Cả cuộc đời cố gắng leo lên nấc thang thành công để rồi cuối đời nhận ra đặt nhầm bức tường, làm sao để chúng ta không hối tiếc?

20/10/2019 10:16 AM | Sống

Nếu chiếc thang không đặt vào bức tường đúng thì mỗi bước ta leo lên chỉ khiến ta lạc lối nhanh hơn.

Cả đời cố gắng leo thang để cuối đời biết đặt sai bức tường

Ta rất dễ bị cuốn theo vòng xoáy của những hoạt động, của sự bộn bề trong cuộc sống này, cứ không ngừng nỗ lực leo lên nấc thang thành công chỉ để phát hiện ra rằng chiếc thang được đặt vào bức tường không đúng. Ta có thể luôn bận rộn, thậm chí là rất bận rộn, nhưng vẫn không hiệu quả.

Người ta thường cảm thấy trống rỗng khi đã đạt được vinh quang, để có được thành công, họ phải đánh đổi những thứ mà giờ đây họ chợt nhận ra rằng chúng giá trị hơn rất nhiều. Con người ta dù làm nghề nào, bác sĩ, nghiên cứu học thuật, diễn viên, chính trị gia, kinh doanh, vận động viên, thợ gỗ, đều mong muốn có thu nhập cao hơn, được thừa nhận về năng lực nghề nghiệp, thế nhưng, chính vì quá chú trọng đạt được mong muốn này mà họ tự che mắt mình trước những điều thực sự quan trọng mà giờ đây họ đã đánh mất.

Đời ta sẽ khác như thế nào khi ta thực sự biết được điều gì là tối quan trọng và giữ được hiểu biết rõ ràng này trong tâm trí, để mỗi ngày, ta hiện hữu và hành động theo những gì quan trọng nhất với cuộc đời ta. Nếu chiếc thang không đặt vào bức tường đúng thì mỗi bước ta leo lên chỉ khiến ta lạc lối nhanh hơn. Có thể ta rất bận rộn, hiệu suất cao, nhưng ta chỉ đạt được hiệu quả đích thực khi Bắt Đầu Bằng Đích Đến.

Nếu bạn suy nghĩ cẩn trọng về những gì bạn muốn người khác nói về mình trong lễ tang của bạn ở tương lai, bạn sẽ tìm được định nghĩa về thành công của riêng bạn. Nó có thể rất khác với định nghĩa bạn cho là bạn đang có. Biết đâu danh tiếng, thành tựu, tiền bạc hay những thứ khác mà ta đang nỗ lực đạt được lại không phải là bức tường đúng.

Khi bạn Bắt Đầu Bằng Đích Đến, bạn sẽ có được một góc nhìn khác biệt. Một người từng hỏi bạn mình về cái chết của một người bạn chung của họ, "Anh ta để lại bao nhiêu gia tài?" Bạn ông đáp, "Tất cả."

Cả cuộc đời cố gắng leo lên nấc thang thành công để rồi cuối đời nhận ra đặt nhầm bức tường, làm sao để chúng ta không hối tiếc? - Ảnh 1.

Mọi thứ đều được tạo lập 2 lần

"Bắt Đầu Bằng Đích Đến" là thói quen dựa trên nguyên lý rằng tất cả mọi thứ đều được tạo lập hai lần. Lần đầu là sự tạo lập trong tâm trí, và lần thứ hai là sự tạo lập trong thế giới vật lý.

Hãy lấy việc xây nhà làm ví dụ. Bạn tạo lập mọi chi tiết về nó trước khi xắn tay cầm búa đóng chiếc đinh đầu tiên. Bạn cần cảm nhận rõ ràng về căn nhà mà bạn mong muốn là gì. Nếu bạn thích một không gian chung cho sinh hoạt gia đình, bạn sẽ thiết kế một phòng lớn làm nơi gia đình quây quần bên nhau. Bạn sẽ thiết kế cửa kéo và sàn trong cho trẻ con chơi đùa. Đầu tiên bạn suy tư với những ý tưởng trong đầu cho đến khi bạn có hình dung rõ ràng về ngôi nhà và những chi tiết bạn muốn xây dựng.

Sau đó bạn đưa những chi tiết ấy vào bản thiết kế và tạo ra bản kế hoạch xây dựng. Tất cả công việc này phải hoàn thành trước khi động thổ khởi công. Nếu không, trong lần tạo lập thứ hai, tức quá trình xây dựng thực tế, bạn phải trả cái giá cao hơn nhiều cho bất kỳ sự thay đổi nào và kết cục là có thể mất chi phí gấp đôi cho căn nhà.

Nghề thợ mộc có một nguyên tắc "do hai, cắt một". Bạn phải đảm bảo bản thiết kế, tức lần tạo lập đầu tiên, chính là những gì bạn thật sự mong muốn và suy nghĩ thấu đáo. Và rồi bạn biến nó thành công trình xây dựng. Mỗi ngày, bạn đến công trình và dùng bản thiết kế để kiểm tra những việc phải làm trong ngày. Bạn Bắt Đầu Bằng Đích Đến.

Một ví dụ khác là việc khởi nghiệp. Nếu bạn muốn có một doanh nghiệp thành công, bạn phải xác định rõ ràng được điều mình mong muốn đạt được là gì. Bạn phải suy nghĩ cẩn trọng về những sản phẩm, dịch vụ bạn muốn cung cấp, thị trường mục tiêu là gì, và sắp xếp tất cả các yếu tố như tài chính, nghiên cứu phát triển, vận hành, marketing, nhân sự, cơ sở hạ tầng... để đạt được mục tiêu. Mức độ Bắt Đầu Bằng Đích Đến của bạn thường quyết định liệu bạn có thể tạo dựng được một doanh nghiệp thành công hay không. Hầu hết các doanh nghiệp thất bại là do không thực hiện nghiêm túc lần tạo lập đầu tiên, họ thường không chuẩn bị đủ vốn, không hiểu biết về thị trường hoặc không có cả kế hoạch kinh doanh.

Với việc nuôi dạy con cái cũng thế. Nếu bạn muốn con mình có trách nhiệm, tự giác, bạn phải ý thức rõ ràng về điều này trong mọi tương tác hằng ngày của bạn với con. Bạn không thể hành xử với chúng theo những cách mà làm suy giảm tính tự giác hay tự trọng của chúng được.

Trên thực tế, người ta sử dụng nguyên lý này ở nhiều khía cạnh của cuộc sống với mức độ khác nhau. Trước khi bạn khởi hành, bạn đã xác định đích đến và tìm lộ trình tối ưu nhất. Trước khi bạn tạo nên một khu vườn, bạn đã hình dung nó trong tâm trí, hoặc có thể đã vẽ ra trên giấy rồi. Bạn xây dựng bài nói chuyện của mình trước khi diễn thuyết, bạn hình dung cảnh quan khu vườn trước khi xây dựng nó, bạn thiết kế trang phục trước khi may. 

Khi ta đã thấu hiểu nguyên lý về hai lần tạo lập và nhận lãnh trách nhiệm của bản thân cho cả hai lần này, ta không những hành động trong phạm vi ảnh hưởng của mình mà còn liên tục mở rộng nó. Còn nếu ta không hành động theo nguyên lý này, không nhận lãnh trách nhiệm thực hiện tạo lập đầu tiên, chính ta sẽ hủy hoại điều ta mong muốn.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM