Các cửa hàng điện thoại, điện máy phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Thế Giới Di Động

28/03/2020 07:07 AM | Kinh doanh

Trong khi VN-Index tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần thì cổ phiếu của ông lớn bán lẻ Thế Giới Di Động lại bị bán tháo và giảm sàn. Tính từ sau Tết nguyên đán, vốn hóa Thế Giới Di Động đã giảm hơn 25.000 tỷ đồng (47%).

Sau gần 1 tháng sụt giảm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm trở lại trong cả 3 phiên giao dịch gần đây, lên sát mốc 700 điểm. Tuy nhiên, cổ phiếu của Thế Giới Di Động vẫn tiếp tục bị bán tháo.

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 27/3, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động đóng cửa tại giá sàn 63.300 đồng/cổ phiếu, không có dư mua. Đây là mức giá thấp nhất của Thế Giới Di Động kể từ giữa năm 2017. Nếu tính từ Tết nguyên đán đến nay, vốn hóa Thế Giới Di Động đã giảm 47%, xuống chỉ còn dưới 29.000 tỷ đồng.

MWG giảm mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, một nội dung quan trọng là: Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28/3 đến 15/4, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Theo quan sát, trong ngày 27/3, phần lớn các cửa hàng, quán ăn, quán cafe đều đã chủ động đóng cửa.

Trước đó, theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân một số phường trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thế Giới Di Động cũng đã tạm thời đóng cửa một số siêu thị Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tại các phường này, cho đến khi có thông báo tiếp theo của Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Các cửa hàng điện thoại, điện máy phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Thế Giới Di Động - Ảnh 1.

Thông báo đóng cửa của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh

Và đến chiều ngày 27/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu rõ: Đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các dịch vụ kinh doanh trừ các trường hợp: Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ); trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện); chợ dân sinh (gồm các gian hàng: Lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô); các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ); các cửa hàng tạp hóa, kinh doanh hoa, quả, trái cây; chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu gas khí đốt.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết tất cả các ngành hàng kinh doanh không có trong danh mục trên phải tạm dừng đến 15/4, không có ngoại lệ.

Các cửa hàng điện thoại, điện máy phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Thế Giới Di Động - Ảnh 2.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh thu điện thoại thông minh của Thế Giới Di Động chắc chắn đang bị ảnh hưởng. Số liệu của Strateg Analytics cho biết, doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu chỉ đạt 61,8 triệu chiếc vào tháng 2 năm nay, giảm mạnh 38% so với 99,2 triệu chiếc vào tháng 2 năm 2019. Dịch Covid-19 đã gây ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng điện thoại toàn cầu (chủ yếu ở Trung Quốc) từ tháng 1 năm nay cũng như khiến người dân hạn chế đến các cửa hàng để mua sắm điện thoại thông minh.

Đối với Việt Nam, trong khi các nhà máy ở Trung Quốc đang bắt đầu hoạt động trở lại và hàng tồn kho của Thế Giới Di Động vẫn đủ để bán cho đến ít nhất tháng 6 tới, nguồn cung có thể không phải là vấn đề mà là sức cầu. Mọi người đang tránh xa những nơi công cộng để tránh lây nhiễm và điện thoại thông minh - một loại hàng không thiết yếu sẽ không phải là ưu tiên trong giai đoạn này.

Tăng trưởng doanh số cửa hàng hiện hữu (SSSG) tại Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh sẽ chịu tác động tiêu cực trong quý 2 năm nay và cho đến khi Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát, đặc biệt là ở Hà Nội và TP HCM - hai thị trường lớn nhất, chiếm hơn 20% số lượng cửa hàng của Thế Giới Di Động.

Mặc dù kênh online sẽ bù đắp một phần tổn thất doanh số tại cửa hàng, nhưng khách hàng ở các thành phố lớn có thể tìm thấy các lựa chọn thay thế tại các trang web thương mại điện tử khác với giá có thể rẻ hơn trong khi lợi thế tại kênh online của Thế Giới Di Động từ mạng lưới cửa hàng rộng khắp chỉ rõ rệt nhất ở những địa phương mà các website thương mại điện tử khó tiếp cận. Hơn nữa, công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tăng doanh số bán TV vì giải bóng đá EURO được dời lại đến năm 2021. Ngoài ra, mảng online của Thế Giới Di Động cung đang sa sút thời gian gần đây, doanh thu đã giảm 3 tháng liên tiếp.

Các cửa hàng điện thoại, điện máy phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Thế Giới Di Động - Ảnh 3.

Bán chéo - yếu tố được đánh giá ​​sẽ giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho các chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, sẽ bị ảnh hưởng mạnh do cuộc khủng hoảng virus làm giảm lưu lượng khách đến các cửa hàng. Chứng khoán Rồng Việt từng dự báo ​​đồng hồ thời trang và đồ dùng nhà bếp sẽ góp thêm khoảng 0,5% vào tỷ suất lợi nhuận gộp của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vào năm 2020 tuy nhiên với tình hình hiện nay, Rồng Việt cho rằng biên lợi nhuận của 2 chuỗi này sẽ không thay đổi đáng kể trong năm nay hoặc thậm chí có thể giảm nếu cao điểm virus kéo dài đến quý 4 - mùa mua sắm.

Tuy 2 chuỗi điện thoại và điện máy gặp khó khăn lớn, nhưng Rồng Việt cho rằng chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ bảo vệ Thế Giới Di Động khỏi tăng trưởng doanh thu âm trong cuộc khủng hoảng virus. Doanh số FMCG có thể tăng mạnh trong tháng 3 do người dân dự trữ nhiều hơn vì sợ thiếu hụt nhu yếu phẩm nhưng đây có thể chỉ là hiệu ứng nhất thời hơn là xúc tác cho doanh thu FMCG của Bách Hóa Xanh trong năm nay.

Qua khảo sát tại một số cửa hàng Bách Hóa Xanh, Rồng Việt cho biết, không có sự khác biệt đáng kể về lưu lượng khách trước và trong giai đoạn virus bùng phát đối với các cửa hàng lớn nằm gần các chợ truyền thống. Trong khi đó, lưu lượng khách ở các cửa hàng quy mô vừa nằm trên các con đường lớn hiện thấp hơn so với trước đây. Điều đó không hoàn toàn phản ánh doanh thu trên mỗi cửa hàng vì giá trị đơn hàng trung bình không được tính đến.

Các cửa hàng điện thoại, điện máy phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu Thế Giới Di Động - Ảnh 4.

Bên cạnh bản chất là chuỗi bán lẻ hàng thiết yếu, yếu tố đa dạng hóa về địa lý của Bách Hóa Xanh cũng tăng cường "sức đề kháng virus" của chuỗi này vì dịch bệnh chủ yếu gây ảnh hưởng mạnh ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP HCM. Tới thời điểm hiện tại, có 60% cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm ngoài TPHCM. Do đó, chúng tôi tin rằng tác động đến doanh số trung bình /cửa hàng sẽ không nhiều. Tăng trưởng doanh thu của Bách Hóa Xanh vẫn sẽ đạt hơn 100% trong năm 2020 nhờ đóng góp từ các cửa hàng mới (mở vào năm ngoái và năm nay).

Về kế hoạch mở cửa hàng Bách Hóa Xanh, Rồng Việt tin rằng sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo kết quả kinh doanh của 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Nếu tác động từ Covid-19 lên Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh là lớn hơn dự báo, Thế Giới Di Động có thể sẽ mở ít cửa hàng Bách Hóa Xanh hơn trong năm nay để giảm áp lực lên lợi nhuận.


PV

Cùng chuyên mục
XEM