Bùng nổ 'du lịch nhập vai' ở Trung Quốc: Khách tha hồ nói chuyện với 'Hoàng đế', hóa thân thành thám tử hay chiến binh cổ đại

09/03/2023 20:00 PM | Sống

Các hình thức du lịch kiểu mới đang trở thành trào lưu ở Trung Quốc, trở thành lựa chọn thay thế loại hình du lịch truyền thống.

Hóa trang thành một vị quan Trung Quốc cổ đại, học sinh cấp hai Xiong Changxin đảm nhận vai Kỷ Hiểu Lam, một vị quan chính trực nổi tiếng trong triều đại nhà Thanh (1644-1911). Theo hướng dẫn của đạo diễn, Xiong từ từ nói chuyện với "hoàng đế" khi máy quay bắt đầu quay.

"Lúc đầu cháu hơi lo lắng," Xiong nói với tờ Hoàn Cầu. "Cháu thấy rất vui, một trải nghiệm rất thú vị."

Xiong không phải là một diễn viên, mà là một khách du lịch đã tham gia một hoạt động diễn xuất vào cuối tuần qua tại phim trường Hoành Điếm - nơi thường được ví với Hollywood của Trung Quốc - ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Hoành Điếm cung cấp các dịch vụ trải nghiệm diễn xuất cho phép khách du lịch thử trang phục và đóng các cảnh trong các bộ phim truyền hình hoặc phim ăn khách.

Cậu thiếu niên này chỉ là một trong số rất nhiều khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người mong muốn tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ, có tính tương tác cao trong các kỳ nghỉ.

Bùng nổ "du lịch nhập vai" ở Trung Quốc: Khách tha hồ nói chuyện với "Hoàng đế", hóa thân thành thám tử hay chiến binh cổ đại - Ảnh 1.

Các nhà quan sát ngành du lịch cho biết, so với thế hệ lớn tuổi thường chỉ tới các danh lam thắng cảnh theo hướng dẫn viên du lịch, du khách trẻ tuổi thích chủ động hành động và họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để tham gia vào các trải nghiệm sáng tạo và nhập vai. Các dịch vụ trải nghiệm sáng tạo, nhập vai là một phương thức tiêu dùng văn hóa và du lịch mới, cũng như một xu hướng mới trong sự phát triển của ngành.

Chuyên gia quản lý du lịch Yang Yong, đồng thời là phó giám đốc trường Cao đẳng Kinh tế và Quản lý Đông Trung Quốc Đại học Sư phạm, chia sẻ với Hoàn Cầu:

"Việc giới trẻ Trung Quốc với kinh nghiệm du lịch phong phú ít quan tâm đến các kỳ nghỉ truyền thống là điều dễ hiểu. Nhu cầu đa dạng, cá nhân hóa cao của nhóm khách hàng này đang kích thích sự bùng nổ của các dịch vụ trải nghiệm nhập vai du lịch".

Ông Yang cho biết thêm, sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19 cũng tạo cơ hội cho sự phát triển của mô hình tiêu dùng mới này.

Hóa thân thành nhân vật

Trải nghiệm độc đáo mà Xiong được trải qua là một trong những dịch vụ phổ biến nhất của phim trường Hoành Điếm.

Khách du lịch quan tâm đến diễn xuất hoặc tò mò về cách quay các chương trình truyền hình hoặc phim có thể dùng thử dịch vụ miễn phí trong vài phút hoặc họ có thể chọn trả vài chục nhân dân tệ để mặc trang phục "xịn" hơn và được nhận video do chính các nhân viên chuyên nghiệp tại phim trường Hoành Điếm quay.

Giám đốc dịch vụ Zhang Yuzhu cho biết dịch vụ này rất phổ biến trong kỳ nghỉ Tết vào tháng 1, đến nỗi "đôi khi khách du lịch phải xếp hàng chờ để có trang phục".

Zhang Xiaoxia, người phụ trách các dự án quay phim nhỏ, cho biết Hoành Điếm bắt đầu cung cấp dịch vụ "quay phim mini" tương tự từ năm 2016, chủ yếu nhắm đến khách du lịch trẻ như sinh viên.

"Đối với sinh viên, chúng tôi cung cấp một số kịch bản giáo dục, với hy vọng họ có thể học được điều gì đó và hiểu rõ hơn về văn hóa Trung Quốc thông qua trải nghiệm," Zhang nói.

Tương tự như Hoành Điếm, nhiều điểm du lịch trên khắp Trung Quốc đã tung ra các dịch vụ trải nghiệm nhập vai như quay Vlog và trải nghiệm phá án giết người. Cụ thể, khách du lịch sẽ đóng vai thám tử để tìm kiếm manh mối ở toàn bộ địa điểm và sau đó thu thập chúng lại để phá một vụ án giết người. Hoàn Cầu cho biết một trải nghiệm như vậy có thể kéo dài từ vài giờ đến ba ngày.

Chiến binh Sparta

Đối với những người đam mê thể thao, những trải nghiệm nhập vai cũng có thể khiến kỳ nghỉ của họ trở nên thú vị hơn.

Gu Shouxuan, một nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh, cho biết anh dự định về vùng nông thôn để kiểm tra giới hạn thể lực của mình.

Bùng nổ "du lịch nhập vai" ở Trung Quốc: Khách tha hồ nói chuyện với "Hoàng đế", hóa thân thành thám tử hay chiến binh cổ đại - Ảnh 2.

"Thực hiện các động tác vắt kiệt sức có thể giúp tôi tập trung và cũng có thể giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn về thể chất", anh Gu nói. "Thật tuyệt khi đặt những lo lắng của tôi sang một bên."

Gu đang lên kế hoạch tới Chongli ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc để tham gia cuộc đua việt dã cho "Chiến binh Sparta".

Cuộc đua này được thiết kế để những người tham gia vượt qua các chướng ngại vật khi mang vật nặng hoặc vượt qua các rào cản thông qua việc hợp tác với những người chơi khác. Gu tin rằng hoạt động nặng sẽ giúp phát triển tinh thần đồng đội.

"Sự kiện này buộc tôi phải nói chuyện với những người xa lạ và cùng nhau vượt qua những trở ngại, điều mà tôi nghĩ là có lợi cho công việc", anh nói.

Sự kiện cuối cùng của cuộc đua Sparta ở Trung Quốc được tổ chức ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc vào tháng 11/2022. Do các hạn chế đi lại ở quốc gia này đã được nới lỏng nên số lượng người tham gia dự kiến sẽ tăng thêm trong năm nay.

Cuộc đua Sparta, có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, được sử dụng để huấn luyện và kiểm tra các chiến binh Sparta mạnh mẽ - những người nổi tiếng với lòng dũng cảm và sức chịu đựng của họ.

Phiên bản hiện đại của cuộc đua Sparta đã được công ty tiếp thị thể thao SECA có trụ sở tại Thượng Hải giới thiệu đến Trung Quốc vào năm 2016.

Bắn cung, một môn thể thao tương tự như bắn súng sơn nhưng bằng cung tên, là một môn thể thao khác mà một số nhóm du lịch thích tổ chức cho các thành viên trẻ trong các chuyến đi. Nhiều công ty du lịch ở các thành phố như Thâm Quyến và Huệ Châu đã thêm môn thể thao mới này vào các chuyến đi mà họ lên kế hoạch cho khách hàng.

Với sự phát triển của metaverse, các chuyên gia dự đoán rằng nhiều công nghệ liên quan đến AR và VR sẽ được sử dụng trong tương lai gần để mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn hơn nữa.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM