Bồn cầu kiểu Nhật 'cháy hàng' vì virus corona

06/05/2020 14:18 PM | Kinh doanh

Nhu cầu thiết bị vệ sinh tại Nhật tăng cao khi các nhà thầu đẩy mạnh đặt hàng trước lo ngại gián đoạn nguồn cung.Không chỉ tại Nhật, người tiêu dùng khắp thế giới cũng tìm kiếm các sản phẩm có tiêu chuẩn vệ sinh cao hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

Những tuần sau khi virus corona bùng phát, Nhật Bản chứng kiến từng đợt mua sắm "hoảng loạn" đối với 2 mặt hàng là giấy vệ sinh và bồn vệ sinh, khi các nhà buôn cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung mặt hàng quý giá này.

Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu và sự thiếu hụt đột ngột của bồn vệ sinh trên khắp nước Nhật từ khoảng giữa tháng 3 là hệ quả của cuộc đua giữa các nhà thầu xây dựng nhằm giành ưu thế về thiết bị trước các đối thủ khác trong bối cảnh các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa và các chuỗi cung ứng dừng hoạt động. Các nhà thầu đều lo không thể hoàn thành công trình nếu không đảm bảo được nguồn cung thiết bị thiết yếu.

Theo ông Kinya Seto, Giám đốc điều hành hãng sản xuất thiết bị xây dựng và nhà tắm Lixil, vào lúc cao điểm, một số khách hàng đã đặt số lượng gấp 10 lần so với những gì họ thực sự cần - một chiến thuật thúc đẩy đối thủ của họ đáp trả với các đơn hàng còn lớn hơn thế.

“Khi nhận ra sự thiếu hụt, nhiều khách hàng bắt đầu đặt hàng. Họ đặt 100 bồn vệ sinh, và sau đó là 400 bồn”, ông chia sẻ trong một buổi phỏng vấn. “Không phân biệt đó là giấy vệ sinh hay mặt nạ, mọi thứ đều diễn ra tương tự. Mọi người bắt đầu đặt những đơn hàng lớn hơn”.

Tháng 3 là thường là thời điểm bận rộn nhất cho các nhà sản suất sản phẩm vệ sinh tại Nhật Bản. Bởi đây là thời gian mọi người chuyển nhà, bắt đầu một năm tài chính, một năm học mới. Theo dữ liệu từ chính phủ Nhật, khoảng 80% hộ gia đình nước này dùng bồn vệ sinh “thông minh” chất lượng cao với bệ ngồi tự làm ấm, vòi xịt tự động, tạo ra một thị trường nội địa trị giá 790 triệu USD.

Nhưng trong năm nay, nhu cầu đặc biệt tăng vọt khi Toto, nhà sản xuất bồn cầu lớn nhất Nhật Bản với 7 nhà máy trên khắp Trung Quốc, trở thành công ty đầu tiên cho thấy nguy cơ chậm trễ giao hàng vào giữa tháng 2. Điều này đã khiến một số nhà bán buôn đặt các đơn hàng lớn hơn để đảm bảo có được số hàng tồn kho còn lại.

Sự quan tâm toàn cầu đối với bồn vệ sinh thông minh Nhật Bản, vốn không quá phổ biến ở phương Tây, cũng đã tăng lên trong kỷ nguyên virus corona, khi người tiêu dùng khắp thế giới tìm kiếm những tiêu chuẩn cao hơn trong việc đảm bảo vệ sinh.

Khi các nhà máy của Toto đóng cửa, nhiều khách hàng đã chuyển hướng sang Lixil, công ty với các nhà máy khác ở châu Á và có lượng hàng tồn kho hiện phần nào bù đắp được sự gián đoạn của nguồn cung tại Trung Quốc. Nhưng dù Lixil đã tăng công suất lên 10%, rồi 20%, họ cũng đã phải dừng nhận đơn hàng tháng 2 đến cuối tháng 3 vì sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu.

Toto cho biết nhu cầu bồn vệ sinh đặc biệt của hãng đặc biệt tăng mạnh từ trước sự bùng nổ của Covid-19 do sự ra mắt của sản phẩm mới và họ không thể xác định được những đơn hàng này có liên quan đến virus corona hay không.

Ông Seto nhận thức rằng sự bùng nổ của virus corona chỉ là một hiện tượng nhất thời. “Khi Toto trở lại, tất cả những đơn hàng sẽ bốc hơi. Đó là khi nhiều nhà sản xuất mắc lỗi. Mọi người thường có xu hướng dự đoán điều gì đó sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng điều đó sẽ không xảy ra”, ông nói.

Toto đã nối lại sản xuất tại Trung Quốc nhưng năng suất vẫn chưa hoàn toàn phục hồi do sự sụt giảm nhu cầu.

Vào tuần trước, công ty này công bố mức lợi nhuận giảm 82% trong quý đầu tiên năm 2020. Cùng lúc đó, Lixil trì hoãn công bố báo cáo kết quả kinh doanh, dù thông báo mức giảm giao hàng trung bình 30%.

Theo Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM