Các gia đình Việt chi 8.000 tỷ đồng mỗi năm cho các món snacks

18/05/2018 11:52 AM | Kinh doanh

Các sản phẩm snack cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 21% trong năm 2017, theo Nielsen.

Snack tăng trưởng cao nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG

Tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hiện nay đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất trong chiến lược phát triển kinh doanh của họ. Lý do là vì ngành hàng FMCG liên tục cho thấy những diễn biến khó lường trước trong những năm qua. Trong bối cảnh đó, một ngành hàng đã cho thấy sự tăng trưởng tích cực đó chính là ngành hàng thực phẩm thức ăn nhẹ (snacking foods) – một câu chuyện về tăng trưởng hiếm hoi diễn ra đồng thời tại thị trường Việt Nam cũng như quy mô toàn cầu, theo Nielsen.

Theo dữ liệu của Nielsen, doanh số toàn cầu của ngành hàng thức ăn nhẹ đạt mức tăng trưởng 3,4 tỉ USD trong năm 2017. Tại Việt Nam, ngành hàng thực phẩm là một trong 3 nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017 – theo báo cáo “Những Bước Chuyển Trong Ngành Hàng Thực Phẩm” mới được công bố bởi Nielsen, một công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu.

Dữ liệu đo lường bán lẻ của Nielsentại cả hai kênh truyền thống và hiện đại trên toàn quốc đã chỉ ra rằng doanh số của ngành hàng thực phẩm tăng trưởng 7% trong năm 2017 so với năm 2016, đóng góp 16,3% vào tổng doanh số của ngành hàng FMCG. 

Các gia đình Việt chi 8.000 tỷ đồng mỗi năm cho các món snacks - Ảnh 1.

Tuy nhiên, khi quan sát kĩ hơn vào hai nhóm sản phẩm chính của ngành hàng thực phẩm, thì các sản phẩm thuộc nhóm thông dụng hằng ngày (regular categories - bao gồm: mì gói, nước tương, dầu hào, nước mắm và bột ngọt, bột nêm) lại không thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ như các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm được mua “ngẫu hứng” (impulse categories – bao gồm: bánh qui, bánh xốp mềm, snack). Trong đó, các sản phẩm snack cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 21% trong năm 2017. 

“Các sản phẩm snack tại nhiều thị trường trên toàn cầu đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, điều này có thể lý giải là do nhu cầu của người tiêu dùng về các ngành hàng ngày càng tăng cao trong những năm vừa qua. Các sản phẩm này có thể được cho là không cấp thiết và được sử dụng để thỏa mãn sự tận hưởng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng ấn tượng này là một dấu hiệu tốt cho thấy người tiêu dùng trên nhiều nước đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng sản phẩm này, vượt trên cả chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết mỗi ngày. Và chính điều này đã và đang tạo ra một cơ hội tuyệt vời cho các nhà sản xuất FMCG tại những thị trường này.”, theo quan sát của ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam.

Năm 2017, người Việt chi 8.000 tỷ đồng cho snacks

Báo cáo mới đây của Công ty TNHH Decision Lab – một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường cho thấy, mỗi tháng, người Việt trẻ dành 13.000 tỷ đồng để ăn vặt. Trong đó, khảo sát theo năm cũng cho thấy, 8.000 tỷ đồng đã được dành riêng cho việc tiêu thụ đồ ăn nhẹ (snack). Xu hướng của giới trẻ không cần phải ra ngoài ăn vặt ở cửa hàng thức ăn nhanh, cửa hàng tiện lợi mà sử dụng snack ăn liền ở mọi.

Các gia đình Việt chi 8.000 tỷ đồng mỗi năm cho các món snacks - Ảnh 2.

Định dạng thị trường snack nhìn chung có thể chia làm 3 loại sản phẩm chính, được phân loại theo nguyên liệu chế biến, bao gồm: Khoai tây, các loại hạt và snack chế biến từ thực phẩm nói chung (đa phần làm từ các loại trái cây, thực phẩm). 

Quy mô thị trường snack tại Việt Nam ước khoảng 518 triệu USD vào năm 2015, trong đó, các loại snack chế biến chiếm tỷ trọng 33%, các loại hạt 30% và khoai tây chiên là 24%. Ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường tăng lên gần gấp đôi, tương đương hơn 1 tỷ USD. Con số này thực tế còn có thể lớn hơn nhiều nếu nhìn vào cách mà các doanh nghiệp(DN) tăng tốc đầu tư sản xuất và phân phối tại thị trường Việt Nam.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM