Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Quy hoạch bầu trời rất khó"

21/11/2016 17:14 PM | Xã hội

Sáng 21/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch - một dự án luật được cho là rất cấp thiết nhưng cũng vô cùng khó. Tại đây, một số ý kiến phàn nàn về tình trạng quy hoạch treo gây lãng phí lớn cho xã hội.

Dứt khoát phải treo

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định "quy hoạch dứt khoát phải treo" và cho rằng có một sự nhầm lẫn giữa quy hoạch và việc thực hiện các dự án.

"Quy hoạch phải đi trước, phải có sự chuẩn bị, còn dự án mà anh xác định thời hạn thì lúc đó mới thực hiện và nếu thực hiện không đến nơi, đến chốn thì lúc đó ta hay dùng thuật ngữ "quy hoạch treo". Như vậy đã có một sự nhầm lẫn chỗ này, tôi nghĩ cần phải làm rõ giữa quy hoạch và vấn đề dự án trong luật này cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện. Các đại biểu nói quy hoạch treo, tôi thấy thực sự nhầm lẫn", ông Nhưỡng tranh luận.

Phát biểu ngay sau đó, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) nói đại biểu không hiểu nhầm mà do trước đây quy hoạch nhiều loại: quy hoạch dự án, quy hoạch khu vực, công nghiệp, dân cư vẫn là quy hoạch. Quy hoạch này có thời gian triển khai cụ thể tuy nhiên do chủ đầu tư, chủ dự án không triển khai, kéo dài thời gian nên được hiểu là quy hoạch treo.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nhưỡng thể hiện sự băn khoăn khi mà trong Hiến pháp quy định có vùng trời, dự thảo luật lại không quy hoạch vùng trời, chỉ quy định quy hoạch biển và đất.

Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cũng nhận xét dự thảo luật chưa đề cập vùng trời, mà vùng trời hiện nay rất bức xúc.

"Tôi đề nghị phải quy hoạch cụ thể đường bay nội địa, đường bay quốc tế, đường bay quá cảnh, đường bay dành cho lực lượng không quân, vùng trời dành cho phòng không chiến đấu thế nào, phải có quy định cụ thể", đại biểu Hà Giang nói.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói đã đưa ra bàn bạc và xin ý kiến nhưng không hình dung là quy hoạch bầu trời là quy hoạch thế nào.

"Chúng tôi hình dung nó chỉ là ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau về bầu trời để xác định không xâm phạm không phận của nhau. Trong một bầu trời như thế này các máy bay bay trên trời được tự do, quan trọng là quản lý, điều hành bay và phối hợp giữa các cơ quan, mình không có giới hạn ai được bay đến đâu và chiều cao của bầu trời không xác định được. Chúng tôi thấy quy hoạch bầu trời rất khó, chúng tôi sẽ tiếp thu để nghiên cứu tiếp", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh vấn đề vùng trời, một trong các nội dung được khá nhiều đại biểu thống nhất là thẩm quyền của quy hoạch tổng thể quốc gia phải để Quốc hội phê duyệt.

Bộ trưởng Dũng "xin tiếp thu, nhìn nhận và nghiên cứu để báo cáo lại với Thủ tướng và trình lại Quốc hội về phương án và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia".

Đại biểu "đọc bài" trùng lặp gây phản cảm?

Cuối phần phát biểu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập một vấn đề ngoài dự thảo luật. Ông cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội tâm sự với ông có nói có nhiều đại biểu cứ chuẩn bị một bài xong đến Quốc hội đọc, thậm chí đọc trùng bài của những người khác, nêu các vấn đề bên dưới các đại biểu đã nắm hết cả.

Đại biểu Nhưỡng đề nghị vị nào đã chuẩn bị rồi nhưng nội dung đã trùng thì khi phát biểu chỉ cần nói một câu chúng tôi đồng tình với các ý kiến trước hoặc đồng tình với những nội dung nào chứ không nên trình bày dài dòng cả bài làm mất thời gian của Quốc hội mà không chất lượng, gây ra sự phản cảm.

Ngay lập tức, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) phản biện rằng, quyền phát biểu là quyền của đại biểu và chịu trách nhiệm những vấn đề mình phát biểu. Việc này do điều hành của Chủ tọa phiên họp, ông Đỉnh nói.

"Do có chuẩn bị nên tôi báo cáo tôi theo chuẩn bị của tôi chứ tôi không theo ý kiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng", ông Đỉnh nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM