Cả chục triệu người mắc bệnh này: Đây là 3 dấu hiệu cảnh báo

10/06/2019 20:44 PM | Sống

Bệnh trĩ là một bệnh lành tính không gây tử vong nhưng lại gây phiền toái rất lớn cho người bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ dân số mắc bệnh trĩ ngày càng tăng.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng và Tầng sinh môn, Trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa- BV Việt Đức cho biết, trĩ là cấu trúc giải phẫu có chức năng sinh lý bình thường trong cơ thể.

Búi trĩ là cấu trúc mạch máu nằm trong trực tràng, ở người bình thường không sa ra vì nó có dây chằng giữ. Nhưng khi dây chằng không giữ được độ đàn hồi thì nó sinh ra trĩ và chia theo các độ 1, độ 2, độ 3, độ 4.

Dấu hiệu của trĩ

Bệnh trĩ gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên khi tuổi càng cao các cơ trương lực của cơ sẽ kém nên dễ bị trĩ, những người ngồi nhiều, đứng nhiều quên cả ăn uống sinh hoạt bình thường gây ra táo bón dễ bị trĩ.

PGS Hùng cho biết một số đối tượng hay gặp trĩ nữa là những người phải làm công việc nặng nhọc và phụ nữ mang thai. Số bệnh nhân bị trĩ khi mang thai rất lớn. Lý do mang thai bị trĩ là do thai ép mạch máu làm cho trĩ nặng lên và nó gây ra tắc mạch chảy máu. Ngoài ra, khi mang thai có nhiều thay đổi về nội tiết làm cho máu từ động mạch sang tĩnh mạch thường có dấu hiệu là máu tím. Nhưng khi đại tiện ra máu đỏ tươi, đây là máu động mạch trực tiếp và không có trao đổi qua tĩnh mạch.

PGS Hùng cho biết trung tâm có tiến hành nghiên cứu trên 4000 công nhân và khoảng hơn 2000 người dân ở vùng đông bằng bắc bộ thì cho thấy có khoảng 30-40% trưởng thành có biểu hiện của trĩ.

Bệnh trĩ là bệnh lành tính nhưng gây phiền toái, nếu không chữa bệnh cũng dẫn đến hậu quả cho bệnh nhân. Khi có 3 dấu hiệu dưới đây, PGS Hùng cho rằng người dân cần nghĩ đây bệnh trĩ.

- Đại tiện ra máu tươi

- Khi đại tiện sa ra khối ở vùng hậu môn

- Khi trĩ biến chứng tách mạch búi trĩ sa xuống và gây đau,

Điều trị trĩ như thế nào?

Khi bị trĩ, PGS Hùng khuyến cáo người dân không nên tự điều trị, đắp thuốc. Có trường hợp bệnh nhân đắp thuốc dẫn đến hoại tử vùng hậu môn, suy gan, suy tạng. Bác sĩ phải phẫu thuật đặt hậu môn nhân tạo cho người bệnh. Bệnh trĩ không gây chết người nhưng có thể chết vì biến chứng.

PGS Hùng cho biết trong điều trị chia 3 nhóm, điều trị nội khoa, thủ thuật và phẫu thuật. Trong đó, điều trị nội khoa là ưu tiên đầu tiên kể cả trĩ độ 1 hay độ 4.

Điều trị nội khoa: Chế độ dùng thuốc và ăn uống, có thể dùng uống trực tiếp tại chỗ, có hai loại bôi và đặt thuốc bên trong nó làm tăng thành mạch. Hiện nay thuốc điều trị trĩ khá tốt nên hiệu quả cao.

Trong chế độ vệ sinh ăn uống với bệnh nhân trĩ rất quan trọng. Pgs Hùng nhấn mạnh người bị trĩ nên quan niệm là đưa vào cơ thể chất xơ lượng rất nhiều. Người bệnh phải coi ăn rau là một liều thuốc cần thiết cho cơ thể, điều độ và lành mạnh. Ăn rau hàng ngày.

Chế độ sinh hoạt: Vận động, không ngồi nhiều kể cả có làm việc văn phòng cũng cần đứng dậy đi lại hít thở không khí trong lành khiến cơ thể thoải mái và bệnh trĩ cũng không gây phiền hà.

Vệ sinh tại chỗ vùng hậu môn, sau khi đại tiện xong nên rửa bằng nước mới sạch được.

Điều trị thủ thuật: Can thiệp thủ thuật nhẹ hơn mức độ phẫu thuật, búi trĩ sa xuống dùng chất tiêu xơ vào búi trĩ, sóng cao tần tạo ra phản ứng viêm và tạo ra sẹo xơ ở đó để nó giữ búi trĩ không bị sa xuống.

Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật trĩ là bất đắc dĩ nhưng đôi khi lại cứu cánh duy nhất cho người bệnh.

Với phẫu thuật can thiệp dành cho bệnh nhân nặng khoảng 10% bệnh nhân bị trĩ. So với thủ thuật phẫu thuật khả năng khỏi bệnh đến 90-95% nhưng nhược điểm phẫu thuật thường có biến chứng và di chứng.

Để phòng bệnh trĩ, PGS Hùng khuyên ăn nhiều rau đặc biệt là bệnh nhân có bệnh mãn tính.

Ngoài ra, việc vận động được ưu tiên, vận động để khỏe, một tuần phải có 3 ngày để vận động khoảng 30 phút, không nên ngồi lâu.

Theo K.Chi

Cùng chuyên mục
XEM