Các địa phương Trung Quốc ngập trong nợ, rủi ro của hệ thống tài chính Trung Quốc lớn dần

21/07/2020 08:16 AM | Xã hội

Tính cả các khoản nợ khác, chính quyền các địa phương nợ ước tính 67 nghìn tỷ nhân tệ ở thời điểm cuối tháng 6/2020. Nợ càng phình to, rủi ro đối với hệ thống tài chính Trung Quốc càng lớn.

Ngoại ô thành phố ven biển Ninh Ba – Trung Quốc, một nhóm công nhân xây dựng vẫn đang tiếp tục công việc của mình, họ đang thi công làn đường mới cho tuyến đường cao cấp tại thành phố Hàng Châu – Trung Quốc.

Một công nhân cho biết: “Hoạt động xây dựng đã được nối lại từ tháng 3/2020, tuy nhiên tốc độ phục hồi đã tăng lên trong thời gian gần đây. Chúng tôi cũng đang được trả tiền làm thêm giờ”.

Theo báo Nikkei, nhà thầu xây dựng tuyến cao tốc này có tên tập đoàn Zhejiang Communications Construction, nhà thầu này chịu trách nhiệm mở rộng khu vực cao tốc. Tập đoàn cũng là một trong những kênh huy động tài chính địa phương của chính quyền, doanh nghiệp vay từ các tổ chức tài chính, đồng thời phát hành trái phiếu để huy động vốn cho những chính quyền đang gặp khó khăn, tiền này sau đó được sử dụng cho các dự án hạ tầng.

Cho đến nay, các kênh huy động tài chính địa phương đã góp phần quan trọng giúp kinh tế Trung Quốc vượt qua khó khăn. Tuy nhiên tình trạng nợ nần chồng chất của các kênh này, vốn được hiểu rằng có một phần được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương, ám ảnh sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc và các thị trường tài chính.

Điều hành tập đoàn Zhejiang Communications Construction cho biết: “Chúng tôi sẽ điều phối thêm nguồn lực cho dự án này”. Tập đoàn đã phát hành 800 triệu nhân dân tệ tức 114 triệu USD trái phiếu trong năm 2019 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục huy động thêm tiền từ thị trường.

Trên khắp cả nước, các kênh huy động tài chính địa phương của Trung Quốc phát hành 3,3 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến giữa tháng 7/2020, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tương đương đến ¾ tổng giá trị trái phiếu phát hành trong năm 2019, theo phân tích của công ty nghiên cứu Shanghai DZH.

Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên thoát khỏi tình trạng suy giảm kinh tế do có liên quan đến Covid-19, GDP quý 2/2020 tăng trưởng được 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, sự phục hồi được “tiếp sức” chủ yếu bởi thị trường bất động sản và các dự án hạ tầng có nguồn tiền từ các kênh trái phiếu địa phương. Lương người lao động và tiêu dùng cá nhân vẫn ở mức thấp.

Theo quan điểm của phía Trung Quốc, trái phiếu khu vực là cách hợp pháp duy nhất để chính quyền địa phương huy động được nguồn tiền. Trung Quốc cũng không ngừng khẳng định rằng chính quyền trung ương và chính quyền địa phương đều không có trách nhiệm phải trả tiền hoặc giải cứu các kênh tài chính này.

Tuy nhiên, nhiều bên vẫn hy vọng chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ hoạt động trả tiền trái phiếu nếu cần thiết bởi xét đến mối hợp tác giữa hai bên và khả năng cú sốc tài chính sẽ lớn đến thế nào nếu có vụ vỡ nợ trái phiếu quy mô lớn xảy ra.

Đại diện một kênh huy động tài chính tại thành phố Thường Châu – Trung Quốc nói: “Chúng tôi có chính quyền địa phương hỗ trợ, chính vì vậy chúng tôi không có rủi ro hay khó khăn gì khi muốn trả nợ”.

Theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín dụng địa phương, chính quyền địa phương tại Trung Quốc có ước tính 43 nghìn tỷ nhân dân tệ tức 6,16 nghìn tỷ USD nợ ngầm ở thời điểm cuối năm 2019. Tính cả các khoản nợ khác, chính quyền các địa phương nợ ước tính 67 nghìn tỷ nhân tệ ở thời điểm cuối tháng 6/2020. Nợ càng phình to, rủi ro đối với hệ thống tài chính Trung Quốc càng lớn.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM