Các quốc gia Trung Đông đã đem tiền để mua những tấm huy chương vàng Olympics như thế nào?

18/08/2016 08:03 AM | Sống

Khát vàng Olympic ư, bạn có thể dễ dàng mua chúng.

Mới đây, vận động viên Ruth Jebet của Bahrain đã giành chiếc huy chương vàng đầu tiên cho nước này ở bộ môn chạy vượt rào 3.000 mét của nữ. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là vận động viên 19 tuổi này sinh ra và lớn lên ở Keny và giới truyền thống cho biết cô thi đấu dưới màu cờ của Bahrain chì vì vấn đề tài chính.

Trường hợp của Jebet chỉ là một trong số nhiều ví dụ khi Bahrain đã “mua” rất nhiều tài năng thể thao từ Châu Phi về để thi đấu dưới màu cờ sắc áo của họ.

Theo hãng tin CNBC, hầu hết các vận động viên Bahrain thi đấu Olympic năm nay ở các bộ môn điền kinh, nhảy xa, ném đĩa...được sinh ra và lớn lên ở Kenya, Ethiopia, Jamaica, Morocco và Nigeria mà hầu như không có người nào sinh ra ở Bahrain.

Thậm chí, hầu hết những chiếc huy chương Olympic của đội tuyển Bahrain là do những vận động viên nhập khẩu trên mang về.


Những nước nhập khẩu vận động viên (hàng trên) từ các quốc gia khác (cột trái) trong 5 năm qua.

Những nước nhập khẩu vận động viên (hàng trên) từ các quốc gia khác (cột trái) trong 5 năm qua.

Cũng không riêng gì Bahrain, hàng loạt các nước như Qatar, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nổi tiếng trong một thập niên qua về việc chi tiền mua các tài năng thể thao từ nước khác. Theo hiệp hội thể thao quốc tế (IAAF), lý do chủ yếu khiến các vận động viên rời bỏ quê hương là tài chính, tiếp theo đó là cơ hội được thi đấu trên đấu trường quốc tế.

Xu thế này hiện đang làm gia tăng những tranh cãi trong thi đấu thể thao cũng như tạo nên những trường hợp dở khóc dở cười.

Ví dụ vào năm 2003, trong trận thi đấu điền kinh quốc tế tổ chức tại Paris, vận động viên Saif Saaeed Shaheen của Qatar phá kỷ lục thế giới ở nội dung vượt rào 3.000 mét.

Chuyện chẳng có gì đang nói nếu anh Shaheen này vốn có tên Stephen Cherono người Kenya và vốn không thể cạnh tranh một suất thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Sau này, anh Cherono, vốn là một người theo đạo thiên chúa, đổi quốc tịch sang Qatar và cũng đổi cả tên lẫn tôn giáo thành đạo Hồi.

Anh này nhận được mức lương 1.000 USD mỗi tháng, huấn luyện viên riêng và những cơ sở vật chất trong mơ mà không thể có tại Kenya.

Sau khi giành chiến thắng, anh Cherono, hay Shaheen quỳ xuống và làm dấu thập tự theo đạo Thiên chúa nhưng may mắn một quan chức trong đoàn đã kịp thời ngăn lại. Khi lên nhận giải, vị vận động viên này thậm chí quên mất tên của mình là gì và phải nhìn lên bảng thông báo mới nhận ra đến lượt mình lên nhận huy chương.

Anh trai của anh Cherono, cũng là vận động viên điền kinh về đích với vị trí thứ 5 đã từ chối đến chúc mừng người em chuyển quốc tịch của mình.

Năm 2000, Qatar mua lại toàn bộ đội cử tạ của Bulgary và vận động viên Angel Popov đã giành được một huy chương đồng Olympic, dưới cái tên đạo Hồi Said Saif Asaad.


Hầu hết những huy chương danh giá của Bahrain đền từ vận động viên nhập khẩu

Hầu hết những huy chương danh giá của Bahrain đến từ vận động viên nhập khẩu

Cuộc chiến vì những con gà đẻ trứng vàng

Không riêng gì Trung Đông, nhiều nước trên thế giới hiện đang lao vào cuộc chiến tranh giành tài năng thể thao, sử dụng những tấm hộ chiếu công dân để làm tăng số huy chương trên đấu trường quốc tế.

Nghiên cứu của viện Pew cho thấy ít nhất 4% số vận động viên thi đấu trong kỳ Olympic mùa đông năm 2014 là được nhập khẩu từ nước khác.

Con số này khá nhỏ nhưng điều đáng nói là tỷ lệ này đang tăng mạnh những năm gần đây.

Nghiêm trọng hơn, quan điểm trung thành với doanh nghiệp, nghề nghiệp hiện đang bị đặt cao hơn so với khái niệm trung thành với tổ quốc. Hiện tượng đổi quốc tịch để giải quyết khó khăn tài chính hay để được thi đấu đỉnh cao đang ngày một nhiều hơn trong những năm gần đây. Nhiều vận động viên vì muốn tiếp tục với nghề thể thao mà quyết định vứt bỏ quốc tịch của mình.

Số vận động viên nhập khẩu của các nước trong Olympic mùa đông 2014
Số vận động viên nhập khẩu của các nước trong Olympic mùa đông 2014

Một trong những ngôi sao sáng nhất của thế vận hội mùa đông 2014 là Viktor Ahn, giành một huy chương vàng cho Nga vốn là một người Hàn Quốc và đã từng giành 3 huy chương cho đội này vào Thế vận hội năm 2006.

Sau một thời gian thi đấu cho hàn Quốc, anh Ahn quyết định lựa chọn Mỹ hoặc Nga để thi đấu. Cuối cùng anh chọn đội tuyển Nga bởi cơ hội luyện tập cho anh tại đây cũng như khả năng thăng tiến nghề nghiệp cao hơn.

Câu chuyện của Ahn đang rung lên hồi chuông đáng báo động về bản sắc dân tộc khi vận động viên từ chối quốc tịch để tối đa hóa tiềm năng bản thân.

Điều đáng ngạc nhiên tiếp theo là người dân Hàn Quốc lại không quá mấy phẫn nộ với quyết định của Ahn. Khảo sát của Gallup Korea, cho thấy khoảng 61% dân chúng cảm thông với quyết định của vận động viên này.

Thay vào đó, Bộ thể thao và những người chủ quản nhận được vô vàn lời chỉ trích từ công chúng. Thậm chí Tổng thống Hàn Quốc khi đó đã yêu cầu các quan chức liên quan phải điều tra tại sao lại đối xử bất cẩn để mất một vận động viên sáng giá như vậy.

Rõ ràng, những vận động viên không phải chỉ là những con gà đẻ trứng vàng. Họ cần sự hậu thuẫn của chính phủ, những cơ sở vật chất hạ tầng, sự đào tạo bài bản và những cam kết cho cuộc sống, sự nghiệp.

Không riêng gì các quốc gia và vận động viên, các doanh nghiệp ngày nay cũng đau đầu với vấn đề nhân tài. Khi họ thuê một người tài năng về làm việc, khả năng người này rời bỏ công ty là khá cao nếu không thể đáp ứng được những nhu cầu của họ.

Hơn nữa, việc cướp nhân viên giữa các công ty là chuyện thường xuyên xảy ra trong môi trường cạnh tranh ngày này. Tuy nhiên, tiền bạc không phải tất cả. Để có thể thành công, những công ty này phải đầu tư cho người tài, cũng như các vận động viên phải có sự hỗ trợ mới đem vàng về cho đất nước.

Bằng việc đầu tư dài hạn, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ giữ chân được những người tài này ở lại, cũng như các quốc gia có thể giữ được những vận động viên tài giỏi ở lại trong nước hoặc có tinh thần thi đấu đem vàng về cho tổ quốc.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM