Brand Finance: Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới năm Covid-19
Báo cáo Thương hiệu Quốc gia Nation Brand của Brand Finance đã nâng hạng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lên tới 9 bậc trong năm 2020.
Brand Finance nhận định, bất chấp xu hướng giảm giá trị thương hiệu quốc gia trên toàn cầu, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng giá trị tới 29% lên 319 tỷ USD - một con số ấn tượng. Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc so với năm trước lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới do Brand Finance xếp hạng.
Mọi quốc gia đều hướng tới mục tiêu gia tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ thông qua hình ảnh thương hiệu của quốc gia. Một số quốc gia sử dụng các chiến dịch quảng cáo du lịch, một số quốc gia khác lại dựa vào chiến dịch FDI hay các sự kiện toàn cầu như Thế vận hội. Thông thường, thương hiệu quốc gia thường phát huy được tốt nhất lợi thế trong bối cảnh thu hút khách quốc tế, xuất khẩu tại chỗ.
Hiện tại thì sao, khi hoạt động xuất khẩu tại chỗ của các quốc gia gần như bị ngưng trệ hoàn toàn? Chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài dựa vào xuất khẩu thông thường.
Trên thị trường quốc tế, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn sản phẩm từ các quốc gia khác nhau. Họ đòi hỏi nhiều thông tin đáng cậy hơn về sản phẩm, trong đó có nơi xuất xứ. Vì thế, một trong các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu là tạo ra những thương hiệu quốc gia mạnh mẽ.
Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương ví dụ, với những nỗ lực của chương trình thương hiệu quốc gia “Vietnam Value”, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã thu về tới 17 tỷ USD. Ngành công nghiệp may mặc cũng tạo ra tới 22 tỷ USD. Những kết quả này vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng chung của Việt Nam. Và điều đó chỉ xảy ra khi Chính phủ Việt Nam tập trung nỗ lực.
"Quản lý tốt thương hiệu quốc gia là chìa khóa thành công của các sản phẩm quốc gia. Làm tốt điều đó có thể mang lại lợi ích to lớn cho đất nước" - ông Samir Dixit nhận định.
Brand Finance đánh giá, đây là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam - những quốc gia đã xử lý tốt cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế - xây dựng quyền lực mềm của mình trong lĩnh vực này. Việt Nam xếp thứ 57 về hạng mục "kinh tế mạnh mẽ và ổn định", hiện là một trong số ít các quốc gia được IMF dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020.