Brexit gặp khó, Anh muốn lật lại thỏa thuận chia tay với EU

14/09/2020 08:37 AM | Xã hội

Mọi nỗ lực, mọi thành quả đàm phán giữa hai bên trong gần 4 năm qua đang đứng trước nguy cơ “trôi sông đổ biển”.

Anh mới đây chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) phải chịu trách nhiệm về tình trạng bế tắc hiện nay trong quan hệ hai bên, đồng thời cảnh báo lật lại các điều khoản của thỏa thuận chia tay. Điều này một lần nữa cho thấy, sóng gió vẫn không ngừng bủa vây tiến trình đàm phán vốn đã khó khăn giữa Anh và Liên minh châu Âu về các mối quan hệ tương lai hậu Brexit dù đã bước vào giai đoạn nước rút. Mọi nỗ lực, mọi thành quả đàm phán giữa hai bên trong gần 4 năm qua đang đứng trước nguy cơ “trôi sông đổ biển”.

Trong một phát biểu ngày 12/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, Liên minh châu Âu là “nguồn cơn” của cuộc tranh cãi đã phủ bóng lên vòng đàm phán thứ 8 vừa kết thúc hôm 10/9 vừa qua và thậm chí là cả vòng đàm phán tiếp theo dự kiến trong tuần tới.

Tranh cãi nổ ra giữa hai bên sau khi Chính phủ Anh hồi giữa tuần trình lên Hạ viện một dự luật có thể nói là đi ngược lại với thỏa thuận Brexit đã ký với Liên minh châu Âu hồi năm ngoái. Dù thừa nhận dự luật này có thể vi phạm luật pháp quốc tế, song theo Chính phủ Anh, nước này buộc phải thực hiện một bước đi như vậy. Bởi chỉ cần Anh không chấp nhận các điều kiện của Liên minh châu Âu, thì khối này có thể viện tới “một cách diễn giải thiên lệch” để áp đặt biên giới thương mại giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh.

Bộ trưởng Nội các Anh Michel Gove nhấn mạnh: “Đã có một số người lập luận rằng dư luật này là một nỗ lực hòng phá bỏ thỏa thuận chia tay hay trốn tránh việc thực hiện các kết. Điều này là hoàn toàn không đúng. Chính phủ Anh đã chi hàng trăm triệu bảng Anh để chuẩn bị cho các doanh nghiệp Bắc Ireland một khi rời khỏi Liên minh châu Âu. Chúng tôi quyết tâm làm điều đó vì chúng tôi hoàn toàn nghiêm túc về việc thực hiện các cam kết. Nhưng chúng tôi muốn được đảm bảo rằng các điều khoản được thực hiện trên cơ sở tôn trọng thực tế rằng Bắc Ireland là một phần không thể tách rời của Vương quốc Anh.”

Vấn đề Bắc Ireland từ lâu đã là một trong những điểm nghẽn trong tiến trình đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu, kể cả liên quan đến thỏa thuận chia tay hay hiện nay là mối quan hệ giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit. Anh lo ngại nguy cơ phải tái áp đặt “đường biên giới cứng” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland, vốn đã phải trải qua 3 thập kỷ đẫm máu trước khi ký thỏa thuận hòa bình Ngày Thứ 6 tốt lành năm 1998.

Văn kiện cuối cùng được ký hồi cuối năm ngoái quy định, Bắc Ireland trong 4 năm tới vẫn sẽ phải tuân thủ một số quy định của Liên minh châu Âu, đặc biệt là về thương mại. Tuy nhiên, với dự luật mà Chính phủ Anh trình lên hồi giữa tuần và dự kiến sẽ được Hạ viện xem xét ngay trong tuần tới, Anh có thể đơn phương đưa ra các quyết định về thương mại, hoàn toàn đi ngược lại với những gì đã được nhất trí ban đầu.

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Liên minh châu Âu khẳng định sẽ kiện Anh nếu nước này không rút lại những sửa đổi từ nay đến cuối tháng 9.

Nhà đàm phán hàng đầu Liên minh châu Âu Michel Barnier tuyên bố: “Chúng tôi đã nói rất rõ về lập trường của mình đối với Thỏa thuận chia tay, coi đây như cơ sở cho mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Anh, cho việc Anh rời Liên minh châu Âu cũng như những vấn đề liên quan tới Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland”.

Các nhà lãnh đạo tại Nghi viện châu Âu tối 11/09 cảnh báo sẽ phủ quyết mọi thỏa thuận thương mại nếu Anh không giữ lời, trong khi Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tuyên bố, kịch bản về một Brexit không thỏa thuận sẽ chỉ gây bất lợi cho nền kinh tế Anh, chứ không phải là Liên minh châu Âu.

Ngay trong chính nước Anh, bước đi của Thủ tướng Boris Johnson đã vấp phải những ý kiến trái triều, thậm chí là ngay trong chính nội bộ đảng Bảo thủ. Nhiều nghị sĩ “nổi loạn” trong đảng cầm quyền mới đây cảnh báo sẽ không bỏ phiếu thông qua dự luật của Chính phủ và lo ngại bước đi của Thủ tướng Boris Johnson có thể làm lung lay lòng tin quốc tế đối với nước Anh trong việc tuân thủ các quy định quốc tế. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Tony Blair và John Major, những người từng dẫn dắt nước Anh trong các cuộc đàm phàn hòa bình những năm 1990 cho rằng, hành động của Chính phủ không những không bảo vệ, mà thậm chí còn gây nguy hiểm cho thỏa thuận Ngày thứ 6 tốt lành trên đảo Ireland./.

Thu Hoài

Cùng chuyên mục
XEM