Cả nhà tôi NGỦ CHUNG trên 1 chiếc giường, không dám mua gì ngoài kem đánh răng, băng vệ sinh: Tiền dồn hết cho con học trường Quốc tế

02/03/2022 15:44 PM | Sống

Thi thoảng, con gái tôi sẽ hỏi những câu: 'Sao nhà mình không có ô tô?', 'Tại sao nhà mình nhỏ hơn nhà các bạn?',... Mỗi khi nghe con nói, vợ chồng tôi chỉ biết cười ngượng ngùng.

Để con cái có thể "thắng ngay vạch xuất phát", ngày càng nhiều phụ huynh tăng cường đầu tư tài chính cho giáo dục. Trong số đó, nhiều phụ huynh lựa chọn cho con học các trường quốc tế, tư thục vì cơ sở vật chất tốt, nhiều chương trình học chú trọng vào phát triển kỹ năng sống, kỹ năng mềm, ngoài ra có chương trình Tiếng Anh bài bản,...

Tuy nhiên để theo học được trường quốc tế không hề đơn giản, đòi hỏi phụ huynh phải có tiềm lực kinh tế mạnh. Bởi học phí các trường này thường rất cao, ngoài học phí, còn có thêm các khoản khác như phí đi dã ngoại, phí học phụ đạo, tiền ăn,... Với loạt phí khủng, chỉ các gia đình thuộc tầng lớp "đại gia" mới đáp ứng nổi.

Cả nhà tôi NGỦ CHUNG trên 1 chiếc giường, không dám mua gì ngoài kem đánh răng, băng vệ sinh: Tiền dồn hết cho con học trường Quốc tế - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh quyết cho con học trường quốc tế. Ảnh minh họa

Dẫu vậy, nhiều gia đình có thu nhập ở mức thường thường bậc trung vẫn cố gắng cho con theo học trường quốc tế bằng được, để con có điểm khởi đầu tốt. Họ không ngại cắt xén chi tiêu, vay mượn khắp nơi để cho con đi học. Miễn là con có môi trường học tốt, các gia đình trung lưu này không ngại gồng mình chịu khổ. Chẳng hạn như trường hợp của nhân vật dưới đây.


Chồng tôi là nhân viên kinh doanh, mức lương bấp bênh không cố định. Tháng cao nhất là hơn 36 triệu đồng, tháng nào thấp hơn thì khoảng 18-21 triệu đồng. Còn tôi là nhân viên lâu năm trong một công ty, lương tháng cố định là hơn 40 triệu đồng.

Gia đình tôi chưa mua được nhà, hiện đang ở nhà thuê. Cả nhà 3 người gồm 2 người lớn và 1 con gái nhỏ nằm ngủ chung trên một chiếc giường dài chưa tới 2m. Lâu lắm rồi, tôi không mua sắm quần áo mới cho bản thân. Ngoài giấy vệ sinh, kem đánh răng, dầu gội đầu và vài gói băng vệ sinh ra thì hầu hết những đồ mua sắm chỉ là đồ của trẻ con.

Thi thoảng, con gái tôi sẽ hỏi những câu: "Sao nhà mình không có ô tô?", "Tại sao nhà mình nhỏ hơn nhà các bạn?",... Mỗi khi nghe con nói, vợ chồng tôi chỉ biết cười ngượng ngùng.

Thực tế, mức thu nhập của gia đình tôi không thấp, và hoàn toàn có thể sống thoải mái hơn. Tính ra một năm, tôi kiếm được cố định hơn 400 triệu đồng. Vì sao gia đình tôi phải sống khổ cực như vậy?

Bởi chúng tôi đã đưa ra quyết định, phải cho con học trường quốc tế - một môi trường giáo dục có mức học phí quá sức so với thu nhập tổng của gia đình.

Ngay từ khi con còn nhỏ, chúng tôi đã quyết định phải đầu tư cho chuyện học của con. Từ khi con gái mới tập nói, tôi đã cho con đi học bơi, học cờ vua, khiêu vũ, các môn nghệ thuật,... Những lớp học kèm này có giá tới 1 triệu - 3 triệu/buổi.

Khi con gái vào mẫu giáo, tôi cho con đi học trường tư thục, học phí là 23 triệu đồng/tháng (chưa kể các khoản chi phí khác). Khi con lên cấp 1, vì không có hộ khẩu thủ đô nên không thể học trường công. Thay vì gửi con về quê học, tôi quyết định cho con học tiếp ở một trường quốc tế, mức học phí còn đắt hơn nhiều.

Nhiều người nói tôi điên rồ, không biết lượng sức mình và đang khiến bản thân khổ sở vì chi tiêu không hợp lý nhưng tôi không nghĩ như vậy. Ngay cả khi đi họp phụ huynh, bị các phụ huynh giàu có trong lớp cười nhạo hoàn cảnh gia đình, tôi cũng không để tâm.

Tôi chỉ muốn cho con một nền giáo dục tốt trong khả năng của mình. Mức lương hàng năm của tôi là hơn 400 triệu đồng nhưng tôi vẫn phải sống đạm bạc. Chuyện đó chẳng có gì đáng xấu hổ. Việc tìm cho con một cơ sở giáo dục tốt không phải là một quyết định phi lý.

Lý do tôi hào phóng trong chuyện học tập của con, là bởi tôi hy vọng con gái có thể học cách sống cuộc sống mà nó muốn trong tương lai, cuộc sống không bị ai định nghĩa. Quan trọng nhất, tôi muốn con mình được học hành tử tế. Trước mắt, tôi không thể cho con được một cuộc sống giàu sang về mặt vật chất, nhưng ít nhất phải giàu có về mặt tinh thần, cùng xuất phát điểm giáo dục tốt!

Theo Sohu

Theo Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM