 6 đầu việc cần hoàn thành khi còn được ngồi trên giảng đường - Ảnh 2.

4. Thử sức với khởi nghiệp

Những kinh nghiệm giúp Wessell khởi nghiệp thành công với Way Up bắt nguồn từ việc kinh doanh của cô khi còn đang học đại học. Trải nghiệm này đã giúp Wessell có được những kinh nghiệm mà sách vở không thể truyền tải hết về việc gọi vốn, vận hành một doanh nghiệp và vượt qua những trắc trở khi duy trì doanh nghiệp. Bạn không nhất thiết phải kinh doanh, mà có thể thử sức với các loại hình khác như thành lập một câu lạc bộ, vận hành một chiến dịch cộng đồng hoặc một sự kiện. Những trải nghiệm này dạy cho bạn những kĩ năng quí báu trong bất cứ công việc gì mà bạn sẽ làm trong tương lai. 

Theo Wessell, sinh viên có nhiều lợi thế khi khởi nghiệp. Mặc dù thiếu kinh nghiệm, nhưng các sinh viên có nhiều nguồn tài nguyên có thể khai thác. Họ có nhiều người sẵn sàng hướng dẫn, chỉ bảo họ, như thầy cô và các anh chị đi trước. Có nhiều quỹ khởi nghiệp ưu tiên cho sinh viên. Họ cũng dễ tìm được những người bạn cùng chí hướng và sẵn sàng tham gia các dự án của họ. Cuối cùng, sinh viên có nhiều thời gian và không bị ràng buộc bởi nhiều trách nhiệm hơn người đã đi làm. 

5. Hãy đi du lịch nhiều hơn

Một trong những điều tuyệt vời nhất của thời đại học là bạn có rất nhiều thời gian để đi du lịch. Nhiều người thấy hối hận vì đã không đi du lịch nhiều trong thời đại học, vì khi bắt đầu đi làm, họ hầu như không tìm được thời gian nào hợp lý để tận hưởng một chuyến đi xa. 

Wessel cổ vũ các sinh viên đừng ngại ngần đi khám phá thế giới, đặc biệt là khi những chuyến đi này còn phục vụ mục đích học tập và làm việc, ví dụ như một kì học trao đổi, hay một chương trình thực tập ở nước ngoài ngắn hạn. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, Wessel tin rằng việc đi du lịch là một cách để chúng ta bứt phá ra khỏi vùng an toàn của bản thân và học thêm nhiều điều mới về thế giới xung quanh.

 
Các sinh viên ơi, xin đừng lãng phí thời gian: Có 6 đầu việc cần hoàn thành khi còn được ngồi trên giảng đường - Ảnh 3.

6. Hãy thu thập kinh nghiệm làm việc càng sớm càng tốt

Mặc dù nhiệm vụ chính của bạn là học tập, nhưng đừng đợi đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu đi làm. Những trải nghiệm lao động khi còn đi học, dù có thể không đúng chuyên ngành mà bạn hướng đến, nhưng sẽ dạy cho bạn nhiều kĩ năng liên quan. Kinh nghiệm làm việc phong phú giúp giai đoạn chuyển giao từ giảng đường sang công sở của bạn sau này mượt mà hơn. Quan trọng hơn thế, việc thử nhiều công việc khác nhau có thể trở thành kim chỉ nam giúp bạn tìm được định hướng nghề nghiệp sau này.

Khi bạn còn là sinh viên, bạn có thể làm việc mình thích mà không chịu áp lực về tiền bạc. Bạn cũng có quyền được thay đổi nhiều công việc khác nhau và chưa cần phải lo lắng về việc phải "ổn định". Cuối cùng, một CV phong phú kinh nghiệm từ trước khi tốt nghiệp đem đến cho bạn một xuất phát điểm thuận lợi trên con đường sự nghiệp.

Minh Hiền

Cùng chuyên mục
XEM