Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo về cơn sốt đất, thổi giá của môi giới

31/03/2021 19:20 PM | Xã hội

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, việc thổi giá của đối tượng môi giới đã tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh. Từ đó, ông đề nghị theo dõi, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Chiều 31/3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2021. Đây được xem là phiên họp cuối cùng trước khi Quốc hội xem xét miễn nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ khóa XIV.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2021 vẫn có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nhiều vấn đề cần lưu tâm, trong đó đáng chú ý là nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo ông Dũng, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, song giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

“Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Từ nhận định trên, ông Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; giám sát các tổ chức tín dụng có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Bộ Tài chính tập trung theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tăng cường giám sát biến động của thị trường chứng khoán, chống thao túng giá, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lưu ý cần phải thực sự tiết kiệm, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc cấp đất, sử dụng đất cho các dự án; cấp đất phải căn cứ vào nhu cầu, khả năng thực tế triển khai gắn với các điều kiện nhất định về tiến độ, kết quả thực hiện dự án, nghĩa vụ với nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Việc cấp và giao đất phải được thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch thông qua các hình thức đấu thầu, đấu giá theo đúng quy định và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Văn Kiên

Cùng chuyên mục
XEM