Bộ xương lạ ở lăng Càn Long hé lộ sự thật về Hương phi: Hậu thế đều nhầm về điều này

01/04/2019 21:06 PM | Sống

Chỉ đến khi bộ xương lạ được tìm thấy trong khuôn viên lăng tẩm của Càn Long, hậu thế mới biết được sự thật Hương phi - nhân vật tưởng chừng như chỉ tồn tại trong các giai thoại, truyền thuyết.

Trong số hàng ngũ phi tần thuộc hậu cung của Càn Long Hoàng đế, có một nhân vật tuy không có thật nhưng lại vô cùng nổi tiếng. Người này chính là Hương phi - vị phi tử gắn liền với nhiều giai thoại từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với hậu thế.

Hương phi vốn là một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Trong nhiều dị bản, bà được hư cấu trở thành thê thiếp bên cạnh Càn Long Hoàng đế của Thanh triều. Một trong số những giai thoại nổi tiếng nhất gắn liền với tên tuổi của vị phi tần này là việc bà sở hữu cơ thể tự phát ra mùi hương thơm ngát như hoa.

Căn cứ vào dị bản của người Hán, sau khi qua đời, thi hài của bà được đưa từ Trung Nguyên đem về mai táng tại quê hương sau cuộc diễu hành đưa tang suốt 3 năm. Tương tự như vậy, dị bản của người Duy Ngô Nhị cũng khẳng định di thể của Hương phi đã được chôn cất trong lăng mộ dòng họ Apak Khojar tại ngoại ô Kashgar.

Tuy nhiên, những bằng chứng khảo cổ liên quan tới một bộ xương được phát hiện tại nơi an nghỉ Càn Long đế lại phơi bày một sự thật hoàn toàn khác về vị phi tần tưởng chừng như chỉ có trong truyền thuyết này.

Bộ xương bí ẩn được phát hiện trong khuôn viên lăng tẩm của Càn Long

 Bộ xương lạ ở lăng Càn Long hé lộ sự thật về Hương phi: Hậu thế đều nhầm về điều này - Ảnh 1.

Chân dung nguyên mẫu của nhân vật Hương phi ngoài đời thực (tranh bên phải) và hình tượng Hàm Hương trên phim ảnh. (Hình minh họa).

Khi Thanh triều còn đứng vững trên mảnh đất Trung Hoa, những giai thoại về Hương phi đã dần được lưu truyền và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đa số các giả thuyết liên quan tới bà đều khẳng định rằng vị phi tử này sau khi qua đời đã được an táng tại quê nhà.

Thế nhưng khi một góc trong nơi an nghỉ của Càn Long đế là Thanh Đông lăng được khai quật và tu bổ, người ta đã có một phát hiện kỳ lạ được cho là liên quan trực tiếp tới nhân vật Hương phi.

Vào năm 1979, khuôn viên nơi an táng các phi tần của Càn Long có một ngôi mộ đã bị sụp lún và ngập nước. Không chỉ bị hư hỏng nặng, ngôi mộ này còn đã bị kẻ gian đột nhập và gần như "khoắng" sạch bảo vật từ lâu, tới cả hài cốt cũng "bốc hơi" một cách bí ẩn.

 Bộ xương lạ ở lăng Càn Long hé lộ sự thật về Hương phi: Hậu thế đều nhầm về điều này - Ảnh 2.

Lăng mộ của nhân vật được cho là nguyên mẫu của Hương phi trong Thanh Đông lăng - nơi an nghỉ của Càn Long và các thê thiếp. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Trong quá trình thu thập các phế tích tại đây, người ta đã tìm thấy hai viên đá mắt mèo – đồ vật vốn chỉ dành cho những người thê thiếp mang hàng Phi vị trở lên. Vì vậy, chủ nhân của ngôi mộ hư hỏng này rất có thể là một phi tần có cấp bậc tương đối cao trong hậu cung của Càn Long.

Khi tiếp tục đào bới lớp đất đã bị sụp lún, nhiều mảnh xương vụn cũng dần dần lộ ra. Tuy nhiên vết tích chiếc đầu lâu của chủ nhân ngôi mộ vẫn chưa thấy tăm hơi.

Sau nhiều lần vất vả đào sâu xuống vô số lớp đất cát, chiếc đầu lâu cuối cùng cũng được tìm thấy. Kết quả giám định cho thấy số xương này đều thuộc về di thể của cùng một người.

Điểm đáng nói còn nằm ở chỗ, quy cách mai táng của vị phi tử này không phải là kiểu "một quan một quách" như phong tục của Mãn Tộc mà lại theo kiểu cách của đạo Hồi. Đặc biệt, trên chiếc quách  được tìm thấy còn có một đoạn chép kinh Koran theo ngôn ngữ của người Hồi giáo.

Những phát hiện bất ngờ này đã khiến nhiều người tin rằng, chủ nhân của bộ xương được tìm thấy chính là phi tần người Hồi giáo duy nhất trong hậu cung Càn Long – Hương phi. Thế nhưng liệu "Hương phi" này có thực sự giống như hình tượng được xây dựng trên phim ảnh mà hậu thế thường thấy hay không?

Thân phận thật của Hương phi và sự thật từ trước đến nay vẫn nhiều người lầm tưởng

 Bộ xương lạ ở lăng Càn Long hé lộ sự thật về Hương phi: Hậu thế đều nhầm về điều này - Ảnh 3.

Các hình tượng nhân vật lấy cảm hứng từ Hương phi trên một số bộ phim cung đấu gây sốt trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Thực tế, những cứ liệu lịch sử ghi chép về hậu cung Thanh triều đã khẳng định, Càn Long Hoàng đế không có bất kỳ vị phi tử nào mang phong hiệu "Hương phi".

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, nguyên mẫu của Hương phi ngoài đời thực rất có khả năng là Dung phi – người thiếp duy nhất thuộc tộc Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương vào thời Càn Long.

Dung phi (1734-1788) vốn mang họ Hòa Trác thị, nhập cung vào năm 27 tuổi và ngay sau đó đã được phong làm Quý nhân.

Tương truyền rằng khi bà nhập cung, cây lệ chi trong vườn Thượng uyển năm ấy bỗng nhiên kết được hơn 200 quả. Mọi người vì vậy mà tin rằng Dung phi là người mang tới phúc trạch cho nhà vua.

Sinh thời, Càn Long vô cùng sủng ái vị phi tử ngoại tộc này. Ông từng xây dựng riêng cho bà một công trình mang phong cách Hồi giáo tên là Thanh Chân tự, cũng đặc cách cho Dung phi được mặc trang phục của dân tộc mình và còn cất công tìm đầu bếp người Hồi để lo việc nấu nướng.

Về giai thoại Dung phi hay Hương phi trời sinh đã có hương thơm tự nhiên phát ra từ thân thể, số liệu khám nghiệm di cốt trong mộ vua Càn Long lại đưa ra kết quả hoàn toàn khác.

Theo đó, thể chất của Dung phi vốn không thể tự tỏa ra hương thơm. Mùi thơm này vốn liên quan tới thói quen thích dùng hương liệu, lại thêm việc hay đem theo túi thơm mang hoa cỏ Tân Cương bên người.

Những mùi thơm của các hương liệu này vốn không phổ biến ở Trung Nguyên, vì vậy người thời bấy giờ liền hiểu lầm rằng Dung phi (hay Hương phi) trời sinh đã có cơ thể thơm ngát.

 Bộ xương lạ ở lăng Càn Long hé lộ sự thật về Hương phi: Hậu thế đều nhầm về điều này - Ảnh 4.

Khác với những nét tính cách được xây dựng như trên phim ảnh, Dung phi ngoài đời thực chất là một người biết các đối nhân xử thế và rất được nhà vua sủng ái. (Hình minh họa: Nguồn Baidu)

Khác với những hình tượng trên phim ảnh, Dung phi ngoài đời thực sở hữu đức tính dịu dàng, hòa nhã, không thích tranh giành, hơn nữa lại biết cách đối nhân xử thế. Đây cũng chính là lý do khiến bà không chỉ được nhà vua sủng ái mà còn được lòng của cả Hoàng Thái hậu.

Chỉ tiếc rằng Dung phi dù sống trong hậu cung cả một đời cũng không thể sinh cho Càn Long bất kỳ một vị Hoàng tử, công chúa nào. Vào năm Càn Long thứ 53, bà đã qua đời ở tuổi 55.

Thuận theo di nguyện lúc sinh thời của Dung phi, Càn Long đã ban tặng cho các phi tần, hoàng tử, công chúa những vật phẩm thuộc về bà, để người trong cung có thể thường xuyên tưởng nhớ sủng phi của Hoàng đế năm nào...

*Dịch từ báo nước ngoài.

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM