BVSC dự báo năm nay Chính phủ sẽ giảm vay nợ 34% so với năm 2016

03/08/2017 15:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ trong năm 2017 là 342.060 tỷ đồng, giảm 34% so với kế hoạch vay nợ ở năm trước đó.

Trong báo cáo cập nhật Ngân sách nhà nước và nợ công do CTCK Bảo Việt (BVSC) mới công bố, một thông tin khá quan trọng được chỉ ra là tổng kế hoạch vay nợ của Chính phủ trong năm 2017 là 342.060 tỷ đồng, giảm 34% so với kế hoạch vay nợ ở năm trước đó.

Mức sụt giảm này chủ yếu là do việc điều chỉnh giảm nhu cầu vay nợ để tài trợ thâm hụt trong cùng thời kỳ, theo dự toán, từ mức 245.000 tỷ đồng trong năm 2016 xuống 172.300 tỷ đồng trong năm 2017. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng điều chỉnh giảm đáng kể kế hoạch đi vay và cho vay lại trong năm 2017, giảm 40% do với hạn mức của năm trước đó. Các nhu cầu vay khác như trả nợ gốc (bao gồm đảo nợ) và tổng hạn mức bảo lãnh vẫn được duy trì mở mức ổn định so với năm trước đó.

BVSC cũng dự kiến năm nay việc phát hành trái phiếu đầu tư có thể không thực hiện do Chính phủ có kế hoạch thoái vốn 60.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp nhà nước. Dự kiến, số tiền này sẽ được sử dụng để chi cho đầu tư phát triển.


Nguồn: Quyết định 1011/QĐ-TTg và quyết định 583/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và hạn mức vay nợ năm 2016 và 2017; tính toán của BVSC.

Nguồn: Quyết định 1011/QĐ-TTg và quyết định 583/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và hạn mức vay nợ năm 2016 và 2017; tính toán của BVSC.

Ghi chú: Số liệu tổng nợ công tăng thêm được tính bằng tổng vay nợ của Chính phủ trừ số đảo nợ, trả nợ gốc và cộng tổng bảo lãnh. * Có thể bao gồm cả đảo nợ.

Theo kế hoạch vay nợ và bảo lãnh của Chính phủ trong năm 2017, tổng nợ công trong năm 2017 có thể tăng thêm 280.272 tỷ đồng, bằng 73% mức tăng ròng nợ công của năm trước đó. Mức nợ công tăng thêm này được tính toán bằng tổng vay nợ của Chính phủ, trừ đi phần đảo nợ, trả nợ gốc, và cộng với hạn mức bảo lãnh trong năm của Chính phủ. Mức tăng ròng nợ công này có thể được hiểu là mức tăng nợ công tối đa trong năm, trong điều kiện thu-chi ngân sách đạt kế hoạch.

Xét về nguồn vay nợ, trong năm 2017, Chính phủ vẫn chủ yếu thực hiện vay từ các nguồn trong nước, 243.300 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nhu cầu vay nợ. Tỷ lệ này là phù hợp với chủ trương đẩy mạnh vay trong nước trong bối cảnh chi phí vay vốn nước ngoài gia tăng.

Nếu trừ đi kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trong năm 2017 là 183.396 tỷ đồng, nhu cầu vay từ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và từ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là 59.904 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch huy động trong năm trước đó.

Nguồn: Quyết định 1011/QĐ-TTg và quyết định 583/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và hạn mức vay nợ năm 2016 và 2017; tính toán của BVSC.

BVSC cũng đưa ra 2 kịch bản vay nợ của Chính phủ trong năm 2017. Ở kịch bản 1, nhu cầu phát hành TPCP có thể tăng 11% so với kế hoạch đầu năm, lên mức 203.300 tỷ đồng. Kế hoạch vay SCIC có thể khó thành hiện thực khi tính đến cuối quý 2, SCIC mới thực hiện thoái vốn được 11.589 tỷ đồng – so với kế hoạch 60.000 tỷ của cả năm 2017. Trong trường hop SCIC không hoàn thành kế hoạch thoái vốn của cả năm, BVSC đưa ra kịch bản 1 là tổng nguồn vay từ BHXH và SCIC chỉ đạt 40.000 tỷ đồng trong năm, trong điều kiện là nguồn vay ODA giữ nguyên so với kế hoạch, 98.760 tỷ đồng.

Ở kịch bản 2, nhu cầu phát hành TPCP có thể tăng mạnh hơn, cao hơn 22% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm, lên mức 223.300 tỷ đồng. Ở kịch bản 2, BVSC giả định là nguồn vay từ BHXH và SCIC vẫn không đạt kế hoạch như ở kịch bản 1, trong khi nguồn vay ODA cũng bị sụt giảm 20% so với kế hoạch, xuống 78.760 tỷ đồng.

Nếu kế hoạch vay nợ của Chính phủ được thực hiện, nợ công được ước tính có thể tăng mạnh lên mức 65,5% GDP trong năm 2016, và dự báo giảm xuống mức 64,9% GDP trong năm 2017. Con số ước tính và dự báo này được tính toán theo mức nợ công được xác nhận của Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa 14 chiếm 61,8% GDP, tương đương với 2.589.429 tỷ đồng. Hai năm 2016 và 2017 có thể là năm bản lề trong việc điều chỉnh nợ công xuống dưới mức trần cho phép của Quốc hội, 65% GDP. Tuy nhiên, áp lực năng nợ công vượt trần vẫn hiện hữu do bội chi ngân sách trong hai năm này vẫn còn ở mức cao.

Việc cơ cấu lại nợ công được công ty chứng khoán này đánh giá có thể diễn ra mạnh mẽ trong năm 2017. Theo số liệu cập nhật về NSNN đến cuối quý 2, Chính phủ có thể dành 65.755 tỷ đồng để thực hiện trả nợ gốc trong năm (không bao gồm đảo nợ).

Như vậy, cộng với kế hoạch trả nợ lãi trong năm là 98.900 tỷ đồng, tổng số tiền dùng để trả nợ gốc và nợ lãi trong năm 2017 là 164.655 tỷ đồng, tăng 6,2% với với con số dự toán của năm 2016

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM