Các CEO có thể học tập được gì từ phong cách lãnh đạo của những hoàng đế La Mã?

06/05/2019 10:00 AM | Kinh doanh

Đế chế La Mã đã mê hoặc nhiều người yêu thích lịch sử trong nhiều thế kỷ nhờ những câu chuyện về tham vọng chính trị cũng như những chiến thắng quân sự vẻ vang. Những người La Mã cũng nổi tiếng về tính hiệu quả, trình độ kỹ thuật cao và quản lý khéo léo những vùng đất xa xôi.

Các lãnh đạo doanh nghiệp ngày nay có thể rút ra những bài học quý giá từ cách những hoàng đế La Mã xây dựng và quản lý một đế chế rộng lớn.

Những bài học này đã được giáo sư Đại học Cornell, Barry Strauss, đề cập trong cuốn sách “Ten Caesars: Roman Emperors from Augustus to Constantine”.

Caesar ban đầu là họ của một gia tộc, giống như trong Julius Caesar, nhưng sau đó, nó đã trở thành cái tên chung cho các hoàng đế La Mã. Bản thân họ không tự phong mình là hoàng đế, thay vào đó tự gọi mình là Caesar hoặc Augustus.

Tất cả những người đứng đầu đều muốn thể hiện một sợi dây kết nối với những người sáng lập ra đế chế La Mã, Julius Caesar và Augustus, dù hầu hết họ không có quan hệ máu mủ với hai vị hoàng đế này. Trong một số trường hợp, họ được nhận nuôi, một số khác chỉ nắm trong tay quyền lực nhưng họ thích nghĩ rằng tất cả đều tới từ cùng một gia đình.  

Điều đáng ngạc nhiên là những vị hoàng đế La Mã có thể lãnh đạo một đế chế từ 50 triệu đến 70 triệu người, trải dài hơn 4.800 km chỉ với công nghệ rất thô sơ, đa dạng về sắc tộc và văn hóa. Họ là một hình mẫu lý tưởng để các nhà lãnh đạo có thể đối phó với những thay đổi thông qua tính thực dụng và khả năng thích nghi đáng kinh ngạc.

Phẩm chất nào của những hoàng đế La Mã vẫn có thể áp dụng được vào thời điểm hiện tại?

Thứ nhất, Augustus là người sáng lập của một đế chế vĩ đại tồn tại trong nhiều thế kỷ. Vị hoàng đế này sở hữu tầm nhìn xa trông rộng về khả năng của đế chế La Mã, và ngài đã thành công rực rỡ trong việc đem lại hòa bình và thịnh vượng cho đế chế của mình.

Thứ hai, những vị hoàng đế La Mã có khả năng lập kế hoạch để lựa chọn người kế thừa họ. Augustus đã nắm quyền lực trong nhiều thập kỉ, nhưng từ rất sớm, ngài đã rất suy nghĩ rất nhiều đến người sẽ nối ngôi mình. Augustus đã dành rất nhiều tâm trí cho quá trình lựa chọn đúng người để thay ngài lãnh đạo đế chế La Mã sau khi vị hoàng đế này qua đời.

Quá trình kế vị diễn ra liên tục trong vòng hơn 400 năm, nhưng sức mạnh của đế chế La Mã vẫn giữ nguyễn trong tất cả những lần chuyển giao quyền lực. Theo Strauss, do ngay từ khi bắt đầu xây dựng đế chế, người La Mã đã xác định quá trình mở rộng lãnh thổ sẽ kéo dài nhiều thế kì và họ đã phát triển được tính thực dụng, một trong những lí do giúp người La Mã giữ vững được đế chế của mình trong thời gian dài.

Họ cũng sở hữu bộ luật La Mã, các kĩ năng về kĩ thuật như xây dựng đường sá, hệ thống giao thông và các tòa nhà và khả năng đưa người ngoài vào gia nhập đế chế và biến họ thành công dân để góp phần duy trì đế chế La Mã.

Thêm vào đó, những nhà lãnh đạo này thực sự rất hiệu quả. Đế chế rất rộng lớn này chỉ được quản lý bởi một đội quân 300.000 người. Bí quyết thành công của họ nằm ở chỗ khi đế chế La Mã tiếp tục phát triển và chiếm đóng các lãnh thổ khác, họ đã trao quyền công dân cho những người mà họ vừa mới chinh phục.

Ngay từ những ngày đầu, họ không chỉ đánh chiếm đất đai mà còn kết bạn với người dân bản địa bằng cách trao cho họ quyền công dân. Đó là một quá trình kéo dài hàng thế kỷ, nhưng cuối cùng thì tất cả những người tự do trong đế chế La Mã đều trở thành công dân La Mã. Đây là một trong những chiến lược tiến bộ nhất trong lịch sử nhân loại.  

Đế chế La Mã kéo dài từ Vương quốc Anh đến miền bắc Iraq, Ai Cập và Bắc Phi ngày nay, phía tây nước Đức và toàn bộ Địa Trung Hải. Người La Mã rất giỏi đàm phán. Họ mở rộng quyền công dân đồng thời trao quyền lực cao nhất cho những người là công dân La Mã.

Do đó, có những hoàng đế không tới từ Rome hay từ Ý mà từ Tây Ban Nha, Bắc Phi, Syria, Balkan. Theo Strauss, chính việc người La Mã sẵn sàng chào đón những người mới tới từ nhiều nơi khác nhau gia nhập giới thượng lưu của họ là một lý do quan trọng cho sự thành công của họ.

Augustus – hình mẫu lãnh đạo lý tưởng cho các CEO

Các CEO có thể học tập được gì từ phong cách lãnh đạo của những hoàng đế La Mã? - Ảnh 1.

Tên khai sinh của Augustus là Gaius Octavius Thurinus và ngài được Gaius Julius Caesar nhận nuôi, và sau đó đổi họ thành Julius Caesar. Đôi khi, Augustus vẫn được biết đến bởi cái tên Octavian bởi tên khai sinh của mình. Tuy nhiên, vị hoàng đế này đã lấy tên Augustus với ý nghĩa là “người được kính trọng”. Ngài thực sự là một biểu tượng, sở hữu tài năng xuất chúng. Augustus là một diễn giả tuyệt vời, một chính trị gia rất khôn ngoan từ khi còn trẻ tuổi. Augustus tham gia chính trường khi mới chỉ 18 tuổi.

Vị hoàng đế này không phải là vị tướng vĩ đại nhất thế giới nhưng lại sở hữu kĩ năng đối nhân xử thế tuyệt vời. Augustus có một cánh tay phải đắc lực, một vị tướng xuất chúng và trung thành, Marcus Agrippa, để chiến đấu cho ngài. Marcus cũng là người mà Augustus có thể tin tưởng. Chính nhờ sự thông minh và kỹ năng đối nhân xử thế đã giúp Augustus sở hữu cánh tay phải đáng tin cậy, hiệu quả và có năng lực mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng cần có.

Có thể coi Augustus sở hữu những phẩm chất tương tự như một CEO. Augustus đã phải điều hành một đế chế rộng lớn, do đó, vị hoàng đế này cần đúng người để giúp mình làm điều đó, những người mà ngài có thể tin tưởng. Augustus cũng có một mạng lưới tình báo và tiêu chuẩn đạo đức khi lãnh đạo.

Augustus di chuyển liên tục trong nhiều năm. Vị hoàng đế này không ngồi trong cung điện ở Rome, mà liên tục đi lại, xuất hiện trước công chúng và không ngừng tiếp thị bản thân. Hình ảnh của Augustus và gia đình có mặt ở khắp mọi nơi trong đế chế La Mã từ các đồng xu đến các bức tượng.

Augustus cũng phải đưa ra những quyết định cũng giống như các CEO khi phải điều hành các doanh nghiệp lớn. Bất cứ hình ảnh nào mà chúng ta thường hay nghĩ về các hoàng đế như phong cách sống suy đồi sẽ không thể áp dụng cho Augustus.  

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM