Bước tiến lịch sử của ngành y toàn cầu: Bác sĩ Mỹ ghép thành công tim lợn cho người

11/01/2022 11:52 AM | Sống

Trong nỗ lực cuối cùng để cứu mạng một bệnh nhân, các bác sĩ ở Maryland, Mỹ đã sử dụng tim lợn để ghép cho bệnh nhân và kết quả bước đầu đang khá khả quan.

Theo các bác sĩ, 3 ngày sau cuộc phẫu thuật lịch sử này, bệnh nhân đang diễn biến tốt. Dù còn quá sớm để biết ca phẫu thuật này có thực sự thành công hay không nhưng nó vẫn đánh dấu một bước tiến dài trong hành trình kéo dài hàng thập kỷ nhằm hướng tới một ngày nào đó, con người có thể sử dụng nội tạng động vật để thay thế các bộ phận bị hư hại.

Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland cho biết quả tim được cấy ghép lấy từ một con lợn biến đổi gen nhằm đảm bảo cơ thể người sẽ không đào thải nội tạng của nó ngay lập tức.

Bệnh nhân tham gia thử nghiệm là David Bennett, 57 tuổi. Dù không có gì đảm bảo thử nghiệm này sẽ thành công nhưng ông David biết mình chắc chắn khó có thể sống tiếp. Ông không đủ điều kiện để nhận tim từ những người hiến tạng. Gia đình họ hoàn toàn không có lựa chọn nào khác.

"Tôi sẽ chết hoặc thực hiện ca cấy ghép này. Tôi muốn sống. Tôi biết đó có thể là một lựa chọn đen tối nhưng đó là lựa chọn cuối cuối cùng của tôi", ông Bennett nói một ngày trước cuộc phẫu thuật.

Thực tế, nhu cầu ghép tạng là vô cùng lớn nhưng số lượng các bộ phận được hiến tặng lại rất ít. Các nhà khoa học đang phải cố tìm mọi cách để có nguồn tạng thay thế, bao gồm cả tạng động vật. Năm ngoái, chỉ có hơn 3.800 ca ghép tim ở Mỹ, một con số kỷ lục. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế lại nhiều hơn rất nhiều.

Bác sĩ Muhammad Mohiuddin, giám đốc chương trình ghép tạng động vật cho người của Trung tâm Y tế Đại học Maryland, cho biết: "Nếu cấy ghép thành công, chúng ta sẽ có nguồn cung nội tạng vô tận cho những bệnh nhân khốn khổ, nằm chờ có tạng thay thế hoặc sẽ chết".

Đây không phải lần đầu tiên người ta tìm cách dùng tạng động vật ghép cho người dù phương pháp này luôn phải đối mặt với những thách thức lớn. Tuy nhiên, tất cả các cố gắng trước đây đều thất bại, phần lớn là do cơ thể bệnh nhân nhanh chóng đào thải nội tạng động vật. Ca đáng chú ý nhất là vào năm 1984, một đứa trẻ sơ sinh sắp chết đã sống thêm được 21 ngày với trái tim của khỉ đầu chó.

Tuy nhiên, công nghệ có thể khắc phục được điều này. Các bác sĩ ở Maryland đã sử dụng quả tim từ một con lợn đã trải qua quá trình chỉnh sửa gen, giúp loại bỏ một loạt đường trong tế bào để ngăn cơ thể người ngay lập tức đào thải nội tạng của nó.

Hồi tháng 9 năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở New York đã thực hiện một thí nghiệm mà kết quả của nó cho thấy tiềm năng ghép tạng từ lợn sang người. Theo đó, các bác sĩ đã gắn một quả thận của lợn vào cơ thể một người đã qua đời và theo dõi nó hoạt động. Tuy nhiên, ca phẫu thuật ở Maryland đưa nỗ lực này lên "một tầm cao mới".

"Đây là bước đột phá thực sự đáng chú ý. Là một người được ghép tim, bản thân mắc chứng rối loạn tim di truyền, tôi rất vui vì tin này và hy vọng nó mang lại cho gia đình tôi và những bệnh nhân khác có hy vọng được cứu sống nhờ bước đột phá này", Bác sĩ Robert Montgomery, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu ở New York, nói.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM