Bộ Y tế yêu cầu không phun khử khuẩn ngoài trời, không phun hóa chất vào người vì kém hiệu quả, độc hại

02/08/2021 15:14 PM | Xã hội

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, một số địa phương đã áp dụng biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại khu vực công cộng để phòng chống dịch; một số cơ quan, công sở đã lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất vào người đứng trong buồng, phun hóa chất khử khuẩn vào người đi cách ly.

Bộ Y tế nếu quan điểm, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa virus SARS-CoV-2, việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo do kém hiệu quả, ảnh hưởng sức khỏe người phun và xung quanh khu vực phun, lãng phí hóa chất phòng chống dịch và có thể gây hại môi trường.

Bộ Y tế cũng cho biết WHO và CDC Hoa Kỳ khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất kỳ tình huống nào, do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành không thực hiện phun hóa chất khử khuẩn ngoài trời, không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất kỳ tình huống nào, gồm cả biện pháp phun hóa chất trực tiếp và sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất.

Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp, khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn tại Công văn số 156/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho hay, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 tồn tại chủ yếu trong đường hô hấp của người bệnh. Virus được thoát ra khi ho, khạc, nói chuyện, hắt hơi chứ không tồn tại trong không khí ngoài đường phố.

Việc phun hóa chất trên diện rộng không có tác dụng phòng Covid-19, mà ngược lại hủy hoại môi trường sống.

"Hóa chất diệt khuẩn chỉ dùng để sát trùng bề mặt trong một diện hẹp như: Sàn bệnh viện, phòng bệnh nhân, bàn phẫu thuật, vô trùng dụng cụ y khoa... chứ không nên phun khắp nơi trên diện rộng như cách làm của nhiều địa phương trong suốt thời gian qua. 

Loại hóa chất độc hại này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, người già, người bị dị ứng. Bên cạnh đó, hóa chất làm ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm không khí và nó tồn tại lâu dài trong môi trường" – PGS.TS Nguyễn Huy Nga nêu quan điểm

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khẳng định: "Bộ Y tế không hướng dẫn phun khử khuẩn ngoài đường phố để phòng chống dịch Covid-19!".

Cụ thể, công văn số 1560/BYT-MT hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường thì chỉ yêu cầu khử khuẩn khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng như sau:

- Trong nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân Covid-19;

- Khu vực liền kề xung quanh nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân, gồm: Tường bên ngoài của nhà/phòng ở/căn hộ của bệnh nhân và các căn hộ/phòng liền kề; Hàng lang, lối đi chung, cầu thang, thang máy, sảnh chờ... đối với nhà chung cư, tập thể, kí túc xá, khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ, cơ sở cách ly tập trung; Tường, sân vườn, vỉa hè, đường đi, lối đi chung… đối với nhà riêng liền kề xung quanh.

Cùng ngày hôm nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng ký quyết định thành lập Tổ công tác điều phối máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 trên toàn quốc.

Theo văn bản của Bộ Y tế, Tổ điều phối sẽ do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn làm tổ trưởng. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh giữ chức vụ tổ phó.

Nhiệm vụ của Tổ điều phối bao gồm:

- Rà soát thực trạng, cập nhật số lượng, chủng loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC tại các bệnh viện, cở sở y tế trên toàn quốc.

- Tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC theo diễn biến dịch bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế.

- Điều phối (kể cả trưng dụng từ các cơ sở y tế) các loại máy thở, máy thở oxy dòng cao HFNC để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19.

- Phối hợp với các bệnh viện, sở y tế và những đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Đồng thời, Tổ điều phối cũng cần phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác điều phối oxy y tế của Bộ Y tế để cập nhật, điều phối các thiết bị sử dụng trong cũng cấp oxy.

- Chỉ đạo, tổ chức tập huấn, quản lý máy thở được điều động nhằm sử dụng hiệu quả tại các đơn vị.

- Kiểm tra việc sử dụng máy thở, báo cáo tiến độ, tình hình triển khai của các đơn vị.

Như vậy, Tổ công tác này sẽ có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại máy thở và điều phối cho các cơ sở y tế.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM