Các quốc gia châu Âu trước thử thách mang tên COVID-19

08/03/2020 10:09 AM | Xã hội

Trước nguy cơ dịch bệnh đang ngày một lây lan và khó kiểm soát, một số chuyên gia về dịch tễ học châu Âu đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp phòng dịch của chính quyền các quốc gia thành viên.

Theo cập nhật tình hình dịch COVID-19 của Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến 23h30 ngày 06/03, trên thế giới có tổng cộng 102.242 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3.497 người tử vong.

Tốc độ lây lan COVID-19 đang gia tăng chóng mặt tại châu Âu

Cũng theo ECDC, tính đến 9h sáng ngày 7/3, tại châu Âu có tổng cộng 7.554 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 216 trường hợp tử vong.

Ổ dịch lớn nhất tại châu Âu vẫn là Italy với 4.636 ca nhiễm COVID và 197 người tử vong, thứ đến là Đức với 670 ca nhiễm bệnh và chưa có người tử vong, tiếp đó là Pháp với 653 ca nhiễm và 9 người tử vong.

Ngoài ra, trong ngày 7/3, một loạt quốc gia châu Âu có số ca nhiễm COVID-19 tăng cao như Tây Ban Nha (402 ca nhiễm và 8 người tử vong), Thụy Sĩ (216 ca nhiễm bệnh và 01 người tử vong), Hà Lan (128 ca nhiễm và 1 người tử vong), Vương quốc Anh (164 ca nhiễm và 1 tử vong), Bỉ (109 ca nhiễm bệnh), Na Uy (128 ca nhiễm bệnh), Thụy Điển (137 ca nhiễm bệnh)…

Trước nguy cơ dịch bệnh đang ngày một lây lan và khó kiểm soát, một số chuyên gia về dịch tễ học châu Âu đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp phòng dịch của chính quyền các quốc gia thành viên mà theo họ là chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Họ cũng cảnh báo việc các quốc gia châu Âu chưa sẵn sàng cho các tình huống xấu khi dịch bệnh bùng phát, như không đủ số giường bệnh, thiếu nhân lực trong ngành y để có thể tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân cần nhập viện. Đó còn là chưa kể tới các thiết bị y tế, khẩu trang cá nhân, nước tiệt trùng đang bị thiếu trầm trọng.

Nghị viện châu Âu chuyển địa điểm phiên họp toàn thể từ Strasbourg về Brussels

Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli mới đây đã thông báo, phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến từ ngày 09 tới 12/03 sẽ diễn ra tại Brussels, Vương quốc Bỉ thay vì tại Strasbourg, Pháp, nhằm hạn chế các nguy cơ từ dịch COVID-19.

Giới chức chính trị châu Âu cũng không thể miễn dịch trước dịch COVID-19, vốn đang tiếp tục lây lan trên khắp thế giới. Quốc hội Pháp đã phát hiện 02 trường hợp nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có một trường hợp sức khỏe có diễn biến xấu, là một nghị sỹ của tỉnh Haut-Rhin, Pháp.

Nhằm tránh EP gặp phải tình huống tương tự, Chủ tịch EP, David Sassoli đã thông báo chuyên phiên họp toàn thể của EP từ ngày 09 tới 12/03 từ Strasbourg sang Brussels.

Theo thông tin của báo giới châu Âu, quyết định trên của Chủ tịch EP được đưa ra sau khi ông được thông tin về tình hình dịch bệnh tại Strasbourg và nhận thấy rằng các điều kiện an toàn cơ bản cho các nghị sỹ khi họp tại Strasbourg vào tuần tới không được đảm bảo.

Theo thông báo y tế của Pháp, Strasbourg hiện chỉ có vài ca nhiễm SARS-Cov-2, tuy nhiên, thành phố này có vị trí ngay sát tỉnh Haut-Rhin, nơi có tới 74 ca nhiễm trên tổng số 423 ca nhiễm tại Pháp. Vì vậy, nơi đây là địa điểm được coi là có nguy cơ lây bệnh cao hơn Brussels (có 12 ca nhiễm trên tổng số 109 ca trên toàn nước Bỉ).

Báo Ouest-France của Pháp dẫn một nguồn tin châu Âu cho hay: “Nhiều nghị sỹ châu Âu thấy vô lý khi phải đi tới Strasbourg do lo ngại bị lây COVID-19 trên tàu”. Ngoài ra, theo Ouest-France, quyết định này đã được nhiều nghị sỹ và công chức của của EU đề xuất.

Đề xuất hạn chế đi lại và cách ly để kiểm soát dịch bệnh

Trong số các nghị sỹ Pháp, nghị sỹ thuộc đảng Xanh Karima Delli đã ủng hộ quyết định chuyển phiên họp toàn thể của EP từ Strasbourg về Brussels, đồng thời đề xuất cần “hạn chế việc đi lại làm phát tán dịch bệnh.”

Nghị sỹ Mick Wallace (Cánh Tả Thống nhất châu âu) lại yêu cầu hủy phiên họp toàn thể tại Strasbourg, khi đề nghị với Chủ tịch EP : “Chúng ta cần phải học hỏi người Trung Quốc trong việc kiểm soát virus SARS-Cov-2 bằng cách hạn chế đi lại và cách ly”.

Trước khi đưa ra quyết định được cho là “mạnh mẽ” như trên, EU đã thực hiện các biện pháp an ninh khác như cách ly các thực tập sinh đến từ Italy, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù có những nỗ lực này, trong EU vẫn có 2 trường hợp bị mắc COVID-19 trong số các công chức của tổ chức này.

Vai trò hạn chế của EU trong lĩnh vực y tế

Đề cập tới vai trò của EU trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, các chuyên gia châu Âu cho rằng vai trò của EU sẽ rất hạn chế, do trách nhiệm của tổ chức này được quy định rất ít trong lĩnh vực y tế nếu căn cứ theo Hiệp ước Lisbonne (được coi là hiến pháp của EU).

Đánh giá về phiên họp bất thường của các bộ trưởng y tế các quốc gia thành viên EU diễn ra trong ngày 06/03 nhằm phối hợp hoạt động đối phó với dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng rất khó có thể phối hợp và thống nhất hành động của các quốc gia thành viên, do mỗi quốc gia có những ưu tiên riêng trong việc kiềm chế dịch.

Thách thức lớn mang tên COVID-19

Có thể thấy rằng EU đang đứng trước thách thức rất lớn từ dịch COVID-19, khi mà các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh (cách ly và hạn chế đi lại) vẫn chưa được EU và các nước thành viên thực hiện triệt để.

Các biện pháp cách ly bệnh nhân và những đối tượng nghi nhiễm, chủ yếu là phụ thuộc vào ý thức của cá nhân, do quyền tự do cá nhân tại châu Âu rất được đề cao. Còn về biện pháp hạn chế đi lại, EU vẫn chủ trương duy trì sự tự do đi lại và giao thông giữa các quốc gia thành viên trong khối Shengen.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan với tốc độ trong mắt như hiện nay, EU vẫn chủ trương vừa ngăn chặn dịch COVID-19, vừa đảm bảo quyền tự do của mỗi cá nhân (giá trị cốt lõi của EU), lại vừa duy trì hoạt động giao thông bình thường trong khối Shengen, thì quả là công việc rất khó.

Trong khi đó số lượng nhiễm virus SARS-Cov-2 và tử vong vì COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng tại châu Âu, đặc biệt là ở ổ dịch tại Italy, Pháp, Đức…

Nếu châu Âu không kịp thời tìm ra một giải pháp khả dĩ, tức phải hy sinh một trong những ưu tiên kể trên, thì tình hình dịch bệnh có khả năng vượt ra ngoài tầm kiểm soát và khi đó, thiệt hại không những chỉ về kinh tế mà cả nhân mạng tại EU là rất lớn, bởi virus SARS-Cov-2 rất dễ gây tử vong đối với người già mà tỷ lệ người gia trong cấu trúc dân số của châu Âu lại rất cao./.

 Các quốc gia châu Âu trước thử thách mang tên COVID-19 - Ảnh 1.

Theo Đức Hùng

Cùng chuyên mục
XEM