Các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc sắp hết thời "hô mưa gọi gió"?

12/04/2021 14:04 PM | Kinh doanh

Những sức ép của Bắc Kinh không nhằm mục đích làm suy yếu các tập đoàn công nghệ khổng lồ, mà chỉ buộc họ phải tuân thủ các khuôn khổ, quy định của chính phủ.

Ngày 10/4, Cơ quan Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) đã công bố mức án phạt 18,23 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỉ USD) đối với Alibaba vì cáo buộc độc quyền. Quyết định này được đưa ra sau quá trình điều tra chống độc quyền kéo dài từ tháng 12/2020.

SAMR cáo buộc Alibaba đã có nhiều động thái lạm dụng vị thế thống trị thị trường từ năm 2015, bao gồm chính sách buộc các tiểu thương chọn một trong hai nền tảng để kinh doanh, thay vì được sử dụng cả hai.

Chính sách này cùng nhiều động thái khác đã giúp Alibaba củng cố vị thế trên thị trường và giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trước các đối thủ. Án phạt tương đương 4% doanh thu của Alibaba trong năm 2019 và cũng là khoản phạt lớn nhất về độc quyền đến nay tại Trung Quốc.

SAMR cũng yêu cầu Alibaba phải thực thi các biện pháp "sửa đổi toàn diện" nhằm duy trì cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Alibaba cho biết sẽ chấp nhận hình phạt này và tuân thủ đúng quy định.

Án phạt trên chỉ là diễn biến mới nhất trong một loạt các động thái thắt chặt kiểm soát của giới chức Trung Quốc nhằm vào Alibaba. Sức ép đã gia tăng từ cuối năm ngoái, khi giới chức Trung Quốc buộc hãng phải hủy bỏ thương vụ IPO đình đám của đơn vị công nghệ tài chính Ant Financial. Tiếp sau đó là cuộc điều tra chống độc quyền, các yêu cầu buộc Alibaba phải tái cơ cấu lại hoạt động của Ant Group hay từ bỏ nhiều tài sản trong mảng kinh doanh truyền thông.

Không chỉ Alibaba, nhiều hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc cũng đang đối mặt với sức ép lớn do những mối quan ngại về tầm ảnh hưởng của các công ty này tại Trung Quốc.

Sức nóng "phả" lên các công ty công nghệ lớn ngày càng gia tăng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 chỉ đạo cơ quan quản lý tăng cường giám sát các công ty Internet, trấn áp các hành vi độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn việc huy động vốn bừa bãi.

Cũng trong tháng 3, giới chức Trung Quốc đã phạt 12 công ty liên quan đến 10 thỏa thuận vi phạm quy định chống độc quyền, với mức phạt 500.000 Nhân dân tệ (76.300 USD) mỗi công ty. Trong số này có nhiều tên tuổi lớn như Baidu, Tencent, Didi Chuxing và một doanh nghiệp do ByteDance hậu thuẫn. Tình hình căng thẳng đến mức, các công ty công nghệ lớn đã phải tăng cường tuyển dụng chuyên gia luật, đồng thời lập ngân sách dành riêng cho các khoản phạt tiềm tàng.

"Các hành động này nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp công nghệ đổi mới hoạt động cho phù hợp hơn với các quy định và yêu cầu. Trước khi hoạt động kinh doanh đổi mới sáng tạo tác động đầy đủ tới các ngành công nghiệp truyền thống, chúng tôi sẽ xem xét những tác động này một cách cẩn thận và toàn diện", bà Cui Lili - Giám đốc điều hành Viện Thương mại điện tử, Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cho hay.

Các ông lớn công nghệ Trung Quốc sắp hết thời hô mưa gọi gió? - Ảnh 1.

Sức ép từ các nhà chức trách Bắc Kinh buộc Ant phải hủy bỏ đợt IPO trị giá 35 tỉ USD hồi cuối năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia, những sức ép của Bắc Kinh không nhằm mục đích làm suy yếu các tập đoàn công nghệ khổng lồ, mà chỉ buộc họ phải tuân thủ các khuôn khổ, quy định của chính phủ, thay vì hoạt động tự do như trước đây.

Bà Cui Lili nói: "Trong những năm gần đây, nhiều công ty bận rộn với công việc kinh doanh đổi mới sáng tạo. Họ muốn phát triển nhanh nên đã không quan tâm đến các quy định. Sau nhiều thập kỷ phát triển trong ngành công nghiệp Internet, tôi nghĩ rằng các công ty đã giành được thị phần ổn định trong nhiều lĩnh vực nên bây giờ phải tập trung điều tiết toàn ngành".

Các biện pháp thắt chặt kiểm soát của chính phủ đã khiến nhóm cổ phiếu công nghệ lớn sụt giảm mạnh, thổi bay 700 tỷ USD giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ giữa tháng 2 đến nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, triển vọng phát triển trong dài hạn của các hãng công nghệ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi Trung Quốc vẫn rất cần những tập đoàn công nghệ hùng mạnh trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với Mỹ đang ngày càng quyết liệt.

Thanh Hiệp

Cùng chuyên mục
XEM