Các nhà quảng cáo hãy đọc báo cáo này để đọc vị khách hàng online ở Việt Nam

15/07/2016 19:05 PM | Kinh doanh

Người Việt đang xem video phổ biến tới mức theo báo cáo, khi hỏi những người dùng Internet thì có tới hơn 1/2 số người được hỏi trả lời rằng họ xem video hàng ngày

Báo cáo “Tìm hiểu hành vi người dùng Việt Nam” mới được công bố từ Google cuối tháng 6 vừa qua đã chỉ ra nhiều điểm thú vị trong hành vi của lớp những người sử dụng Internet tại Việt Nam.

Theo đó, với những thống kê của mình, Google đã chỉ ra rằng người dùng Việt Nam đang sở hữu nhiều di động nhiều hơn máy tính và cách tiếp cận người dùng hiệu quả nhất đối với các nhà quảng cáo hiện nay là qua các video đăng tải trên mạng.

Người dùng Việt Nam đang sở hữu nhiều di động hơn máy tính

Theo báo cáo thì tính đến thời điểm hiện tại, số điện thoại di động tại Việt Nam đang nhiều hơn số máy tính là 9%. Với con số này, Việt Nam đứng chung hàng với Trung Quốc về mức chênh lệch điện thoại di động nhiều hơn máy tính. Thông qua nhận định này, Google cũng nhấn mạnh trong báo cáo về xu hướng quảng cáo qua điện thoại di động đang rất thịnh hành tại Việt Nam.

Số dương: điện thoại di động nhiều hơn máy tính; số âm: điện thoại di động ít hơn máy tính.
Số dương: điện thoại di động nhiều hơn máy tính; số âm: điện thoại di động ít hơn máy tính.

Nhìn nhận từ báo cáo, có thể thấy hầu hết người dân các nước châu Á đều sở hữu số điện thoại di động nhiều hơn máy tính. Ở mức cao về tỷ lệ này phải kể đến Hong Kong và Indonesia, khi người dân ở 2 nước này sở hữu nhiều di động hơn máy tính tới hơn 20%, nghĩa là trung bình một người cứ sở hữu 1 chiếc máy tính thì sẽ sở hữu hơn 1,2 - 1,3 chiếc điện thoại . Cá biệt, với Malaysia, con số này là cao nhất và lên tới 36%.

Trong khi đó, điều ngược lại diễn ra ở các nước phương Tây. Với hầu hết các quốc gia ở đây, đặc biệt là Mỹ, Pháp hay Đức, người dân đều sử dụng ít điện thoại hơn máy tính.

Xem video là hoạt động phổ biến nhất của người sử dụng điện thoại Việt Nam

Bên cạnh những thao tác truy cập vào các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber hay vào các công cụ tìm kiếm toàn cầu như Google, báo cáo cũng chỉ ra rằng xem video là hoạt động phổ biến thứ 3 khi một người sử dụng điện thoại tại Việt Nam.

Theo đó, tính trung bình với thời gian sử dụng điện thoại 10 phút thì mỗi người sử dụng có thể dùng hơn nửa số thời gian đó để xem video. Thậm chí, con số tỷ lệ 54% của xem video còn không hề thua kém tỷ lệ sử dụng thời gian truy cập vào các công cụ tìm kiếm trên mạng (56%) hay tỷ lệ thời gian truy cập vào các mạng xã hội (59%).

Thậm chí, tính trên tổng số 22 triệu người đang sử dụng smartphone tại Việt Nam, xem video qua điện thoại mới là hoạt động dẫn đầu. Google chỉ ra rằng cứ 10 người Việt khi online qua điện thoại thì sẽ có tới gần 8 người xem video (77%). Các hoạt động khác như sử dụng công cụ tìm kiếm, chơi game hay check email đều có tỷ lệ thấp hơn hẳn xem video online.

Như vậy, chính việc xem video mới là hoạt động chính mà người dùng điện thoại Việt Nam đang làm hàng ngày. Thậm chí, người Việt đang xem video phổ biến tới mức theo báo cáo, khi hỏi những người dùng Internet thì có tới hơn 1/2 số người được hỏi trả lời rằng họ xem video hàng ngày và chỉ có duy nhất 2% trả lời không bao giờ xem video khi online.

Tại sao lại như vậy và các nhà quảng cáo nên làm gì?

Như thường lệ, tỷ lệ thời gian truy cập vào các trang mạng xã hội vẫn là nhiều nhất (59%) nhưng chính xem video mới là hoạt động được người dùng làm nhiều nhất khi quyết định cầm điện thoại lên để online. Vậy điều đó nguyên nhân từ đâu ?

Thứ nhất, phải kể đến xu hướng xem video, trên tất cả các thiết bị kết nối chứ không riêng gì điện thoại, đang ngày càng phổ biển tại Việt Nam nói riêng và các nước khu vực Đông Nam Á.

Thật vậy, một nghiên cứu của Nielsen, thăm dò ý kiến của hàng chục nghìn người trên 61 quốc gia để tìm hiểu về xu hướng xem “video theo nhu cầu” đã từng cho kết quả rất ấn tượng tại Việt Nam, với 9 trong 10 người Việt được hỏi cho biết họ có xem các “video theo nhu cầu”, ở mọi thể loại và mọi thời lượng. Con số này còn ấn tượng hơn cả trung bình trung 76% của các khan giả Đông Nam Á.

Nguyên nhân thứ hai và đóng vai trò quan trọng hơn là sự phát triển của các mạng xã hội mà trong đó nổi bật nhất là Facebook, trang mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam.

Mục tiêu hướng đến một mạng xã hội mà người dùng có thể làm nhiều thứ hơn chỉ là những chức năng truyền thống là đăng ảnh, like, share, comment hay nhắn tin cho bạn bè, Facebook giờ đây đã cải thiện rất nhiều chức năng để biến mình dần trở thành một “xã hội online” đúng nghĩa. Trong đó, có những chức năng giúp cho việc đăng tải video clip trở nên gần gũi hơn và dễ dàng hơn với người dùng, mà livestream, hay cho các video tự động chạy mà không cần nhấn chuột là hai trong số đó.

Kết quả là, những thống kê gần đây đã cho thấy lượng người xem video qua Facebook, chứ không phải qua nhiều website đăng tải video truyền thống, đang tăng chóng mặt, đã phần nào giải thích tại sao người Việt Nam đang xem video nhiều đến vậy.

Bên cạnh đó, trang web đăng tải video lớn nhất thế giới là Youtube cũng vẫn chiếm được cảm tình người dùng điện thoại Việt Nam khi đứng trong top 3 các website phổ biến nhất tại Việt Nam (Top 3 bao gồm Facebook, Youtube và Nhaccuatui.com). Điều đó lại càng chứng tỏ xu hướng xem video online hiện giờ tại Việt Nam.

Trong một hội thảo tổng kết xu hướng marketing năm 2015 và đưa ra những xu hướng làm quảng cáo mới trong năm tới, tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (SBA), các chuyên gia đã từng nhấn mạnh về việc sử dụng video marketing đã đang rất thành công và sẽ trở thành một xu hướng lớn trong năm 2016 này.

Hiện nay, không chỉ Facebook mà ngay cả Google cũng đang thay đổi trong chính sách quảng cáo và hướng sự tập trung người dùng vào các video. Theo nhận định từ hội thảo tổng kết trên, các nhà quảng cáo online cần nắm bắt xu hướng sử dụng video marketing và tích cực tiếp cận người dùng qua điện thoại di động để đạt hiệu quả cao nhất cho chiến dịch quảng cáo của mình.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM