Bỏng gậy - Món quà quê dân dã của người Việt lại gây thích thú trên blog ẩm thực nước ngoài

15/01/2017 09:50 AM | Sống

Một món ăn dân dã vùng nông thôn, nhưng khi lên sóng blog ẩm thực Mỹ, bỏng gạo lại khiến khá nhiều bạn bè Quốc tế thích thú. Song ở Hà Nội, cái tên bỏng gạo có vẻ lại khá trầm lắng.

Món quà quê giá rẻ hút người xem trên blog ẩm thực nước ngoài

Mới đây, Raw Street Capture 101 - một kênh ẩm thực online nổi tiếng tại Mỹ đã đăng tải đoạn video giới thiệu một món ăn dân dã rất được yêu thích tại Việt Nam, đó là bỏng gạo. Theo chủ blog, bỏng gạo là món ăn rất phổ biến với những đứa trẻ ở vùng nông thôn. Vì rất khó để có thể dịch tên món ăn này sang tiếng Anh nên vị blogger đã gọi món ăn này với cái tên rất dễ thương - Kẹo gạo dài 100 bước chân.

"Đó là "Gậy" (Thật khó để dịch từ này sang tiếng Anh vì nó là từ địa phương). Thành phần của nó phụ thuộc vào sở thích của mỗi người. Gạo và đường là những nguyên liệu chính. Bạn cũng có thể thêm ngô, lạc, đậu hay mì. Chỉ cần 1 - 2kg gạo, bạn sẽ có một túi "Gậy" to để ăn", chủ blog Raw Street Capture 101 giới thiệu.

Ngoài thành phần của món ăn đặc sắc này, chủ blog Raw Street Capture 101 còn chia sẻ "Mọi người thường nói đùa rằng nếu những đứa trẻ không biết đến "Gậy" thì đó không phải là người trong làng. Ăn "Gậy" khi trời lạnh sẽ càng ngon hơn. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều nếu không bạn sẽ rất khát nước", chủ Blog hóm hỉnh.

Bỏng gạo được nổ ngay tên vỉa hè phố Lê Văn Lương (Hà Nội).

Mỗi túi bỏng như thế này, giá bán chỉ 10.000 đồng.

Gạo trắng lẫn gạo lứt kết hợp để tạo màu cho bỏng gạo.

Món ăn vặt được blog ẩm thực nước ngoài gọi tên là "kẹo gạo dài 100 bước chân".

Ngay sau khi đăng tải trên youtube, đoạn clip dài gần 6 phút này đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều người với gần 250.000 lượt view và hàng trăm bình luận. Đa số mọi người đều tỏ ra khá lạ lẫm, tò mò với món ăn làm từ gạo được chế biến theo cách "độc đáo" này ở Việt Nam.

"Món này ăn như thế nào vậy?", nickname DJA thắc mắc. "Nó quá thẳng, hóa ra người ta có cách kết dính những hạt gạo hay ho như vậy", nickname WA chia sẻ.

"Gậy" - món ăn ngon nhưng không phải người Hà Nội nào cũng biết

Trở lại Việt Nam, bỏng gạo là một món ăn khá dân dã, gắn liền với tuổi thơ của 8X, 9X đời đầu. Tuy nổi tiếng ở vùng ngôn thôn nhưng ở thành thị, không phải ai cũng biết tới bỏng gạo.

Mấy năm gần đây, một số người từ quê lên Hà Nội đã đem theo nghề nổ bỏng gạo mưu sinh. Trên trục đường Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển hoặc ven KĐT Linh Đàm, bạn có thể tìm thấy một vài hộ gia đình nổ bỏng gạo ở vỉa hè. Giá một túi bỏng rất rẻ, chỉ 10.000 đồng. Bạn có thể lựa chọn loại bỏng nổ từ gạo lứt hoặc bỏng có pha thêm dừa khô, lạc, đậu xanh, mì tôm. Mỗi loại đều có một hương vị riêng biệt, ăn thơm, giòn tan và vui miệng.

Ở Hà Nội, bạn chỉ cần tấp xe vào vỉa hè là mua ngay được một gói bỏng ăn chơi.

Bạn có thể ngồi lại để chọn túi bỏng mình yêu thích.

Hoặc dừng xe ăn thử trước khi mua.

Để hút khách, những người bán bỏng sẽ rất hào phóng mời bạn ăn thử vài que.

Một túi bỏng thường khá nhiều nên đủ cho bạn ăn đến no cả bụng. Tuy nhiên, món ăn này lại gây khát nước và nhanh chán.

Chị Phương, một người nổ bỏng gạo trên phố Lê Văn Lương chia sẻ, trước đây khi mới làm nghề, món ăn này lạ miệng nên rất đắt hàng. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị tiêu thụ hết 1 tạ gạo, thu lãi 1 triệu đồng.

"Tuy nhiên hiện nay nhiều gia đình khác cũng làm theo nên gia đình mình mở hàng từ 4h chiều đến 9h tối mới nghỉ mà chỉ thu lãi khoảng 200.000 đồng, số lượng gạo tiêu thụ cũng giảm mạnh".

Vì không phải ai cũng biết đến những hàng bỏng này cũng có nhiều lúc vắng tanh.

Dù đã tối muộn, nhiều hàng vẫn còn rất nhiều bỏng chưa bán hết.

Tương tự, anh Thanh (một người nổ bỏng khác trên phố Nguyễn Xiển) cũng chia sẻ: "Bỏng gạo rất được yêu thích ở nông thôn nhưng ở Hà Nội không phải ai cũng biết. Khách của nhà mình chủ yếu là người từ quê ra, hoài niệm món quà cũ của tuổi thơ".

Theo anh Thanh, ở quê, gạo và đường là những nguyên liệu rất sẵn có. Các gia đình đều làm nông nghiệp nên nghề xay xát thịnh hành. Gia đình nào làm hàng sáo, chuyên sát gạo đều làm thêm nghề nổ bỏng gạo. Cuối tuần, trẻ nhỏ, người lớn đều náo nức tụ tập nổ ít bỏng gạo về ăn cho vui miệng thay thế các loại quà vặt khác. Bỏng gạo tuy nhạt vị hơn bánh kẹo, bim bim nhưng món ăn này lại làm từ gạo và đường - những nguyên liệu an toàn, không dính dáng đến dầu mỡ nên rất tốt cho sức khỏe.

Bỏng gạo mới nổ xong sẽ rất nóng nên khi cắt nhỏ nó, người bán phải đeo găng tay khá dày.

Món ăn này hấp dẫn nhất ở độ giòn nên vừa nổ xong là phải bọc kín vào túi nilon.

Nếu chưa kịp phân thành từng túi nhỏ để bán, họ sẽ cho tất cả vào các túi nilon cỡ lớn.

"Nhưng ở TP hình như trẻ nhỏ có nhiều loại quà bánh hơn nên gia đình mình chỉ bán chạy hàng vào thời gian đầu mới mở còn bây giờ thì chững lại và chỉ tạm đủ sống".

Anh Thanh cho biết, phản hồi về bỏng gạo từ khách hàng rất khác nhau. Nhiều người đến mua một lần rồi không thấy quay lại, số khác lại rất thích và tấm tắc khen ngon. "Nhiều người cũng ăn bỏng gạo ở quê họ và khi mua của mình, họ bảo không thấy giống, không tìm được ký ức còn một số người Hà Nội chưa thử lần nào thì lại thấy lạ lẫm".

Nghề nổ bỏng gạo ở Hà Nội cũng khá bấp bênh và vất vả. Do bỏng nóng nên nhiều lần, anh Thanh và chị Phương bị bỏng. Đồng thời công việc ngồi liên tục nhiều giờ đồng hồ làm họ cảm thấy khá mệt mỏi.

Raw Street Capture 101 là một kênh ẩm thực online khá nổi tiếng, được ra đời từ ngày 18/9/2015 và cho tới nay đã có hơn 17.000 người đăng ký theo dõi.

Raw Street Capture 101 là nơi để mọi người có thể khám phá và tìm hiểu các món ăn đường phố vô cùng đặc sắc, độc đáo nhưng có giá thành hấp dẫn ở Việt Nam.

Ngoài các món ăn đường phố Việt Nam, Raw Street Capture 101 còn giới thiệu hàng chục nghìn món ăn đường phố khắp mọi nơi, đến từ các thiên đường ẩm thực như Thái Lan, Ấn độ, Anh, Pháp.

Chủ blog Raw Street Capture 101 cho biết hiện nay có rất nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Mỹ, cũng có rất nhiều nhà hàng Việt Nam ở đây. Bởi vậy, có lẽ mọi người sẽ có thể tìm thấy món ăn này ở đâu đó trên đất Mỹ.

Theo Thu Hường, Trang Đỗ - Ảnh: Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM