Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Cách mạng 4.0 là cơ hội cho các nước ASEAN thay đổi và vượt lên"

17/03/2019 10:10 AM | Xã hội

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cuộc cách mạng của sự thay đổi, nhưng không chỉ là thay đổi về công nghệ mà là sự thay đổi cả về mô hình quản trị, kinh doanh, diễn ra rộng khắp, ở tất cả các lĩnh vực. Đây là cơ hội cho các nước ASEAN thay đổi và vượt lên.

Sự kiện Digital Cambodia với chủ đề ASEAN hướng tới Công nghiệp 4.0 đã được tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia từ ngày 15 đến 17/3/2019. Bộ TT&TT Việt Nam, cùng Hiệp hội Vinasa và các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, VP9 và nhiều doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam đã tham dự sự kiện này.

Với vai trò là diễn giả chính của Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, CMCN lần thứ tư là cuộc cách mạng của sự thay đổi, nhưng không chỉ là thay đổi về công nghệ mà là sự thay đổi cả về mô hình quản trị, kinh doanh, diễn ra rộng khắp, ở tất cả các lĩnh vực. Đây là cơ hội cho các nước ASEAN thay đổi và vượt lên.

Theo ông, ASEAN cần có một tầm nhìn khu vực, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng trên internet và sẽ cho ra đời các sản phẩm xuyên biên giới. Do vậy, ASEAN cần xây dựng một cơ chế hợp tác chung về chính sách để có thể cho phép thử nghiệm chính sách đối với các sản phẩm 4.0 ở cấp độ khu vực. Ở đó mỗi sản phẩm công nghệ 4.0 sẽ được thử nghiệm trong các môi trường chính sách khác nhau, ở các nước khác nhau dưới hình thức "sandbox".

Thứ hai, tạo ra một thị trường chung trên cơ sở sự tương đồng về văn hóa và kết nối về địa lý để nhanh chóng đưa các sản phẩm 4.0 vào ứng dụng trong thực tế. Ví dụ như các nước trong khu vực Mekong, là những quốc gia có rất nhiều cảnh đẹp, những vùng đất mầu mỡ và những con người cần cù thông minh, có kết nối giao thông thuận lợi, sẽ cùng nhau tạo ra một Mekong 4.0. Ở đó sẽ tập trung phát triển các công nghệ mới để ứng dụng trong nông nghiệp, du lịch, logistic và công nghiệp ICT – những lĩnh vực mà các nước trong Mekong đều có lợi thế và dễ dàng kết nối.

Thứ ba, ASEAN phải có những doanh nghiệp chủ lực, đi đầu trong cuộc CMCN 4.0. Những doanh nghiệp này cần phải được tạo điều kiện để phát triển ở tầm khu vực.

Tại Gian hàng quốc gia Việt Nam với chủ đề "Make in Viet Nam 4.0", các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam gồm Viettel, VNPT, Mobifone, BKAV, CMC, VP9 đã gây ấn tượng lớn với nước chủ nhà cũng như đại biểu của các nước ASEAN tham dự.

VNPT đã giới thiệu các công nghệ, nền tảng và giải pháp mới nhất như GPON ONT, Modem ADSL, Wifi router, Smartphone, Set – Top Box, các giải pháp IoT: Quản lý đô thị thông minh, Du lịch thông minh, Y tế thông minh, Giám sát môi trường, Nông nghiệp thông minh, Giao thông thông minh… dựa trên nền tảng IoT Smart Connected Platform (SCP) do VNPT Technology – thành viên tập đoàn VNPT nghiên cứu phát triển.

CMC đã gây dấu ấn trong gian triển lãm "Digital Cambodia 2019" với 3 giải pháp công nghệ hoàn toàn được phát triển bởi người Việt Nam gồm: giải pháp bảo mật toàn diện dành cho hệ thống thông tin CISE, Trung tâm điều hành an ninh mạng thế hệ mới CMC NextGen SOC và hệ sinh thái mở C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise) - một hệ thống kiến trúc mở, tích hợp tất cả thế mạnh công nghệ của CMC như nền tảng Multi-Cloud, nền tảng dữ liệu (Data Lake), trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng ứng dụng, cho phép các cơ quan, doanh nghiệp và khách hàng của CMC có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số.

MobiFone đã mang tới và trình bày năm sản phẩm, giải pháp mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Như giải pháp AI nhận diện khuôn mặt là hệ thống phần mềm nền tảng do MobiFone nghiên cứu và hoàn thiện, giúp các loại camera thông thường trở nên thông minh hơn, có thể nhận diện khuôn mặt và từ đó xác định danh tính của những người được camera ghi lại với độ chính xác tuyệt đối.

BKAV đã trình diễn BPhone, sản phẩm smartphone cao cấp "Made in Viet Nam" với các tính năng nổi bật so với các sản phẩm cùng phân khúc như thiết kế tràn viên không cằm, chống nước, khả năng bảo mật cao cấp, với giá cạnh tranh. Phần mềm diệt virus BKAV phổ biết nhất tại Việt Nam cùng các giải pháp eGov và bộ sản phẩm an toàn thông tin toàn diện đang được triển khai tại Việt Nam.

VP9 giới thiệu sản phẩm camera giám sát với toàn bộ công nghệ do công ty tự phát triển. Với việc trang bị AI phân tích hình ảnh, những chiếc camera đã trở thành công cụ đắc lực cho việc giám sát và đảm bảo an ninh.

Các doanh nghiệp phần mềm đã giới thiệu các giải pháp. Cụ thể như MISA trình diễn phần mềm kế toán, quản trị doanh nghiệp, quản lý trường học, phần mềm quản lý nhà hàng Cuk Cuk, phần mềm quản lý cửa hàng thời trang. Ngoài ra có giải pháp quản lý nhân sự, dịch vụ CNTT của VN Resource và giải pháp quản lý bệnh viện, chăm sóc sức khỏe tại nhà, quản lý và xử lý hình ảnh, dữ liệu cho các bệnh viện của Viet Ba IT.

Được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm & Hội nghị Koh Pich, Phnom Penh, Campuchia, Diễn đàn và triển lãm công nghệ "Digital Cambodia 2019" là sự kiện do Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia chủ trì tổ chức nhằm giới thiệu về tầm nhìn và kế hoạch đến năm 2025 của Chính phủ và Hoàng gia Campuchia trong việc chuyển đổi nền kinh tế số, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Campuchia Aun Pornmoniroth, Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia Tram Iv Tek, gần 10 Bộ trưởng ngành ICT các nước ASEAN cùng hơn 20.000 khách tham quan triển lãm.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM