Các chuyên gia kinh tế nói gì về “khu vực kinh tế chưa được quan sát”?

26/01/2018 09:06 AM | Xã hội

“Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện. Nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu lên những điểm cần chú ý khi “đụng chạm” tới khu vực kinh tế chưa được quan sát này.

Không nên thống kê để tăng vay nợ

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển cho biết, vấn đề thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát đã được nêu ra từ lâu. Thậm chí, những số liệu thống kê trong quá khứ cũng đã có, dù chưa chính thức công bố. Vì vậy, việc thống kê lần này hoàn toàn có khả thi. Vấn đề đặt ra là độ chính xác của những con số đến đâu và thống kê vì mục đích gì.

"Sau khi thống kê, GDP sẽ lớn hơn (có thể 20-30%) thì những chính sách như thế nào mới quan trọng. Hiện tại, nợ công đã sát trần. Nếu quy mô GDP lớn hơn thì tỷ lệ nợ công có thể giảm từ 64% xuống 61-62%. Từ đó, có thể xảy ra tình trạng vay mượn nhiều hơn, khiến nợ công tăng cao. Vấn đề này cần được xem xét cẩn thận vì liên quan đến khả năng trả nợ. Bởi vì tăng quy mô GDP mà không tăng được thuế thì làm sao có khả năng trả nợ tốt hơn" – TS Lưu Bích Hồ nói.

Theo ông Lưu Bích Hồ, việc thống kê thêm như yêu cầu của Phó Thủ tướng là cần thiết. Nhưng nếu hoạch định chính sách theo hướng vay nợ thêm thì cần phải cẩn thận. Biện pháp dài hạn vẫn phải là tái cơ cấu để có mô hình tăng trưởng tốt hơn, nâng cao sức cạnh tranh. Khi hiệu quả kinh tế được nâng lên thì có thể dễ dàng hơn trong việc vay nợ.

Thống kê phải nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, vấn đề nợ công sẽ càng "tệ hại hơn" nếu việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát có mục đích chính là tăng GDP, rồi từ đó tăng tổng nợ công. Vì vậy, việc nghiên cứu, thông kê và có chính sách tốt để phát triển mới nên là mục đích chính.

"Nếu căn cứ vào GDP để tăng nợ công lên thì lại càng tệ hại hơn, không giải quyết được chuyện từ gốc. Đồng hồ nợ vẫn càng ngày càng tăng lên trong khi chúng ta cần giảm nợ công xuống như tinh thần tái cơ cấu đầu tư công. Nếu bây giờ dùng một công cụ để thay đổi cách tính thì đó không phải là một việc làm tích cực. Đó là một cách không trung thực đối với xã hội và nền kinh tế" -  bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm.

Các chuyên gia kinh tế nói gì về “khu vực kinh tế chưa được quan sát”? - Ảnh 1.

Không dễ để thống kê phần kinh tế ngầm.

Đối với khu vực phi chính thức, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích họ vươn lên để gia nhập khu vực chính thức. Bà Phạm Chi Lan cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp không cao nhưng năng suất lao động thấp có nguyên nhân từ việc, phần lớn người lao động làm công việc bán thời gian hoặc trong thời gian ngắn. Nếu giúp cho các hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức nâng cao năng suất thì nền kinh tế sẽ có lợi lớn. Tất nhiên, mọi việc đều có khó khăn và không thể phụ nhận rằng, khu vực phi chính thức đang hấp thụ lượng lớn lao động và là kênh tìm việc của những người không vào được khu vực chính thức.

Cuối tháng 10/2017, Đảng đã đề ra mục tiêu cắt giảm biên chế, đầu mối nhằm giảm chi thường xuyên. Nghị quyết số 18 của Đảng được ban hành đã đặt ra mục tiêu đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Theo bà Phạm Chi Lan, Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra phương hướng tích cực, nên làm song song với tái cơ cấu đầu tư công và đưa khu vực phi chính thức trở thành khu vực chính thức.

"Đối với phần kinh tế ngầm (như: buôn bán ma túy, cá độ) là một lĩnh vực khác. Để thống kê được không dễ và nếu làm được thì đã không có chuyện gian lận. Không chỉ Việt Nam, các quốc gia cũng không dễ dàng kiểm soát" - bà Phạm Chi Lan nói.

Trước đó, ngày 09/01/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thúc giục Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện "Đề án thông kê khu vực kinh tế chưa được quan sát" để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế. Khu vực này được xác định bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự tiêu,... theo chỉ đạo tại Thông báo số 475 của Văn phòng Chính phủ. Hạn cuối báo cáo Thủ tướng là trước ngày 30/01/2018.

Theo Vương Diệu Quân

Cùng chuyên mục
XEM