Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam dự kiến có 60 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021

19/02/2021 14:43 PM | Xã hội

Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các công ty, trên tinh thần chung đảm bảo vaccine phòng Covid-19 cho mỗi người dân. Bộ sẽ ưu tiên vaccine cho những địa phương có dịch và có nguy cơ cao.

Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 19/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang tích cực khẩn trương phối hợp với các tổ chức để đàm phán, sớm có vaccine phòng Covid-19. Trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine cho toàn dân.

Bộ Y tế đã có cam kết nhận 30 triệu liều vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX (cố gắng về Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021), đồng thời nhập khẩu 30 triệu liều vaccine từ công ty AstraZeneca. Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam dự kiến có 60 triệu liều vaccine.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán với các công ty khác, trên tinh thần chung đảm bảo vaccine cho mỗi người dân. Bộ sẽ ưu tiên vaccine cho những địa phương có dịch và có nguy cơ cao.

Trong vòng 5 ngày, Bộ sẽ hoàn thiện các hồ sơ, dữ liệu lâm sàng, cố gắng giảm bỏ tối đa thủ tục hành chính, theo cơ chế khẩn cấp để sớm được cấp phép.

"Cố gắng trong năm 2021, người dân được tiếp cận vaccine đầy đủ để tái phát triển kinh tế và đưa cuộc sống trở lại bình thường", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam dự kiến có 60 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021 - Ảnh 1.

Nam thanh niên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam (Ảnh: Phương Thảo)

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh phải quyết liệt triển khai nghiêm Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối không lơ là, không chủ quan, không tự mãn, "không được ngủ quên trên chiến thắng". Các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó nhanh nhất và kịp thời nhất, tăng cường tầm soát phát hiện sớm các ca bệnh trong tất cả khu vực như bệnh viện, nhà máy, nơi tập trung đông người, những nơi có nguy cơ, giao lưu đi lại nhiều người.

"Chúng ta phải xét nghiệm tầm soát, phát hiện ra những ca bệnh chỉ điểm, từ đó có những biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Nếu để chậm, công tác sẽ rất khó khăn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong đợt dịch lần này, Bộ Y tế đã thay đổi chiến lược phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép, giảm tác động việc thực hiện cách ly đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu diện rộng và phong toả diện hẹp. Gộp mẫu và lấy mẫu theo hộ gia đình, cơ quan, vừa tiết kiệm sinh phẩm, vừa đảm bảo tốc độ xét nghiệm. Các địa phương có thể gộp tới 16 mẫu, nếu có ca dương tính ngay lập tức cách ly và xét nghiệm khẳng định.

Đặc biệt đối với các trường hợp F1, Bộ trưởng yêu cầu cách ly tập trung ngay, không được để F1 lại cộng đồng. Bộ trưởng đề nghị tại các cơ sở cách ly dân sự, cần có lực lượng quốc phòng chỉ đạo, điều hành và giám sát.

Với các đối tượng nhập cảnh, Bộ Y tế đều phải cách ly tập trung 14 ngày, trừ trường hợp thật sự đặc biệt mới được cách ly tại nhà (đảm bảo các tiêu chuẩn).

MINH NHÂN

Cùng chuyên mục
XEM