Bộ Y tế hướng dẫn xử lý F0, F1 tại trường học

17/02/2022 16:17 PM | Xã hội

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 kết nối các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Hướng dẫn xử lý F0 , F1 tại cơ sở giáo dục

Trao đổi tại tập huấn, TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) chia sẻ, thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0. Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.

Tại hội nghị tập huấn, ông đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể cơ sở giáo dục xử lý trường hợp mắc, nghi mắc COVID-19.

Nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh nghi mắc COVID-19, TS Dương Chí Nam hướng dẫn nhà trường cần thông báo cho Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh, đồng thời thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời.

Học sinh nghi mắc COVID-19 sẽ di chuyển theo lối đi đã được phân luồng để đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng. Sau đó, nhà trường khai thác các tiền sử tiếp xúc của học sinh này, thông báo phụ huynh và tham vấn ý kiến y tế địa phương.

Học sinh nghi mắc COVID-19 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Trường hợp phát hiện ca mắc COVID-19 ngay trong trường, thầy cô cần chuyển em này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ngay lập tức cùng xử lý.

Ông Nam lưu ý tất cả cơ sở giáo dục cần phải trao đổi, liên hệ thường xuyên với trạm y tế cấp xã/phường và cơ sở y tế để khi có tình huống phát sinh có thể được hỗ trợ nhanh.

Đối với lớp có F0, tất cả học sinh ngồi tại chỗ, tổ chức xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Toàn bộ học sinh của lớp được test kháng nguyên nhanh, mẫu gộp. Sau đó, trường cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ phòng học.

Những học sinh không phải là F1, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường.

Bộ Y tế hướng dẫn xử lý F0, F1 tại trường học - Ảnh 1.

Hội nghị tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Trường hợp học sinh được xác định là F1, các em được ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính, các em được đi học trở lại.

Học sinh F1 chưa được tiêm vaccine cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13. "Về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GDĐT. Có thể, chúng tôi điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả đối tượng học sinh F1, kể cả đã tiêm vaccine hay chưa", TS Dương Chí Nam nói thêm.

Đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng để học sinh quay trở lại trường học an toàn

Trao đổi tại hội nghị, PGS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ dưới 18 tuổi của Việt Nam hiện nay là 19,2%. Tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42%. Thứ trưởng đánh giá ở trẻ em, tỷ lệ mắc thấp nhưng vẫn có những trường hợp tử vong và biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Thứ trưởng nhấn mạnh, khi các trường học mở cửa trở lại, việc bảo đảm an toàn dịch bệnh ở trường học cho trẻ là rất quan trọng. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sắp xếp nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng dịch.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, nếu không có các kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho trẻ để các em quay trở lại trường học an toàn.

Về phía ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, ngành sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các trường xử trí tình huống xảy ra khi học sinh trở lại học tập trung, không để bị động, lúng túng, bất ngờ; đồng thời, phối hợp các cơ sở y tế trên địa bàn để xử lý, chăm sóc học sinh F0, F1.

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 15/2, toàn quốc ghi nhận hơn 2.570.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 490.000 là trẻ em dưới 18 tuổi (chiếm 19,2%). Trong tổng số trẻ mắc COVID-19, độ tuổi từ 13-17 (chiếm 4,8%); từ 6-12 tuổi (chiếm 8%); từ 3-5 tuổi (chiếm 2,8%) và từ 0-2 tuổi (chiếm 3,6%).

Toàn quốc cũng đã ghi nhận 39.432 ca mắc COVID-19 tử vong (chiếm 1,5%), trong đó có 165 ca là trẻ em (chiếm 0,42% so với tử vong chung). Trong số các trẻ tử vong, độ tuổi từ 13-17 (chiếm 0,11%), trẻ từ 6-12 tuổi (chiếm 0,1%) và từ 0-2 tuổi (chiếm 0,18%).

Theo P.V

Cùng chuyên mục
XEM