Bức tranh 'Chân dung Madam Phương' của họa sĩ người Việt đạt kỷ lục 3,1 triệu USD

19/04/2021 09:10 AM | Kinh doanh

Bức tranh "Chân dung Madam Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD - kỷ lục tranh Việt - trong phiên đấu giá chiều 18/4 tại Hong Kong.

Ngày 18/4/2021 tại phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của nhà đấu giá Sotheby’s ở Hong Kong (Trung Quốc), bức Chân dung cô Phương của danh họa Mai Trung Thứ đã được đánh giá rất cao từ những nhà sưu tầm.

Ban đầu giá dự kiến cho bức tranh này vào khoảng dưới 10 triệu HKD. Tuy nhiên sau phiên trả giá khá căng thẳng, Chân dung Madam Phương đã được các nhà sưu tập đẩy lên cao và dừng ở con số 24.375.000 HKD (khoảng hơn 3,1 triệu USD), gấp hơn 2,5 lần so với giá dự kiến.

Nếu quy ra tiền Việt, bức tranh được đấu giá ở mức 72 tỷ đồng, mức giá cao kỷ lục trả cho một tác phẩm được thực hiện bởi một họa sĩ người Việt. Mức giá này vượt xa kỷ lục 1,4 triệu USD được trả trước đó cho bức Khỏa thân của Lê Phổ .

Theo Sotheby’s, Chân dung Madam Phương là bức tranh hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Nhà đấu giá mô tả bức tranh gói gọn tình cảm của Mai Trung Thứ dành cho Phương - được cho là người tình của ông.

Bức tranh Chân dung Madam Phương của họa sĩ người Việt đạt kỷ lục 3,1 triệu USD  - Ảnh 1.

Tác phẩm đã từng xuất hiện trong một số phân cảnh của bộ phim từng được đề cử tại giải Oscar - "Mùi đu đủ xanh" (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Khi tác phẩm được đem trưng bày tại Paris (Pháp) hồi năm 1931, tác phẩm đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà sưu tầm và sớm được hỏi mua.

Chân dung Madam Phương được xem là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của họa sĩ Mai Trung Thứ. Đây là tác phẩm có kích thước lớn nhất mà ông từng thực hiện trong sự nghiệp của mình và là một dấu ấn đậm nét trên con đường sáng tác hội họa của ông. Thời điểm thực hiện tác phẩm sơn dầu này (năm 1930) là khi ông đang chuẩn bị cho việc tốt nghiệp tại trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội.

Tác phẩm trưng bày lần đầu tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và Triển lãm Quốc tế Thuộc địa tại Paris từ ngày 6/5 đến 15/11/1931. Sau đó, bà Dothi Dumonteil (người Pháp gốc Việt) và chồng Pierre Dumonteil - nhà sưu tập nghệ thuật - là người sở hữu tác phẩm, đưa bức tranh vào bộ sưu tập "Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection".

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM